Mời bạn dự đám cưới, cô dâu chú rể ghi luôn số tài khoản chuyển tiền mừng
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, cô dâu, chú rể công khai số tài khoản, khách mời sẽ cảm nhận việc mừng cưới như một sự bắt buộc. Đám cưới tổ chức là vì vật chất chứ không phải vì tinh thần.
Mùa cưới đang vào giai đoạn "cao điểm" nên chị Trần Thị Ánh (SN 1995, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục nhận được thiệp và điện thoại mời cưới của bạn bè.
Một ngày cuối tháng 9, chị Ánh nhận được cuộc gọi từ một cô bạn học cùng lớp đại học hiện đang sinh sống ở một tỉnh giáp ranh Hà Nội. Người bạn vui mừng thông báo hôn lễ của mình sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10.
Vì khá quý mến người bạn này, chị Ánh nói sẽ cố gắng sắp xếp thời gian về chung vui cùng bạn trong ngày trọng đại. Dẫu sao, chị và người bạn này đã không gặp nhau một thời gian dài nên chị khá háo hức.
Tuy nhiên, để đề phòng tình huống không thể về dự đám cưới như đã hẹn, chị Ánh vẫn "rào trước" với bạn rằng, nếu bản thân có việc đột xuất thì mong nhận được sự thông cảm từ bạn.
Buổi tối cùng ngày, lướt Facebook, chị thấy người bạn đăng tải bài viết với nội dung mời cưới. Ngoài thông báo rõ thời gian tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới, tiệc trà bánh… người bạn còn ghi thêm số tài khoản của bản thân.
"Tôi ngầm hiểu bạn ấy đăng tải số tài khoản là để tiện cho ai không về được thì gửi tiền mừng. Lúc đó, tôi băn khoăn không biết có phải bài viết của bạn "nhắm" tới những vị khách ở xa như tôi? Tự dưng tôi thấy bớt háo hức hẳn", chị Ánh chia sẻ.
Trên mạng xã hội thời gian qua, nhiều cô dâu, chú rể khi đăng tải các thông tin về lễ cưới của bản thân, ngày giờ ăn hỏi, đón dâu… cũng ghi công khai số tài khoản ngân hàng. Có cô dâu thậm chí còn ghi luôn hai, ba số tài khoản.
Có người chia sẻ rằng, ngày cưới họ rất bận rộn trong khi những người bạn ở xa không tới dự được liên tục nhắn tin hỏi số tài khoản. Để tiết kiệm thời gian, họ đăng bài viết ghi rõ số tài khoản, ngân hàng thụ hưởng để bạn bè gửi tiền mừng.
Việc các cô dâu, chú rể công khai số tài khoản khi mời cưới lập tức gây ra không ít tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, đây là biểu hiện của lối sống công nghiệp, thực dụng.
Theo chị Lương Thị Hiên (34 tuổi, Long Biên, Hà Nội), cô dâu, chú rể không nên công khai số tài khoản như vậy. Bởi nếu khách mời có tâm, thật lòng muốn chúc mừng thì họ sẽ tìm cách để gửi quà hoặc nhắn tin riêng, hỏi qua bạn bè thân thiết để biết số tài khoản.
Mời cưới như vậy sẽ dễ bị hiểu nhầm là đang mong chờ tiền mừng nhiều hơn là tình cảm từ anh em, bạn bè. Nếu khách là những người đã kết hôn đọc được những dòng thông báo ấy, họ lại thấy bản thân như đang bị "đòi nợ".
"Nếu không tới dự đám cưới được, tôi thường chủ động nhắn tin riêng, hỏi người mời từ mấy hôm trước. Cũng có khi tôi nhờ bạn bè đến dự ghi phong bì sau đó chuyển trả người đó", chị Lương Thị Hiên nói.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, anh Dương Tuấn Minh (khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, Hoàng Mai, Hà Nội) lại cho rằng, nên thông cảm cho cô dâu, chú rể vì hôn sự là chuyện trọng đại nhất của đời người.
Ngày này, cả hai đều bận rộn chuẩn bị, tiếp đón khách khứa, hoàn thành các lễ nghi… nên không thể có thời gian trả lời riêng tin nhắn từng người. Họ còn trẻ nên nghĩ công khai số tài khoản nhận tiền mừng là tiện lợi mà không mất thời gian của cả hai.
Cũng liên quan đến việc mừng cưới thời 4.0, cách đây ít lâu, vào tháng 7/2022, một đám cưới ở Giao Thủy, Nam Định cũng gây xôn xao dư luận khi chú rể và cô dâu có những ý tưởng đặc biệt.
Chú rể M. Q thay vì để khách mừng tiền qua hình thức truyền thống như trước kia thì đã thêm phương án hiện đại khác là quét mã QR. Như vậy, khi đến dự, khách chỉ mất vài chục giây là đã hoàn thành xong việc mừng cưới.
Gần đây nhất tại Bắc Giang, một cặp đôi cũng đã in và đặt mã QR tài khoản ngân hàng của chú rể tại cổng và bàn mừng cưới. Khách hàng đến chỉ cần quét mã QR, chuyển tiền mừng cho cô dâu, chú rể thay vì dùng tiền mặt theo phương thức truyền thống.
Một số ý kiến cho rằng, thời đại công nghệ mới, việc mừng tiền qua chuyển khoản, quét mã QR rất tiện lợi. Mừng theo cách này sẽ tiện cho cả cô dâu và chú rể trong khâu kiểm soát ai mừng và số tiền bao nhiêu.
Trao đổi với PV Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa - TS Nguyễn Ánh Hồng cho hay, xưa nay việc mừng cưới luôn được người Việt thực hiện một cách ý nhị và tinh tế, gửi gắm qua những chiếc phong bì và lời chúc phúc bên ngoài.
Theo thời gian, đám cưới có nhiều thay đổi trong các nghi lễ tổ chức, hình thức mời khách, mừng cưới… Có nhiều người không chỉ ghi số tài khoản trên trang cá nhân mà còn in thẳng vào thiệp mời.
TS Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, việc công khai số tài khoản cá nhân khi mời cưới là không nên. Làm như vậy là mất đi sự tinh tế trong giao tiếp, ứng xử.
"Khách mời đọc được những thông tin ấy sẽ cảm nhận việc mừng cưới như một sự bắt buộc. Họ ngầm hiểu rằng, cô dâu chú rể có ý rằng "đây là số tài khoản, nếu anh/chị không đi được thì có thể gửi tiền mừng". Như vậy, đám cưới tổ chức là vì vật chất chứ không phải vì tinh thần.
Một số ý kiến sẽ bao biện rằng đó là sự tiện lợi của công nghệ thông tin, của xã hội hiện đại, là xu hướng của giới trẻ. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống có thể tiếp thu sự tiên tiến để đổi mới, nhưng đổi mới thế nào để không làm thay đổi bản chất của nét văn hóa, đổi mới thế nào để không bị đứt gãy với quá khứ thì mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải lưu tâm", TS Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.