Trăm người thay nhau ngủ rừng canh giữ "cột chống trời"
(Dân trí) - Hàng tuần, bà con Xơ Đăng cùng nhân viên vượt rừng lên núi canh gác cây sao cát đại thụ. Lâm tặc nhiều lần nhăm nhe cưa hạ cây nhưng bất thành, do có sự bảo vệ của người dân và lực lượng chức năng.
Bao đời nay, bà con đồng bào Xơ Đăng truyền tai nhau về cây sao cát đại thụ nằm trên địa phận làng Đăk Chờ, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum được tôn sùng là "cột chống trời".
Vì là cây đại thụ quý của buôn làng nên mỗi tuần, bà con Xơ Đăng đều đặn tham gia cùng lực lượng bảo vệ rừng, luân phiên mắc võng nằm canh gác ngày đêm. Lâm tặc từng nhiều lần rình mò để đốn hạ cây mà bất thành.
Cây sao cát nằm cách làng Đăk Chờ khoảng 5km, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Để đến thăm cây thiêng này, chúng tôi phải di chuyển khoảng 2 tiếng đồng hồ, bằng xe máy chuyên dụng và đi bộ lên nhiều con núi dựng đứng.
Anh A Thái, Phó trưởng Phân trường 2 (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô), cho biết: "Mỗi tuần, đơn vị phối hợp cùng cộng đồng giao khoán đi tuần tra bảo vệ rừng. Vì đường xa, hiểm trở nên anh em thường dừng chân nghỉ qua đêm ở dưới gốc đại thụ này. Mỗi chuyến đi tuần tra rừng ở khu vực này thường kéo dài 3-5 đêm".
Theo anh Thái, cây sao cát này có đường kính hơn 4m, cao 35m và phải hơn 10 người lớn mới ôm hết thân cây. Đây là cây sao cát có đường kính thân lớn nhất trong lâm phần do công ty quản lý.
Tham gia bảo vệ khu rừng, anh A Gon (38 tuổi) tâm sự: "Người dân làng Đăk Chờ chẳng ai nhớ nổi cây sao cát có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng, đã bao đời nay, khi lên rừng săn bắt, hái lượm đã thấy cây đứng sừng sững như "cột chống trời" ở đây. Dân trong làng khi lên rừng thường ghé qua đây thắp hương, xin cho chuyến đi rừng bình an, gặp nhiều may mắn.
"Nghe đâu, chừng 30 năm trước, cây sao cát bị một nhóm lâm tặc lén lút định đốn hạ. Không hiểu sao, lưỡi cưa lâm tặc chỉ vừa lẹm vào thân cây khoảng chừng 1 gang tay rồi dội ngược, không thể ăn sâu thêm nữa. Biết được tin cây sao đại thụ có nguy cơ bị đốn hạ, người làng Đăk Chờ kéo nhau đến xua đuổi nhóm lâm tặc để bảo vệ cây thiêng", anh A Gon kể.
Vết tích của việc cưa hạ cách đây 30 năm vẫn còn in trên thân cây đại thụ. Cách mặt đất lên khoảng 1m vẫn còn 3 vết cưa lớn, ăn sâu vào thân gỗ. Người dân đặt lư hương vào hốc vết cưa để cảm tạ, bày tỏ lòng thành kính đối với thần rừng.
Vào tháng 12/2023, đại diện gần trăm hộ dân của sáu xã: Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), xã Đăk Tờ Can, Đăk Rơ Ông, Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tập trung dưới gốc cây này, hoàn thành ký biên bản cam kết bảo vệ rừng. Cây sao cát là minh chứng sinh động cho cam kết.
Từ nhiều năm qua, cây sao cát này được người dân, chính quyền địa phương và công ty bảo vệ tuyệt đối. Lực lượng thường xuyên tổ chức các nhóm tuần tra, bảo vệ cây 24/24, tránh kẻ xấu nhòm ngó.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết: "Cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đo, kiểm tra, phân tích tuổi của cây sao cát này. Ước tính, giải tích sinh trưởng từ tâm cây ra hơn 2.000 ly, quy ước tuổi đời từ 250 năm trở lên. Người dân địa phương thì vẫn quen gọi là cây sao ngàn năm tuổi".