Lo ăn rượu nếp lên nồng độ cồn: Người bắt xe đi làm, người đến công ty ăn

Hồng Anh

(Dân trí) - Mặc dù thấy bản thân vẫn hoàn toàn tỉnh táo sau khi ăn cơm rượu nếp, nhưng anh Chiến vẫn quyết định bắt xe ôm công nghệ đi làm vì sợ bị lên nồng độ cồn nếu gặp cảnh sát giao thông kiểm tra.

Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào thứ hai, ngày 10/6 Dương lịch. Ngay từ sáng sớm nhiều gia đình đã chuẩn bị mâm cúng với nhiều loại hoa quả mùa hè như mận, vải, các loại bánh, chè để dâng cúng lên ban thờ. Mâm cúng của nhiều gia đình không thể thiếu món cơm rượu nếp.

Theo quan niệm của ông bà xưa, ăn cơm rượu nếp có thể giết sâu bọ vì độ cay của cơm rượu có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Lo ăn rượu nếp lên nồng độ cồn: Người bắt xe đi làm, người đến công ty ăn - 1

Cơm rượu nếp không thể thiếu trong mâm cúng của nhiều gia đình (Ảnh: Thu Huong Vu).

Vào dịp Tết Đoan ngọ, các loại cơm rượu nếp làm từ nếp cẩm, nếp cái hoa vàng luôn đắt khách. Người bán thường ủ cơm rượu nếp, sau đó đóng vào hộp hoặc túi bán cho người dân trong 2 ngày 4-5/5 âm lịch. Giá mỗi hộp cơm rượu dao động từ 10.000-30.000 đồng/hộp.

Theo tìm hiểu, khi làm cơm rượu, người bán sẽ ủ cơm nếp trong 3 ngày, còn nếu nấu rượu thì các loại nếp được ủ trong 7-10 ngày. Cơm rượu vì thế chứa ethanol do quá trình lên men tự nhiên.

Nhiều người băn khoăn, việc ăn cơm rượu sẽ khiến cơ thể chứa một nồng độ cồn nhất định, ăn nhiều rượu nếp có thể dẫn tới vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Các chủ đề về việc ăn cơm rượu nếp có nguy cơ bị lên nồng độ cồn thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội.

Anh Vũ Tuấn Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, theo quy định hiện nay, trong người có nồng độ cồn là vi phạm giao thông, trong khi đó cơm rượu nếp chứa cồn, nếu ăn nhiều thậm chí còn bị say chẳng khác gì say rượu.

"Vì vậy, sáng nay khi vợ bảo tôi ăn cơm rượu để diệt sâu bọ, tôi không dám ăn vì còn phải đi làm. Nếu ăn, tôi sợ bị thổi nồng độ cồn và sợ bị xử lý vi phạm dù tôi không uống rượu", anh Hùng nói.

Trước giờ đi làm, anh Đỗ Đức Chiến (quận Thanh Xuân) cũng được vợ "giao nhiệm vụ" phải ăn hết bát cơm rượu. Tiếc công vợ hì hụi chuẩn bị mấy ngày trời, anh Chiến liền ăn hết bát cơm rượu.

Nhưng ăn xong, người đàn ông mới nhớ ra mình phải di chuyển quãng đường 8km đến cơ quan. Mặc dù thấy bản thân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu "say", nhưng anh Chiến vẫn quyết định bắt xe ôm công nghệ đi làm.

"Trời mưa, phí xe có đắt hơn ngày thường một chút. Tính ra, tôi mất hơn 80.000 đồng cho bát cơm rượu", anh Chiến dí dỏm nói.

Lo ăn rượu nếp lên nồng độ cồn: Người bắt xe đi làm, người đến công ty ăn - 2

Người Hà Nội chuẩn bị cơm rượu nếp bán trong Tết Đoan Ngọ sáng nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Thay vì ăn ngay tại nhà, chị Vũ Thu Quỳnh (Xuân Thủy, Cầu Giấy) quyết định xách 2 bát cơm rượu và ít trái cây tới cơ quan ăn cùng đồng nghiệp.

Theo chị Quỳnh, chị và đồng nghiệp ăn đầu giờ sáng, ngồi làm đến chiều về thì chắc chắn cồn đã tan hết. Thấy nhiều người dùng mạng xã hội băn khoăn về điều này, chị Quỳnh đã chia sẻ cách làm của mình lên mạng xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, một chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay, việc người dân ăn cơm rượu có thể bị lên nồng độ cồn hay không phải kiểm tra mới rõ được. 

Giải đáp những băn khoăn về nguy cơ xuất hiện nồng độ cồn trong hơi thở khi ăn cơm rượu nếp, TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: Cơm rượu nếp, nếp cẩm lên men có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số hoạt động hàng ngày khác như: sử dụng nước trái cây lên men; món ăn có sử dụng rượu khi chế biến như: cá hấp bia, thịt sốt rượu vang…; hay thậm chí sử dụng nước súc miệng có chứa cồn.

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng khi sử dụng một lượng vừa phải các sản phẩm này.

Theo TS Minh, vì hàm lượng ethanol trong các thực phẩm kể trên là rất nhỏ, nên chỉ mất khoảng 20 - 30 phút là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

Đối với nước súc miệng có chứa cồn, theo TS Minh chỉ cần đơn giản là sử dụng nước lọc súc miệng lại sẽ không còn cồn trong hơi thở.