Mẹ kế 35 năm yêu quý con chồng, 20 năm chăm cháu chồng bại não
(Dân trí) - Không chỉ chăm lo cho 2 đứa con riêng của chồng khôn lớn nên người, bà Dung còn nhận đứa cháu ngoại bị bại não của chồng về chăm sóc chu đáo khiến ai cũng khâm phục.
Ấp Hồi Trinh (xã Xuân Hiệp, Trà Ôn, Vĩnh Long) nằm cặp mé bờ sông Mang Thít vốn đã thưa nhà, mùa dịch khiến không khí càng thêm vắng lặng. Để tìm được nhà bà Nguyễn Thị Dung (54 tuổi) phóng viên đã phải hỏi hàng chục lần và rẽ hàng chục khúc cua.
Mỗi lần hỏi nhà thì ai cũng hỏi lại phóng viên: "Có phải bà Dung mà nuôi cháu ngoại của chồng bị bại não không?". Dường như bà Dung là một người đặc biệt trong vùng, câu chuyện của bà trong làng ai cũng biết.
Thương con của chồng vì bản thân cũng mất mẹ từ nhỏ
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Dung nằm lặng lẽ cạnh bờ sông, chỉ có lối đường đất dẫn vào. Cây hoa giấy màu hồng rực rỡ trước cổng là chỉ dấu nổi bật nhất giữa nhà bà Dung và những nhà khác cùng trên một đoạn đê dài.
Cả con chung và con riêng của chồng, tất cả bốn người đều đã có gia đình riêng và đi làm ăn xa. Chồng của bà Dung cũng đi sửa máy ở xã bên tối mới về nên bà Dung ở nhà một mình. Đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe cũng không tốt, ngoài việc nhà bà cũng nuôi thêm gà vịt để vừa có việc làm cho khuây khỏa, vừa tăng thêm thu nhập.
Bà Dung quê ở Trà Vinh, mất mẹ khi mới 3 tuổi, bị cha đem cho một người trong vùng để đổi lấy một chỉ vàng. Năm 19 tuổi, bà Dung đi làm công nhân rồi quen ông Nguyễn Văn Sen qua mai mối. Lúc đó ông Sen đã ngoài 40 tuổi, đang làm nghề sửa máy ở Trà Vinh.
Dù chênh lệch tuổi tác rất nhiều nhưng thấy ông Sen hiền lành, chịu khó nên bà Dung cũng ưng. Sau vài lần lên Vĩnh Long thăm nhà nội thì 2 ông bà quyết định kết hôn nhanh chóng. "Cưới về mới biết chuyện chồng đã ly hôn một đời vợ và đang nuôi 2 đứa con riêng. Trước đó ổng giấu, ổng bảo sợ mình biết thì không chịu.
Lúc đó mình còn trẻ lắm, mới 19 tuổi, bất ngờ rồi cũng rối lắm, không biết phải làm sao. Thế nhưng mới gặp lần đầu mà 2 đứa con của chồng cứ quấn quýt lấy mình như mẹ ruột vậy, không hề xa lạ gì. Lúc đó con gái mới một tuổi còn con trai thì mới 6 tuổi.
Tôi thương các con thiếu tình thương của mẹ, côi cút như chính bản thân mình ngày trước. Nghĩ các con không có tội tình gì mà phải chịu thiệt thòi, thế là tôi quyết định ở lại để chăm lo cho 2 đứa như con ruột và tụi nhỏ cũng coi mình như mẹ đẻ vậy. Lâu dần tôi còn thấy hạnh phúc vì chưa sinh mà đã có sẵn 2 đứa con", bà Dung kể.
Hết chăm con chồng rồi chăm cháu bại não
Hơn 20 năm trước, con gái lớn của ông Sen sinh con trai đầu lòng nhưng chẳng may đứa trẻ bị bại não bẩm sinh. Cũng vì lý do đó mà vợ chồng con gái đường ai nấy đi. Thương cháu, bà Dung lại đón về chăm sóc. "Cháu ngoại" nằm một chỗ, luôn luôn phải có người túc trực chăm sóc nên bà Dung gác lại tất cả để toàn tâm toàn ý lo cho cháu.
"20 năm nó sống trên đời là một tay tôi chăm sóc, ăn uống, lau dọn. Đến độ mà mẹ nó cho ăn nó cũng không chịu, tôi chưa kịp cho ăn là nó nhịn nó chờ chứ không ai làm thay được.
Vì thế mà mình cũng không đi đâu được, phải suốt ngày ở nhà với cháu. Cháu mất năm ngoái, tôi thương lắm, đến giờ có những lúc đêm nằm nghĩ đến cháu là nước mắt ướt gối", bà Dung tâm sự.
Khi bà Dung đang tiếp chuyện phóng viên thì ông Sen, chồng bà Dung đi làm về. Ông Sen chia sẻ, 35 năm từ khi cưới bà Dung, đời ông như mở ra một trang tươi sáng.
Ông yên tâm đi làm mà không sợ cảnh mẹ kế con chồng. Thấy vợ con đầm ấm, hòa thuận ông như trẻ ra, khỏe ra nên đi làm không biết mệt, về nhà khi nào cũng thấy hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Tùng (con riêng của ông Sen) nhớ lại, ngày xưa nhà rất nghèo, không đủ ăn nên anh và mẹ kế của mình phải cùng ra sông bắt cá, bắt tép. Dù vậy mẹ Dung chưa khi nào phân biệt con riêng, con chung, không để chị em anh Tùng phải chịu thiệt. Nhà nghèo nhưng bà Dung vẫn động viên chị em anh Tùng học hết phổ thông rồi lại lo cho đi học nghề.
"Tôi coi như mẹ ruột vì bà cũng thương mình như con ruột. Đến giờ tôi cũng nhiều tuổi, có gia đình riêng và ở xa nhưng vẫn thường xuyên về thăm, mẹ con gọi điện với nhau suốt. Việc gì lớn thì tôi cũng hỏi ý kiến mẹ chứ không dám quyết một mình", anh Tùng chia sẻ.
Bà Phạm Thị Lệ (73 tuổi, hàng xóm) cho biết trong mấy chục năm vợ chồng bà Dung về ở ấp Hồi Trinh thì gia đình luôn hòa thuận, láng giềng ai cũng yêu quý. "Không chỉ chuyện bà ấy nuôi, lo cho 2 đứa con riêng của chồng mà bà ấy còn đưa đứa cháu ngoại bị bại não của chồng về nuôi. Ai cũng khâm phục, mẹ ruột có người cũng chẳng làm được như vậy", bà Lệ nói.
Ông Nguyễn Văn Khải - Phó trưởng ấp Hồi Trinh cho biết: "Những năm qua gia đình ông Sen bà Dung luôn là gia đình văn hóa. Trước đây bà Dung nuôi con riêng của chồng chu đáo.
Những năm gần đây thì chuyện bà Dung nuôi cháu ngoại bị bại não được rất nhiều người biết, địa phương cũng quan tâm thăm hỏi và có chế độ cho cháu bé".