Bé bị bỏ rơi ở khu nhà giàu, duyên số được chị lao công nghèo nhận nuôi
(Dân trí) - Một bé sơ sinh bị bỏ rơi tại một chung cư cao cấp khi mới hơn 10 ngày tuổi được chị lao công hiếm muộn nhận nuôi. Với sự chăm sóc của gia đình cậu bé đã bập bẹ những tiếng "mama! ba ba!" đầu tiên.
Khi đứa trẻ cất tiếng khóc đầu tiên, đó là dấu hiệu của một "thiên thần" mới chào đời, tiếng khóc ấy khiến cha mẹ nở nụ cười và rơi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn để được chăm sóc và lớn lên từ vòng tay cha mẹ.
10 năm hiếm muộn bỗng nhặt được... "vàng"
Mái ấm nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Trang - người đã nhận nuôi cậu bé bị bỏ rơi tại chung cư Sunrise nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TPHCM).
Trước đây chị Trang làm công việc lao công cho một nhà trẻ tư nhân tại Quận 7. Tuy nhiên, cơ sở tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chị chuyển qua dọn vệ sinh tại trụ sở công an phường khoảng một năm trở lại đây. Chồng chị làm thợ xây cho các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM.
Bản thân chị Trang không được may mắn như những người phụ nữ khác. Đã hơn 40 tuổi, kết hôn gần 10 năm nhưng căn bệnh teo cổ tử cung dường như đã cướp đi cơ hội được làm mẹ của chị.
Nhắc về khoảng thời gian dài không có con, chị chỉ cười và nói: "Lúc đầu thì buồn, nhưng sau khi được người thân khuyên, chia sẻ tôi cũng hiểu nó là cái duyên nên không buồn nữa".
Tuy vậy, người phụ nữ này lúc nào cũng khát khao sẽ có một đứa con cho riêng mình.
Cách đây khoảng 8 tháng, vào buổi sáng sớm, có một bé trai kháu khỉnh được phát hiện bị bỏ rơi ở khu chung cư cao cấp Sunrise City, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Cháu bé sau đó được người dân phát hiện đưa về trụ sở công an. Chính quyền lập tức phát đi thông báo tìm người thân hoặc người muốn nhận nuôi.
Làm công việc dọn vệ sinh ở trụ sở công an phường nên chị Trang nhanh chóng nắm bắt được thông tin. Niềm khao khát được làm mẹ, có một đứa con để yêu thương, chăm sóc trỗi dậy mãnh liệt. Chị Trang mừng rỡ, bèn đến công an làm đơn xin nhận nuôi.
Thời điểm đó cậu bé mới được hơn mười ngày tuổi, đỏ hỏn, ngằn ngặt khóc vì thiếu hơi mẹ. Có một vài gia đình giàu có biết tin cũng đi xe ô tô đến xin nhận nuôi bé.
"Hôm đó có cả một cặp vợ chồng giàu có đến xin nhận bé. Họ đi xe hơi, đeo vàng đầy người. Tôi sợ các chú công an không cho mình nuôi vì mình nghèo quá, người ta thì giàu như vậy. Nhưng sau công an phường nói, họ chỉ cho người dân trong quận 7 nuôi thôi chứ không dám cho người lạ. Được nhận con, tôi mừng như trúng độc đắc", chị Trang xúc động.
Nhắc về khoảng thời gian đầu nuôi con, chị Trang cho biết lúc bé bị bỏ rơi không có kỷ vật gì về cha mẹ ruột. Trên người cháu lúc ấy chỉ đội một chiếc nón kèm hai đôi vớ, bộ quần áo sơ sinh đơn giản, kèm theo một cái khăn màu xanh có dòng chữ "Từ Dũ".
Điền tên An vào hộ khẩu
Cậu bé được chị Trang đặt tên là Nguyễn Lê Hoàng An, với mong muốn cuộc đời con được suôn sẻ, bình an và khỏe mạnh. Bé hay được hàng xóm gọi bằng cái tên "Sunrise" - nơi cậu bé được tìm thấy, cũng có người gọi vui cậu với cái tên đầy hóm hỉnh là "Cu Lỳ".
Sự yêu thương và chăm sóc của chị Trang dành cho An có lẽ đã khiến cậu bé "quen hơi" và cảm nhận được tình mẫu tử sâu sắc mà chị dành cho bé. Lúc cháu đang vui chơi cùng ông bà, hoặc được những cô bác quý mến bế nhưng khi thấy bóng dáng chị Trang xuất hiện thì An nhanh chóng quấn lấy mẹ.
Duyên số đã đưa An được lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương và chăm sóc của gia đình chị Trang. Giờ đây, cậu bé đã chập chững tập đi và bập bẹ những tiếng "mama! ba ba!" đầu tiên.
"Thấy em bé bị chính cha mẹ ruột của mình bỏ rơi tôi và hầu hết mọi người ai cũng thương và xót. Tôi bị hiếm muộn nó đã là cái số, được nhận nuôi cháu chính là cái duyên nên tôi rất mừng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng con chính là động lực để tôi cố gắng làm việc, dù vất vả đến mấy tôi cũng chấp nhận", chị Trang chia sẻ.
Một người mẹ đã nuôi nấng và xem An như con ruột mình, điền tên con vào sổ hộ khẩu, dẫn con đến trường,... Điều bình dị với nhiều người mẹ khác nhưng lại là khoảnh khắc mà chị Trang mong chờ trong suốt 10 năm qua.
Chị Trang tranh thủ hoàn thành các thủ tục nhận con nuôi, để có thể chính thức được trở thành bố mẹ hợp pháp của An, thực hiện nghĩa vụ và "thiên chức" của một người mẹ một cách trọn vẹn nhất.
"Sau này khi con lớn lên và thành tài, nếu cha mẹ ruột An tìm đến tôi sẽ cho cháu nhận lại họ. Gần 10 tháng chăm sóc, mến tay mến chân giờ con đi tôi buồn lắm, tôi sẽ không cho An đi lúc này" - đôi mắt chị lộ rõ nỗi buồn xen chút lo lắng.
Không chỉ nhận được tình yêu thương của các thành viên trong gia đình. An còn được hàng xóm xung quanh vô cùng yêu mến, vì sự kháu khỉnh, đôi mắt to tròn lấp lánh và nụ cười rạng ngời, An như một món quà xuất hiện trong con hẻm nhỏ. "Bé hay cười lắm, cả xóm ai cũng yêu mến cháu", chị Trang hạnh phúc.
Với mức thu nhập ít ỏi từ công việc lao công, cuộc sống cũng không mấy khá giả nhưng chị Trang vẫn dành những điều kiện tốt nhất chăm sóc cho An.
Người mẹ này hạnh phúc cho biết: "Ai làm bố làm mẹ cũng sẽ biết cách co kéo để lo cho con mình tốt nhất. Tôi có thể không giàu có về vật chất nhưng tình yêu thương tôi dành cho con bằng cả tấm lòng".
Nhiều người bảo, mẹ bé bỏ con ở một chung cư cao cấp, có lẽ hy vọng con được một gia đình giàu có nhận nuôi. Nhưng duyên số đã đưa bé trở thành con của chị lao công nghèo về vật chất song lại rất giàu về tình cảm.
Phải tận mắt chứng kiến khoảnh khắc chị Trang dành tình yêu thương, quan tâm, vỗ về bé An từ những điều nhỏ nhặt nhất mới thấy người mẹ này cưng nựng cậu bé như thế nào.
Dường như cũng cảm nhận được tình cảm mà mẹ Trang dành cho, An lúc nào cũng nhoẻn miệng cười hạnh phúc. Hơn 8 tháng tuổi nhờ được chăm sóc tốt nên con nhanh nhẹn, hoạt náo, cứng cáp và vô cùng đáng yêu.
Là một phụ nữ hiếm muộn, chị Trang nhắn nhủ đến các ông bố, bà mẹ khi có ý định bỏ rơi đứa con do mình đứt ruột sinh ra hãy nghĩ rằng đâu đó quanh chúng ta có rất nhiều người đã tốn bao công sức, tiền của mà vẫn không thể có con.
Và nếu lỡ sinh con nhưng không đủ điều kiện nuôi nấng, hãy đem con gửi đến những nơi an toàn như cô nhi viện, các trung tâm bảo trợ xã hội... thay vì bỏ chúng ở bụi cây, bãi đất hoang,... gây nguy hiểm cho bé.