Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết

Diệp Phan

(Dân trí) - Làng nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có tuổi đời gần 100 năm, được xem là làng nghề lâu đời nhất TPHCM đang tất bật vào vụ Tết, cung cấp nhang cho thành phố và các tỉnh lân cận.

Trời vừa hửng nắng, hai bên đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TPHCM) rực rỡ màu vàng, đỏ và mùi thơm của nhang mới. Tiếng máy se nhang tự động kêu nghe rộn rã liên tục từ sáng đến tối.

Vào mùa Tết, nhân công lao động ở đây làm việc gấp đôi ngày thường mới cung ứng đủ lượng nhang cho các đầu mối ở trung tâm TPHCM và các tỉnh lân cận.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết - 1

Cơ sở sản xuất của ông Long đầu tư đầy đủ máy móc như máy trộn bột, máy se nhang, máy sấy... (Ảnh: Diệp Phan).

Trong khuôn viên sân nhà, ông Long, 52 tuổi và một người thợ khác đang trộn bột đổ vào máy se nhang. Người thợ ngồi cạnh máy, chờ những cây nhang thành phẩm phóng ra dụng cụ hứng.

Sau đó, họ nhanh tay loại bỏ phần bột còn thừa ra rồi gom nhang lại đem đi phơi hoặc sấy. Gọi là máy tự động, nhưng người làm phải túc trực bên cạnh để xử lý lúc bột nhang bị nghẽn, đảm bảo cho máy chạy liên tục.

Làng nhang Lê Minh Xuân có tuổi đời gần 100 năm. Nơi đây được xem là làng nghề lâu đời nhất thành phố và là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ.

Hiện làng nhang Lê Minh Xuân có 3 tổ hợp tác se nhang (ấp 2 và ấp 3) do người dân làm chủ, với 124 thành viên tham gia. Năm 2014, mô hình này của xã Lê Minh Xuân được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là  Làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân.

Gia đình ông Long làm nhang từ hơn 20 năm trước. Thời đó, 100% các công đoạn người thợ làm thủ công. Tay se từng cây nên năng suất không cao, thành phẩm lại không đều, đẹp như bây giờ.

Ngày trước, mỗi ngày một người thợ chăm chỉ có thể làm được khoảng 10 thiên nhang (1 thiên bằng 1.000 cây).

Không những thế, người dân còn phải thấp thỏm lo sợ những cơn mưa bất chợt ập xuống khi đang phơi nhang. Những lúc như thế, tất cả mọi người trong nhà từ lớn đến bé đều bỏ hết công việc tập trung gom nhang vì sợ ướt.

"Nếu chẳng may bị ướt, bột nhang bị nứt, vỡ có khi phải tuốt bột ra để se lại từ đầu rất vất vả", người đàn ông nói.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết - 2

Những giàn phơi nhang ngoài trời dọc hai bên đường Mai Bá Hương rực rỡ sắc hương dịp Tết về (Ảnh: Diệp Phan).

Gần chục năm nay, gia đình ông Long sắm máy se nhang tự động. Khi có máy móc hỗ trợ, năng suất tăng đến 4 -5 lần. Mỗi người có thể làm được 50 thiên nhang mỗi ngày. Trong khi người thợ làm việc, những chiếc máy sấy công suất lớn cũng chạy hết công suất để hong khô nhang mới.

Quy trình làm có sự thay đổi, song chất lượng sản phẩm từ bao đời nay vẫn thế.

Để có một cây nhang chất lượng, người làm nghề sử dụng bột được làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó, lồng mức hoặc mạt cưa gỗ trộn thêm keo để kết dính. Tùy vào nhu cầu khách hàng mà có thể trộn thêm hương trầm, hương quế… giá cả vì thế cũng có sự khác biệt.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết - 3

Người dân tận dụng mặt đường, kê một cây tre dài để phơi thêm nhang giữa trưa nắng (Ảnh: Diệp Phan).

Cách cơ sở của ông Long chừng vài chục mét là xưởng làm nhang của bà Mỹ Lệ, 55 tuổi.

Gia đình bà Lệ không có điều kiện sắm máy sấy nên việc làm khô nhang chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Vì thế, một tháng trước Tết, vợ chồng bà phải thức dậy từ 3h để se nhang để kịp phơi khi nắng vừa lên. Nếu gặp ngày nắng to, nhang phơi chừng nửa ngày thì đạt chất lượng.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết - 4

Chân nhang được nhuộm màu rồi đem phơi nắng (Ảnh: Diệp Phan).

Cứ khoảng 2 tiếng, những người thợ như bà Lệ phải chạy ra đường để đảo nhang. Mỗi ngày, vợ chồng bà làm được khoảng 100 thiên nhang rồi đem giao cho một cơ sở lớn gần nhà, thu nhập khoảng 400.000 đồng. Bà cho biết, tùy vào bột nhang và kích thước dài, ngắn mỗi thiên nhang có giá 24.000 - 32.000 đồng.

"Năm ngoái, vì dịch Covid-19 làm gián đoạn quá trình sản xuất nên vụ Tết chúng tôi làm nhiều và bán được giá nhất. Năm nay, giá lại hạ xuống do cuộc sống đã trở lại bình thường, gia đình tôi làm ít hơn vụ Tết năm ngoái", bà Lệ chia sẻ.

Làng nhang trăm tuổi ở TPHCM hối hả vào vụ Tết - 5

Hầu hết những nhà xưởng ở làng nghề này lụp xụp nhưng lại là nơi cung cấp nhang lớn cho TPHCM và các tỉnh (Ảnh: Diệp Phan).

Sau khi có nhang thành phẩm, người thợ bó thành từng thiên rồi cung cấp cho các khách sỉ ở khắp TPHCM và các tỉnh lân cận. Nhang sau đó được đóng gói bao bì, tẩm thêm nhiều mùi hương khác nhau trước khi đưa ra bán lẻ. Thông thường, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các hộ dân làng nghề bắt đầu nghỉ Tết.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật, áp dụng máy móc vào sản xuất nên sản lượng nhang ở làng nghề ngày càng lớn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Những người làm nghề lâu năm như ông Long, bà Lệ cho biết, những năm gần đây xuất hiện nhiều người trẻ quay lại với nghề này. Bởi, đã từng có giai đoạn họ tìm đến các công ty, xí nghiệp làm công nhân, nghề nhang chỉ dành cho những người lớn tuổi. 

"Khi nhiều cơ sở mở ra trong khi nhu cầu thị trường bao năm vẫn thế dễ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, giá thành sản phẩm không cao. Nhưng cũng mừng vì không lo nghề truyền thống của quê hương bị mai một", ông Long trăn trở.