1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong hòa nhập, mưu sinh

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, nhiều rào cản từ các công trình xây dựng và giao thông đang "chặn bước" người khuyết tật ra đường học tập và tự lao động để mưu sinh, đóng góp cho xã hội.

"Nhiều con đường đều bị... chặn lại"

Ngày 6/8, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) đã tổ chức buổi trò chuyện trực tuyến "Thành phố tiếp cận với người khuyết tật (NKT): Xây dựng và Giao thông".

Tại chương trình, Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD), đã phát một clip ghi lại hành trình vất vả của một NKT đi xe lăn có nhu cầu rút tiền từ thẻ ATM. Anh đi cả chục cây ATM nhưng không tiếp cận được máy ATM vì có chỗ kiốt đặt máy cao quá, nơi thì cửa nhỏ quá, điểm quá nhiều bậc thang…

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong hòa nhập, mưu sinh - 1

Rất nhiều rào cản từ các công trình xây dựng đang cản bước NKT ra đường, hòa nhập xã hội.

Theo Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến, nhiều rào cản từ các công trình xây dựng và giao thông đang vô tình ngăn cản NKT ra đường học tập và làm việc, tự lao động để mưu sinh và đóng góp cho xã hội.

"Đường không có lối dẫn hướng cho người khiếm thị, hiếm lắm mới có thì làm sai, có khi dẫn hướng người khiếm thị đi vào cột điện hay biển báo. Báo cháy chung cư bằng âm thanh người khiếm thính làm sao có thể nghe? Lớp học ở tầng cao làm sao người đi xe lăn tiếp cận? Tất cả các con đường đều bị chặn lại!", Giám đốc DRD chia sẻ góc nhìn.

Ông Huỳnh Hữu Cảnh (cán bộ trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang) bị khiếm thị từ năm 8 tuổi do tai nạn bom. Ông cho biết còn gặp nhiều khó khăn khi ra khỏi nhà vì đường xá hỗn loạn, khó bắt xe buýt đi lại…

"Khi dùng gậy định hướng đi trên đường, có lúc tôi chọc cây gậy vào nồi chè của chị bán hàng trên vỉa hè, quơ gậy đổ sạp báo… Sợ nhất khi qua đường, có lúc vừa đi qua xe chạy tới cán gẫy cây gậy dẫn đường. Điều đó khiến tôi thấy thiếu tự tin, không an toàn, phải dựa dẫm vào người khác", ông Huỳnh Hữu Cảnh kể.

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong hòa nhập, mưu sinh - 2

Những gờ dẫn hướng như thế này rất hiếm có ở Việt Nam.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 này, mọi người đều có thể thấy được cuộc sống khó khăn như thế nào khi việc đi lại bị hạn chế. Trong khi đó, NKT đang gặp phải những rào cản như thế mỗi ngày trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống của họ" - ông Michael Sadlon, Giám đốc Chương trình Aus4Skills dẫn chứng.

Thành phố tiếp cận dành cho mọi người

Tiến sĩ Joanne Webber, Giám đốc tổ chức Hòa nhập Người khuyết tật (Úc) cũng là một người khiếm thị chia sẻ: "Ở Melbourne (Úc), tôi thậm chí không cần dùng gậy định hướng khi ra đường. Trên đường có những thiết bị định hướng và tôi có app hỗ trợ. Luôn có thông báo để biết tôi đang ở đâu, có đi đúng hướng hay không. Tôi rất tự do đi lại, tham gia mọi việc cùng bạn bè. Điều đó giúp tôi rất tự tin".

Tuy nhiên, khi Tiến sĩ Joanne Webber trải nghiệm giao thông ở một thành phố Đông Nam Á thì hoàn toàn khác.

"Tôi phải dùng gậy định hướng để đi lại nhưng gặp phải nhiều vấn đề. Đang đi trên vỉa hè tôi rất sợ có xe máy đi ngang qua. Tôi không dám qua đường vì quá nhiều xe…".

"Môi trường tiếp cận rất quan trọng, nó giúp tôi có cảm giác an toàn. Ở Úc, tôi không cảm thấy bất tiện gì khi ra đường. Nhưng khi đến những nơi không tiếp cận, tôi cảm thấy mình là NKT" - Tiến sĩ Joanne Webber nói.

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong hòa nhập, mưu sinh - 3

Sinh viên TPHCM trải nghiệm cảm giác của NKT khi ra đường và ai cũng cảm thấy "kinh hoàng".

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến hy vọng một ngày không xa, Việt Nam cũng có những thành phố tiếp cận như Melbourne ở Úc. Khi đó sẽ không còn những rào cản, NKT sẽ có thể ra đường học tập, mưu sinh dễ dàng.

Theo bà, Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và chính sách rất tốt dành cho NKT, điều quan trọng bây giờ là thay đổi nhận thức của người thực thi chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống.

"Quy chuẩn xây dựng cho NKT tiếp cận đã có từ lâu, chỉ cần chúng ta thực hiện đúng và đầy đủ quy chuẩn là quá tốt. Nhưng điều quan trọng là người ta ít quan tâm đến điều này. Nếu ai không tuân thủ, cơ quan chức năng phạt ngay thì ai dám làm sai?", Tiến sĩ Hoàng Yến nêu vấn đề.

Theo Giám đốc DRD, một thành phố tiếp cận không chỉ là vì NKT mà còn là dành cho tất cả mọi người.

"Ai rồi cũng sẽ già đi, mắt mờ, chân yếu. Có người bất ngờ trở thành NKT, hoặc tạm thời là NKT vì tai nạn… thì họ vẫn có thể sinh hoạt bình thường trong thành phố tiếp cận".

Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến kể: "Có anh trưởng phòng một công ty gặp tai nạn mất cả đôi mắt. Anh rất sốc vì không hề có dịch vụ nào hỗ trợ người khiếm thị bên ngoài căn nhà của mình. Anh bị "cầm tù" trong chính ngôi nhà vì không thể ra đường".

"Những người bất ngờ bị khuyết tật, có người tự tử vì họ quá sốc, bởi không thể hòa nhập", Tiến sĩ Võ Thị Hoàng Yến nói.