1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắk Lắk:

Người khiếm thị hành nghề massage chật vật mưu sinh mùa dịch

Thúy Diễm

(Dân trí) - Sinh ra kém may mắn nhưng nhiều người khiếm thị đã quyết tâm theo học nghề massage, xoa bóp y học để mưu sinh. Dịch Covid-19 khiến công việc tạm ngưng, các lao động khiếm thị lâm vào cảnh khó khăn.

Chắt chiu chi tiêu 

Anh Cao Quan Báu (39 tuổi, ngụ huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) bị khiếm thị từ khi vừa chào đời. Hoàn cảnh éo le, vất vả nhưng anh chưa bao giờ phó mặc hay than trách số phận. Để không làm gánh nặng cho gia đình, anh quyết tâm theo học nghề massage, xoa bóp y học để mưu sinh.

Năm 2015, sau khi gom góp được một số vốn nho nhỏ, anh Cao Quan Báu mở một tiệm massage nhỏ để kiếm sống. Nhằm tạo công ăn việc làm cho những người khiếm thị, anh nhận đào tạo nghề và giúp các lao động có công ăn việc làm. Sau nhiều năm phát triển, cơ sở của anh có 10 nhân viên.

Người khiếm thị hành nghề massage chật vật mưu sinh mùa dịch - 1

Anh Cao Quan Báu chia sẻ về những khó khăn, vất vả của lao động khiếm thị trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Anh luôn thấu hiểu được những khó khăn của người khiếm thị khi không có việc làm. Do đó, anh mong muốn giúp được chút ít gì đó cho những người đồng cảnh ngộ.

Những ngày cao điểm, cơ sở massage của anh Cao Quan Báu có khoảng 20 khách, mang lại thu nhập tương đối ổn định. Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, khách hàng đến cơ sở của anh bắt đầu vắng dần.

Hơn một tháng qua, cơ sở lại tiếp tục phải tạm ngưng hoạt động, khiến anh và nhân viên càng thêm khó khăn chồng chất.

Người khiếm thị hành nghề massage chật vật mưu sinh mùa dịch - 2

Anh Cao Quan Báu cùng 3 nhân viên khiếm thị phải chắt chiu, tiết kiệm để có chi phí trang trải qua ngày.

"Một số nhân viên phải rời cơ sở về quê sinh sống tạm, chỉ còn lại tôi và 3 nhân viên bám trụ lại. Thời gian này, chúng tôi tiết kiệm chi tiêu tối đa và sử dụng khoản tiền tích góp bấy lâu nay để sinh sống qua ngày. Thật sự hiện tại rất khó khăn và chỉ biết mong dịch nhanh chấm dứt để chúng tôi lại được lao động trở lại", anh Cao Quan Báu nói.

Biết thông tin về gói hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của tỉnh Đắk Lắk có dành sự hỗ trợ cho người lao động làm nghề massage, xoa bóp y học, châm cứu..., anh phấn khởi và mong muốn sẽ sớm được nhận được gói hỗ trợ này.

Người khiếm thị hành nghề massage chật vật mưu sinh mùa dịch - 3

Chương trình "Siêu thị mini 0 đồng" tại Đắk Lắk hỗ trợ anh Cao Quan Báu và cơ sở một số nhu yếu phẩm.

"Thời điểm khó khăn này, nếu nhận được gói hỗ trợ chúng tôi rất mừng. Đó sẽ là động lực cho chúng tôi vượt qua "cơn bĩ cực" này", anh Cao Quan Báu cho hay.

Vừa qua nhận được thông tin về chương trình "Siêu thị 0 đồng" tại Đắk Lắk dành các suất quà cho người lao động khó khăn, anh đã chủ động đăng ký và vui mừng khi nhận được sự giúp đỡ.

Rà soát đúng đối tượng

Theo ông Nguyễn Văn Dzi - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột, vừa qua, UBND thành phố có văn bản hướng dẫn việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến tất cả các xã, phường trên địa bàn để tổ chức rà soát, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ, niêm yết công khai.

Phòng LĐ-TB&XH sẽ thẩm định, trình lãnh đạo thành phố phê duyệt danh sách cùng kinh phí hỗ trợ.

Người khiếm thị hành nghề massage chật vật mưu sinh mùa dịch - 4

Lao động khiếm thị làm nghề massage rất phấn khởi khi biết thông tin mình nằm trong đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dzi, hiện các xã, phường đang trong quá trình rà soát các đối tượng. Riêng nhóm người lao động khiếm thị gặp khó khăn do dịch Covid-19, các địa phương đã được quán triệt phải quan tâm, lưu ý sớm rà soát để kịp thời chi trả hỗ trợ.

"Thành phố đã chỉ đạo phải khẩn trương rà soát để chi trả cho người lao động gặp khó khăn. Các địa phương khi rà soát xong đối tượng nào sẽ gửi ngay danh sách các đối tượng đó để kịp thời hỗ trợ, không nhất thiết phải chờ xong tất cả các nhóm đối tượng mới chi trả. Việc chi trả sẽ theo hình thức cuốn chiếu từng đợt 7 ngày một lần", Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột cho biết thêm.

Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh thuộc các ngành nghề sau sẽ được nhận gói hỗ trợ:

- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định bao gồm: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; hàng dệt may sẵn, giày, dép; thiết bị gia đình; hàng văn hóa, giải trí; hàng gốm sứ, thủy tinh; hoa tươi, hoa giả, cây cảnh, động vật cảnh; hàng lưu niệm; hàng đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ; hàng hóa sử dụng để lau chùi quét dọn, làm vệ sinh, đồng hồ, kính mắt.

- Thu gom rác, phế liệu.

- Bốc vác, vận chuyển hàng hóa

- Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách.

- Bán lẻ vé số lưu động.

- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ). Trong đó bao gồm, người làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch; khu điểm du lịch; điểm vui chơi, giải trí; người làm nghề mát xa, xoa bóp y học, châm cứu; người làm công việc cắt tóc, gội đầu…

Những ngành nghề, công việc nêu trên phải thuộc diện phải tạm dừng hoạt động theo quyết định, văn bản của UBND tỉnh hoặc UBND địa phương để phòng, chống dịch Covid-19.

Mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 và số ngày hỗ trợ không quá 30 ngày.