Nắng như "thiêu đốt", người dân giải nhiệt ở hồ chứa 300 triệu m3 nước
(Dân trí) - Để giải nhiệt giữa thời tiết nắng "như thiêu, như đốt", người dân Hà Tĩnh đổ xô về hồ Kẻ Gỗ bơi lội. Nơi đây như biến thành bể bơi vào buổi chiều mỗi ngày.
17h hàng ngày khi nắng nóng bớt gay gắt, đông đảo người dân Hà Tĩnh đổ xô về hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) tắm giải nhiệt.
Người đi tắm chủ yếu đến từ các xã của huyện Cẩm Xuyên như: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch. Họ chủ yếu đi xe máy đến địa điểm tắm. Có nhiều người dân vượt gần 20km từ thành phố Hà Tĩnh lên hồ Kẻ Gỗ tắm.
Hồ Kẻ Gỗ có thiết kế thân đập dài, bờ xi măng thoải, vùng nước mát và không quá sâu nên người dân lựa chọn để tắm giải nhiệt những ngày hè oi bức.
Hàng ngày, vợ chồng ông Quyền (65 tuổi, trú xã Cẩm Mỹ) thường đưa cháu trai 3 tuổi đến đây tập bơi. Ông bà mặc áo phao cẩn thận cho cháu trước khi cho xuống nước. "Cũng có chút lo ngại về sự an toàn khi tắm tại đây. Trong quá trình tắm, chúng tôi theo dõi, hướng dẫn cho cháu" - ông Quyền nói.
Trong số những người đến tắm, trẻ nhỏ chiếm phần đông. Các em đều mang theo áo phao.
Người bố tập bơi cho con trai dưới làn nước mát. Họ đa số chọn vị trí tắm gần bờ nơi có mực nước cạn.
Nhiều cô gái trẻ cũng đến đây tắm. Với áo pháo, các bạn trẻ thường bơi ra cách bờ 4-5m, nô đùa ở đây.
Một số em nhỏ trèo lên cột bê tông dùng để đo mực độ nước rồi nhảy, nhào lộn xuống mặt hồ.
Nhóm thanh niên còn leo lên cả trụ, thành bê tông của nhà điều tiết nước hồ để thử "cảm giác mạnh".
Tại vị trí bờ xi măng gần đường, Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm bơi lội. Song, vào mùa hè hàng năm, người dân vẫn đến đây tắm đông đúc như bể bơi.
Hồ Kẻ Gỗ - nơi người dân chọn tắm giải nhiệt - nằm giữa các sườn đồi, núi thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Hồ được xây dựng trên lưu vực của sông Rào Cái. Hồ có chiều dài gần 30km, gồm một đập chính và 3 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m3 nước.
Đây là một công trình nhân tạo mang tính chất phục vụ thủy lợi là chính. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 và tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính. Ba năm sau, toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Đến nay, đây vẫn là một trong những hồ đập lớn nhất cả nước.