Tết Đoan Ngọ: Ăn cơm rượu nếp có gây nồng độ cồn?

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong dịp Tết Đoan Ngọ, tùy theo phong tục của mỗi vùng và từng gia đình, ngoài hoa, trái cây chua sẽ có thêm một số sản vật truyền thống như cơm rượu nếp, bánh gio.

Từ xa xưa, 5/5 Âm lịch đã đi vào truyền thống của người Việt, mang ý nghĩa cầu mong một mùa màng bội thu, không bị sâu bọ phá hoại và là dịp cả nhà đoàn viên, sum họp.

Vào ngày này, con cháu người Việt sẽ sắm sửa một mâm cúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên. 

Tùy theo phong tục của mỗi vùng và từng gia đình, ngoài hoa, trái cây chua sẽ có thêm một số sản vật truyền thống như cơm rượu nếp, bánh gio.

Tết Đoan Ngọ: Ăn cơm rượu nếp có gây nồng độ cồn? - 1

Cơm rượu nếp là món ăn truyền thống Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Getty).

Cơm rượu nếp không chỉ là món ăn truyền thống hấp dẫn mà còn mang lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc. Vì lẽ đó mà ở miền Bắc, món nếp cẩm, đặc biệt là cơm rượu nếp cẩm không thể thiếu trong ngày này. 

Theo dân gian, cơm rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. 

Tuy nhiên, nhiều người cũng  băn khoăn về nguy cơ xuất hiện nồng độ cồn trong hơi thở khi ăn món truyền thống này.

Theo TS Bùi Lê Minh - Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: cơm rượu nếp, nếp cẩm lên men có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số hoạt động hàng ngày khác như: sử dụng nước trái cây lên men; món ăn có sử dụng rượu khi chế biến như: cá hấp bia, thịt sốt rượu vang…; hay thậm chí sử dụng nước súc miệng có chứa cồn.

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng khi sử dụng một lượng vừa phải các sản phẩm này.

Theo TS Minh, vì hàm lượng ethanol trong các thực phẩm kể trên là rất nhỏ, nên chỉ mất khoảng 20-30 phút là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

Đối với nước súc miệng có chứa cồn, theo TS Minh chỉ cần đơn giản là sử dụng nước lọc súc miệng lại sẽ không còn cồn trong hơi thở.

Chuyên gia này phân tích sâu hơn, khi ethanol (cồn) được hấp thu vào cơ thể, chỉ có khoảng 5-10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90-95% lượng ethanol còn lại được chuyển đến gan để xử lý.

Cụ thể tại gan, ethanol được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH. Các enzyme ADH biến đổi ethanol tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan.

Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2.

Vì hàm lượng ethanol trong các thực phẩm kể trên là rất nhỏ, nên chỉ mất khoảng 20 - 30 phút là cơ thể có thể chuyển hóa hết.

"Các tài xế sau khi sử dụng các thực phẩm có chứa lượng cồn nhỏ như kể trên, nên súc miệng kỹ và chờ khoảng 30 phút trước khi lái xe, để đảm bảo chắc chắn trong hơi thở không có cồn", TS Minh cho hay.