Mừng cưới thời đại 4.0: Chuyển khoản hay đưa tận tay thì hơn?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Công nghệ phát triển, ngày càng nhiều người chọn mừng cưới qua hình thức chuyển khoản. Liệu điều này có làm mất đi vẻ đẹp của truyền thống mừng cưới?

Truyền thống mừng cưới

Kết hôn là dịp lễ trọng đại của mỗi người, đánh dấu một hành trình mới trong cuộc đời cô dâu và chú rể. Những người đến tham dự hôn lễ thường sẽ chuẩn bị quà cưới, tiền mừng để chúc phúc cho cặp đôi.

Chia sẻ với báo Dân trí, PSG.TS Nguyễn Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Việc mừng cưới có hai ý nghĩa. Thứ nhất, mừng cưới là một phong tục tập quán của người Việt Nam, để giúp các thành viên trong gia đình, họ hàng, hàng xóm bày tỏ niềm vui, chúc cô dâu chú rể.

Thứ hai, chúng ta có tục trả nợ nghiệp. Nếu gia đình tổ chức hôn lễ, người thân đến mừng cưới thì sau này chúng ta cũng nên tham dự lễ cưới và mừng lại họ. Một là để chúc phúc và thể hiện tinh thần đoàn kết, hai là trả lại số tiền, hiện vật mà họ đã tặng mình. Nếu ai không làm đầy đủ chuyện đó sẽ bị oán trách, chỉ để người khác giúp đỡ, chúc mừng mình mà lại không thực hiện đầy đủ lại với họ".

Mừng cưới thời đại 4.0: Chuyển khoản hay đưa tận tay thì hơn? - 1

PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, mừng cưới là một truyền thống tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, "tình làng nghĩa xóm" của người Việt được duy trì từ bao đời nay.

Bạn trẻ nghĩ gì về việc chuyển khoản tiền mừng cưới?

Ngày nay công nghệ ngày càng phát triển, các giao dịch tiền tệ đều có thể thực hiện qua điện thoại. Vì vậy, nhiều người (đa phần là các bạn trẻ) đã bắt đầu quen với việc mừng cưới qua hình thức chuyển khoản nếu không thể tham dự trực tiếp hôn lễ của người thân.

Nguyễn Huyền Linh (22 tuổi, Hà Nội) cho rằng việc mừng cưới dưới hình thức chuyển khoản là điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống hiện nay.

Linh nói: "Theo mình, vấn đề mừng cưới theo cách chuyển khoản hay trực tiếp hoàn toàn có thể linh động. Cuộc sống phát triển, mình thấy chúng ta đang hướng đến một cuộc sống mà chỉ cần mang theo điện thoại ra ngoài và không cần ví tiền. Vậy nên việc mừng cưới thông qua chuyển khoản là hết sức bình thường trong thời đại này".

Mừng cưới thời đại 4.0: Chuyển khoản hay đưa tận tay thì hơn? - 2

Theo Huyền Linh, việc chuyển khoản tiền mừng cưới là hoàn toàn bình thường trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. (Ảnh: NVCC)

Cùng chung quan điểm với Huyền Linh, Đinh Vân Anh (22 tuổi, Hòa Bình) chia sẻ: "Trong đám cưới của mình thì người thân đều đến và chúc mừng trực tiếp. Tuy nhiên, mình cũng gặp nhiều trường hợp chuyển khoản mừng cưới trong hôn lễ của bạn mình. Mình thấy hành động đó không hẳn thể hiện sự thô lỗ, vì đôi khi họ có việc bận không thể đến, hoặc dịch bệnh xảy ra không thể tổ chức tiệc cưới.

Quan trọng người mừng cưới có thái độ vui vẻ, chúc mừng thành tâm và cô dâu chú rể cảm nhận được điều đó. Mình nghĩ việc mừng như thế nào cũng sẽ không thay đổi được tình cảm, cách đối xử của đối phương dành cho nhau".

Chuyển khoản liệu có thể thay thế truyền thống gặp mặt mừng cưới?

Chuyển khoản tiền mừng cưới đang dần phổ biến trong các đám cưới, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển. Tuy nhiên, mừng cưới chuyển khoản không thể thay thế việc gặp mặt trực tiếp cùng với phong bì truyền thống.

Theo Vân Anh, mừng cưới trực tiếp có một ý nghĩa đặc biệt. Vân Anh tâm sự: "Thời đại ngày càng phát triển với việc giới trẻ sử dụng công nghệ ngày càng nhiều, nhưng mình nghĩ việc chuyển khoản mừng cưới vẫn chưa thể thay thế cho việc trao phong bì truyền thống.

Bởi đó là một nét văn hóa, một tập tục của người dân ta từ bao lâu nay. Việc mừng phong bì truyền thống cũng là một dịp gặp gỡ, giúp thể hiện tình cảm, sự quan tâm trực tiếp mà sự "chuyển khoản" không thể đem lại được".

Mừng cưới thời đại 4.0: Chuyển khoản hay đưa tận tay thì hơn? - 3

Trong đám cưới của mình, Vân Anh đã được người thân đến chúc phúc trực tiếp. (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, mừng cưới trực tiếp vẫn có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay thì nên linh động, tận dụng những tiện ích mà công nghệ mang lại.

"Hai hình thức này về vật chất thì như nhau, còn về tinh thần thì lại khác nhau. Nếu được đến trực tiếp, gặp mặt bắt tay, hoan hỉ chúc mừng thì sẽ tốt hơn và gia đình tổ chức hôn lễ sẽ phấn khởi, vinh dự hơn.

Còn việc chuyển tiền cưới qua điện thoại thì điều đó là bất đắc dĩ, thuần túy là vật chất. Cũng có thể họ có nhắn tin chúc mừng, nhưng ý nghĩa sẽ bị giảm đi. Tuy nhiên, chúng ta không thể cưỡng lại xu hướng phát triển đó. Nếu khách mời ở quá xa thì chúng ta cũng nên dần dần thích nghi với việc này", thầy Ngọc Trung chia sẻ.