Mùa Covid-19, người khuyết tật đã khó càng thêm khổ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hầu hết người khuyết tật (NKT) thường không có công việc ổn định, thu nhập thấp nên rất khó tích lũy. Trong giai đoạn giãn cách kéo dài, tiêu hết tiền tích lũy thì cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.

Lời chia sẻ của anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT TP Đà Nẵng cũng là nỗi lòng chung của cả trăm NKT tham dự tọa đàm trực tuyến "Sài Gòn ơi! NKT chung tay đẩy lùi Covid" diễn ra vào tối 21/8.

Đã khó càng thêm khổ

Chị Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ chia sẻ về hoàn cảnh rất khó khăn của các thành viên trong hội trong đợt giãn cách kéo dài này.

Theo chị, trước khi giãn cách thì Hội NKT TP Cần Thơ cũng đã tìm nguồn lực để hỗ trợ các thành viên một phần nhu yếu phẩm. Nhưng nếu chỉ giãn cách 1 tuần, nửa tháng thì còn vượt qua được, kéo dài hơn thì thật sự khó khăn.

"Bây giờ nhiều hội viên nhờ giúp đỡ mà cũng chưa biết làm sao. Trong điều kiện giãn cách, việc vận chuyển hàng hỗ trợ đến cũng rất khó, phải nhắn nhủ hội viên mượn đỡ hàng xóm láng giềng để sinh sống, sau dịch sẽ hỗ trợ họ trả lại", chị Nhung chia sẻ.

Mùa Covid-19, người khuyết tật đã khó càng thêm khổ - 1

NKT thường có thu nhập thấp nên rất khó tích lũy, mùa dịch kéo dài thì cuộc sống của họ càng khó khăn (Ảnh minh họa).

Với những NKT mắc Covid-19 thì càng khổ hơn. Chị Nhung kể ở Hội NKT có một hội viên nữ không may mắc Covid-19 mà chị này một mình nuôi con nhỏ, không người thân thuộc.

"Khi đi cách ly chữa trị, chị này phải dẫn theo con nhỏ 5 tuổi vì không có ai chăm sóc. Vì đi vội vàng quá, chị không chuẩn bị đủ sữa cho con, khi hết thì không biết nhờ ai giúp đỡ, phải cầu cứu đến Hội. Mà giãn cách nên NKT muốn ra đường giúp chị cũng khó, phải nhờ anh chị bên Thành đoàn đến giúp", chị Nhung chia sẻ.

"Khó khăn nhất là với hội viên có người thân trong gia đình mất vì Covid-19. Những lúc này, chúng tôi không có chuyên môn để tư vấn cho họ bớt đau buồn. Chỉ có thể ai ủi vài lời như cố gắng lên, bình tĩnh lại…", Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ thở dài.

Chị Lưu Thị Ánh Loan (Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam) cho biết: "Khó nhất là những NKT nặng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân mà người nhà mắc Covid-19 hay qua đời vì Covid-19".

Chị kể về gia đình mà chị quen biết trong hệ thống hỗ trợ NKT. Anh này bị khuyết tật nặng nên sống dựa vào sự chăm sóc của cha mẹ. Mà cha mẹ mắc Covid-19 nên phải đi điều trị, còn anh là F1 đi cách ly tập trung vì ở nhà không ai chăm sóc.

Rồi cha mẹ anh nối nhau qua đời trong 2 ngày, anh sắp hết hạn cách ly nhưng không biết về nhà thì ai có thể chăm sóc mình? Em trai anh ở Vũng Tàu muốn lên TPHCM để chăm anh nhưng phải chờ hết thời gian giãn cách.

Hoang mang trong đại dịch

Chị Tâm là người khiếm thị (người mù) ở TPHCM. Dù là người khiếm thị hiếm hoi được học tập, có kiến thức, có gia đình hỗ trợ nhưng chị cũng rơi vào trạng thái căng thẳng nghiêm trọng một thời gian khi mẹ chị mắc Covid-19.

Mùa Covid-19, người khuyết tật đã khó càng thêm khổ - 2

Người khiếm thị hiện có thể học tập nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, nhưng để tập làm một công việc thì rất mất thời gian để làm quen (Ảnh minh họa).

5 ngày sau khi mẹ chị Tâm mắc Covid-19 mới được nhập viện. Ba chị thì bị tai biến, huyết áp cao. Do có người mắc Covid-19 sống trong nhà nên người quen cũng không thể đến giúp đỡ.

Trong khi đó, người khiếm thị như chị Tâm phải cần thời gian dài mới có thể học tập thao tác để làm một công việc, hoạt động mới dù nó rất đơn giản. Nhưng Covid-19 không cho chị thời gian, chị phải thích ứng ngay để chăm sóc cha mẹ…

"Lúc mẹ bệnh, em phải làm những việc mà mình chưa từng làm, không quen cách làm để chăm sóc cho cả gia đình mà không ai có thể đến giúp mình cả. Lúc đó em hoang mang, lo lắng lắm!", chị Tâm chia sẻ.

Nỗi khổ với cộng đồng người khiếm thính (người điếc) càng lớn hơn vì họ hoàn toàn "mù" thông tin về Covid-19, hoang mang lo lắng trước đại dịch mà ai cũng sợ này.

Bởi các dạng tật khác có thể giao tiếp dễ dàng để học cách ứng phó với Covid-19. Đến người khiếm thị cũng có thể nghe phát thanh, tivi để có kiến thức về Covid-19 thì người khiếm thính rất ít tài liệu thủ ngữ (dấu tay) về bệnh này.

Khi biết cộng đồng NKT có tọa đàm về Covid-19 với sự tham gia của nhiều bác sĩ, họ tha thiết xin được tham dự và phải tìm kiếm đơn vị phiên dịch thủ ngữ để phục vụ nhóm người khiếm thính.

Mùa Covid-19, người khuyết tật đã khó càng thêm khổ - 3

Người khiếm thính tham dự chương trình rất đông và đặt nhiều câu hỏi về Covid-19 (Ảnh chụp màn hình).

Họ tham gia rất đông và đặt nhiều câu hỏi thật đơn giản như đăng ký chích vắc xin ngừa Covid-19 làm sao? Nuôi chó mèo có sợ lây Covid-19? Ngày nào cũng uống nước chanh, xả, gừng có sao không? Chích vắc xin về bị sốt có sao không?...

Những câu hỏi rất đơn giản mà hầu như bất kỳ ai trải qua mùa đại dịch này đều biết. Thế nhưng, với cộng đồng người khiếm thính thì đó là điều rất mới lạ, thắc mắc lâu nay mà không có người giải đáp.