Ký ức ám ảnh của giám đốc bỏ việc đi vớt người tử nạn trên sông ở Thái Bình
(Dân trí) - Hai năm cứu hộ cứu nạn đường thủy, anh Văn không nhớ nổi đã trục vớt bao nhiêu người, chỉ biết rằng, anh đã có cả trăm lần mò mẫm khắp các con sông từ Thái Bình đến Nam Định,... để tìm người tử nạn.
Rạng sớm ngày 18/4, nhận được cuộc gọi từ số lạ, anh Văn vội mở máy nghe. Ở đầu dây bên kia, người phụ nữ lạc cả giọng, khóc không thành tiếng.
Qua cuộc điện thoại ngắn, người này cho biết, gia đình muốn nhờ đội cứu hộ hỗ trợ tìm kiếm người con trai xấu số vừa nhảy cầu tự vẫn ở khu vực cầu Lạc Quần (nối xã Trực Chính, huyện Trực Ninh với xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
Nạn nhân mới ở tuổi 25, vì chuyện tình cảm nên khi đi đến giữa cầu Lạc Quần đã bất ngờ bỏ lại điện thoại và xe máy, ôm theo chiếc ba lô nhảy cầu tự tử.
Sau câu nói chắc nịch "gia đình yên tâm, chúng tôi sẽ đến ngay", anh Văn gọi thêm đồng đội, lập tức lên đường. Lời nhắn muốn đưa con khỏi nơi dòng sông lạnh lẽo để trở về nhà của gia đình nạn nhân vẫn văng vẳng bên tai anh.
Tới khu vực sông Ninh Cơ, tại vị trí nạn nhân gặp nạn, đúng đoạn nước chảy xiết, anh Văn nhận định việc tìm kiếm không hề đơn giản, có thể rủi ro. Sau khi nghiên cứu thực địa, anh phán đoán khả năng xác đã trôi xuống khu vực hạ lưu. Lúc này, anh cùng các thành viên trong đội di chuyển bằng ca-nô về phía dưới, đón đầu ở lưu vực sông huyện Trực Ninh.
Mất 2 ngày mò mẫm, lênh đênh trên sông, anh Văn cùng đồng đội đã tìm thấy thi thể người tử nạn tại địa phận xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, cách khu vực cầu Lạc Quần 800m.
Khi trục vớt xác, anh Văn không khỏi đau lòng khi thấy chàng trai xấu số tay vẫn ôm chặt chiếc ba lô, bên trong chứa đầy những kỷ vật với người yêu.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm vụ tìm kiếm và trục vớt xác mà anh Văn tham gia từ khi theo đuổi công việc cứu hộ cứu nạn đường thủy miễn phí suốt 2 năm qua.
Giám đốc "bỏ việc" đi cứu trợ, vớt xác trên sông
Từ một giám đốc công ty vận tải, chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa và lắp dựng các nhà máy với thu nhập vài chục triệu đồng/tháng, anh Nhâm Quang Văn (39 tuổi, ở Thái Bình) trở thành "lính" cứu hộ cứu nạn không lương, lên đường bất kể ngày đêm.
Kể về cơ duyên gắn bó với công việc không giống ai của mình, anh Văn kể, tháng 10/2020, khi miền Trung xuất hiện đợt mưa lũ lịch sử, anh kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp trong đội cứu hộ toàn quốc vận chuyển hơn 100 ca-nô với khoảng 60 chuyến xe 0 đồng từ Quảng Ninh vào các tỉnh phía trong để cứu trợ bà con.
Trọn vẹn 28 ngày "thâu đêm suốt sáng" ở vùng lũ, nhận hàng nghìn cuộc gọi cầu cứu từ người dân, anh Văn càng thấu hiểu nỗi khổ của những nạn nhân mắc kẹt trong biển nước. Trở về từ chuyến đi đó, người đàn ông U40 thấy "cần phải làm gì đó" nên lập một đội cứu hộ cứu nạn, trước mắt là hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình, sau mở rộng dần ra khắp cả nước.
Anh Văn vốn là con một, lại chưa có nhiều kinh nghiệm về sông nước nên bố mẹ và vợ rất lo lắng khi anh tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, nhận thấy ý nghĩa từ công việc giúp đỡ bà con, gia đình lại âm thầm ủng hộ, chưa một lần than vãn dù con trai đi tham gia tìm kiếm có khi 3-4 ngày mới về.
Khi tham gia cứu hộ cứu nạn, người đàn ông Thái Bình phải tạm gác một phần công việc chính, chấp nhận từ bỏ các thói quen, sở thích cá nhân. Anh cũng tự trích tiền túi để duy trì hoạt động cứu trợ. "Một số nhà hảo tâm cũng chuyển khoản cho tôi, hỗ trợ chút kinh phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhất là khi ca-nô bị hỏng. Tôi chưa từng kêu gọi, vì muốn tự làm bằng khả năng và sức lực của mình", anh chia sẻ thêm.
Với anh Văn, công việc này có nhiều khó khăn và đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm. Khó khăn nhất là phương tiện ca-nô chưa đáp ứng đủ yêu cầu cứu nạn, khi gặp sóng to, nước sông chảy xiết hay lúc tàu to đi ngược chiều, tạt sóng khiến ai nấy đều "nín thở, thót tim".
Có những vụ tìm kiếm suốt vài ngày đêm không nghỉ, anh Văn cùng các thành viên trong đội chỉ kịp ăn vội, nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tiếp tục làm, sức khỏe vì thế cũng ảnh hưởng. Anh bảo, mùa hè đỡ khổ nhưng mùa đông, mưa rét, việc tìm cứu hộ cứu nạn cũng khó khăn và vất vả hơn.
"Ca-nô chưa có mái che nên trời mưa, ai nấy trong đội tìm kiếm đều ướt hết. Rồi khi đi đêm, sương gió ám vào người. Chưa kể địa hình mỗi nơi một khác, tôi không phải người bản địa nên khó nắm được thông tin. Còn ca-nô cũng gặp sự cố như đâm vào đá ngầm vì phải đi mon men sát bờ, tìm kiếm thi thể,... Mỗi lần va chạm như vậy đều gây thiệt hại cho phương tiện", anh cho hay.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất anh Văn phải đối mặt không chỉ nằm ở phương tiện, vật chất mà còn xuất phát từ suy nghĩ, tinh thần. Dẫu có những khi lòng nặng trĩu vì một số lý do khách quan nhưng anh Văn tự nhủ phải cố gắng, làm tròn trách nhiệm với công việc mà mình lựa chọn, đam mê.
"Có nhiều người không hiểu hoặc coi việc cứu hộ cứu nạn này là nhiệm vụ tôi phải làm khiến bản thân cũng có chút chạnh lòng, buồn bã. Nhưng tôi nghĩ, làm việc thiện xuất phát từ tâm, miễn sao mình thấy thoải mái và có thể giúp đỡ cho mọi người xung quanh là được", vị giám đốc trẻ trải lòng.
Hai năm trục vớt trăm thi thể và những ám ảnh kinh hoàng
Hai năm làm công tác cứu hộ cứu nạn đường thủy, anh Văn không nhớ nổi mình đã "giải cứu", trục vớt bao nhiêu thi thể xấu số. Chỉ biết rằng, anh đã có cả trăm lần chèo xuồng, đi ca-nô mò mẫm ven các con sông từ Thái Bình đến Nam Định, Thanh Hóa,... để tìm người gặp nạn.
Theo anh Văn, ngoài cái "duyên", việc vớt xác người chết còn đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà bá mang đi. Khu vực sông nước mênh mông, rộng lớn, khi gặp dòng nước chảy, xác trôi theo. Việc đầu tiên đội cứu hộ cần làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm rồi dự đoán con nước lên, xuống hay chảy về đâu để khoanh vùng tìm kiếm.
Anh Văn thường khuyên gia đình nạn nhân không nên thuê thợ lặn vì lặn khó thấy, mà chi phí lại cao. Một tiếng thuê thợ lặn, nếu không thấy thì tốn khoảng 12 triệu đồng, còn nếu tìm được thì hết tầm 50 triệu. Chưa kể nước đục, lặn xuống cũng khó nhìn thấy gì. Còn câu rà chỉ chiếm tỉ lệ 20% là thấy, bởi công đoạn này dễ bị vướng víu các thứ dưới đáy sông. Cuối cùng là tìm nổi, tuy tốn kém thời gian và công sức nhưng khả thi hơn. Có trường hợp, đội cứu hộ phải tìm đi tìm lại mới thấy vì xác bị khuất, mắc vào trong bụi rậm.
"1,2 ngày đầu, xác chưa nổi, việc tìm kiếm khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực làm vì hiểu tâm lý gia đình nạn nhân lúc đó. Họ đau khổ, gào khóc, chỉ cần tìm được thi thể người nhà dù bằng cách nào", anh trải lòng.
Để tìm kiếm thi thể, anh Văn cùng đội cứu hộ phải dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, tùy theo thời tiết, địa hình. Có vụ phải ròng rã nhiều ngày thậm chí vài tuần mới tìm được. Những thi thể ngâm nước nhiều ngày thường rất nặng, bốc mùi nồng nặc, phải 4-5 người mới kéo được lên. Khó nhất là trường hợp đã phân hủy từ lâu, chỉ cần chạm vào là thi thể tan luôn trong nước.
"Người chết trên bờ nhìn đã sợ nhưng người chết dưới nước còn kinh khủng hơn, nhất là phụ nữ mang thai thì cảnh tượng càng thương tâm. Thi thể trương phình, chuyển màu trắng bệch, khi vớt lên, da mặt xám xịt lại vì gặp ánh sáng, còn chân tay co quắp, mắt mở trừng.
Trường hợp chết lâu ngày, xác đã phân hủy hay bị cá rỉa thịt khắp xung quanh thì thi thể gần như biến dạng. Nếu ai yếu bóng vía thì có thể sợ hãi đến ngất lịm, thậm chí ám ảnh suốt thời gian dài, đụng đũa ăn cơm là nôn ói", người đàn ông U40 nhớ lại.
Khoảng 8 giờ tối, nhận được cuộc gọi báo tin về một vụ đuối nước ở gần trung tâm thành phố, anh Văn lập tức lên đường. Từ nhà đến hiện trường chỉ 10km nhưng anh thấy quãng đường như dài gấp bội, bởi người bị nạn là một nam sinh chưa tròn tuổi 20.
"Đó là vụ tai nạn sông nước tôi nhớ nhất bởi hoàn cảnh của cháu rất đáng thương. Khi ấy, cháu đi chơi cùng các bạn ở khu vực chân cầu Bo thì trượt chân ngã xuống sông Trà Lý rồi bị nước cuốn trôi. Gia đình cháu hoàn cảnh khó khăn, đã thuê thợ lặn tìm kiếm nhưng không thấy nên họ liên lạc tới tôi nhờ giúp đỡ", anh Văn nhớ lại.
Thời điểm nam sinh gặp nạn, mẹ em là F1 đang cách ly tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, còn bố đã mất cách đó 6 năm. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mẹ làm công ty, chật vật nuôi hai con đang tuổi trưởng thành bằng đồng lương ít ỏi.
Nhận thi thể cháu trai từ đội cứu hộ, người nhà nạn nhân khóc ngất lên, đôi tay run run, nắm chặt người xung quanh, miệng không ngớt lời cảm ơn. Anh Văn cùng đội nán lại thắp nén nhang, mong linh hồn cháu sớm siêu thoát. Đây cũng là trường hợp duy nhất anh kêu gọi ủng hộ với số tiền hơn 130 triệu đồng để hỗ trợ gia đình nạn nhân, giúp họ sớm vượt qua nỗi đau.
Chuyến đi ấy, dù vất vả, lòng nặng trĩu nhưng anh cảm nhận được tình cảm, sự quý trọng công sức của toàn đội từ người nhà nam sinh. Đến nay, họ vẫn giữ liên lạc với anh, bày tỏ sự biết ơn và vun đắp lên mối quan hệ gắn kết sau nỗi buồn chia ly người thân.
Anh bảo, có những vụ tìm kiếm quá khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do địa hình nguy hiểm. Như mới đây nhất, đúng 0h30p ngày 27/4/2022, khi chuẩn bị chợp mắt sau một ngày vất vả, ông bố ba con bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số lạ, không lưu tên. Người phụ nữ trẻ, giọng nói toát lên sự thất thần, mệt mỏi, thều thào nhờ anh tới hỗ trợ tìm kiếm người cháu xấu số của mình.
Người này cho biết, khoảng 16h30 ngày 27/4, tại địa điểm khúc sông hồng thuộc khu Liên Hà (xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), cháu Đ. khi đi tắm cùng các bạn đã bị trượt chân, ngã xuống nước và hiện chưa thấy tung tích.
Nhận được thông tin như vậy, đội cứu trợ của anh Văn lập tức lên đường. Tới hiện trường, sau khi xác định vị trí nam sinh gặp nạn, đội cứu hộ dự đoán hướng nước chảy rồi khoanh vùng tìm kiếm.
"Vụ tìm kiếm này rất khó khăn, hiểm trở vì lòng sông có nhiều bãi cát bồi mà mắt thường không nhìn thấy được. Trong quá trình di chuyển, ca-nô liên tục va phải cát ngầm gây hư hại,... Chúng tôi đã mở rộng khu vực tìm kiếm ra xa khoảng 60km nhưng suốt gần 28 tiếng vẫn chưa thấy thi thể nạn nhân. Tôi nghĩ, có thể cháu đã bị cát vùi vào chỗ gần tàu hút cát nên chưa thể nổi lên", anh Văn nói mà lòng nặng trĩu.
Giữa mênh mông sông nước, khó tìm được bến cho ca-nô cập bờ, anh Văn "thèm" suất cơm nóng vì 10 tiếng đồng hồ chưa có gì làm ấm bụng. Anh bảo, đội cứu hộ tạm quên đi cơn đói "réo ùng ục" trong bụng để dồn sức lực tìm kiếm thi thể nạn nhân, an ủi gia đình họ phần nào về mặt tinh thần với hi vọng cuối cùng là đưa được con trở về nhà.
Nói về công việc được xem là "cướp cơm" Hà bá với những chuyện tâm linh rằng phải đền mạng,..., người đàn ông U40 có chút trầm lặng. Dù thấy ám ảnh nhưng anh bảo không sợ, tự động viên mình cố gắng làm để "tích đức, tạo phúc" cho con cái và bản thân.
Sau những chuyến cứu hộ cứu nạn dài ngày như vậy, không ít lần, vị giám đốc bị sụt cân, ốm "bẹp giường" vì mệt mỏi, mất sức. Động lực lớn nhất để anh tiếp tục công việc chẳng giống ai này chính là sự thông cảm, thấu hiểu từ vợ và ba người con.
Từ khi tham gia cứu hộ cứu nạn, việc nhà, chuyện học hành của các con gần như do vợ anh một tay quán xuyến, lo toan. May mắn, nhờ sự thấu hiểu, cảm thông cho nhau mà hai vợ chồng hiếm khi xảy ra cãi vã.
Trở về nhà sau những chuyến đi xa, anh Văn lại vào bếp, nấu món ngon chiêu đãi các con hoặc phụ giúp vợ một số việc vặt khác. Anh cũng cho các con tham gia học bơi, rèn luyện các kỹ năng sống. Hiện con gái thứ hai của anh mới 7 tuổi nhưng đã lặn và bơi thuần thục, tự tin.