"Kỳ nhân của đất Hà thành" lưu giữ ký ức Thủ đô qua từng nét chữ

Hoài Trang

(Dân trí) - Sống gần trọn một thế kỷ giữa lòng Thủ đô, ông Nguyễn Bá Đạm (sinh năm 1922) được coi là hiện thân của một "tâm hồn Hà Nội".

Qua từng trang giấy, nét chữ ông thầm lặng cống hiến cho văn hóa và con người Tràng An.

Ngày giải phóng Thủ đô trong ký ức người Tràng An

Tọa lạc trong con ngõ nhỏ trên phố Giáp Nhất (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngôi nhà khang trang của ông Đạm rợp bóng những hàng cây xanh, khiến không gian nơi đây trở nên thanh bình, tách biệt với phố thị. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, "chất" Tràng An ngấm sâu vào từng nếp nghĩ, bởi vậy ông Đạm luôn cất giữ cho mình lối sống giản dị, thanh lịch.

Trước đây, ông Đạm là nhà giáo dạy Sử của trường Phan Đình Phùng. Từ khi về hưu ông tập trung vào viết sách, viết báo để lưu giữ kỷ niệm của một Hà Nội ở thế kỷ 20.

Ông Nguyễn Bá Đạm (99 tuổi), người thầm lặng cống hiến cho nền văn hóa Thủ đô.

Mỗi khi nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc, ông Đạm luôn khắc sâu những ký ức thiêng liêng, tươi đẹp về ngày giải phóng Thủ đô. 

Ông nói, cách đây 67 năm, khi thấy đoàn quân đang tiến vào Hoàng thành Thăng Long với lá cờ đỏ sao vàng, ông hòa vào dòng người hân hoan, reo vang, vẫy chào Bộ đội Cụ Hồ.

Trước ngày Hà Nội được giải phóng, nhà nào cũng đóng cửa im lìm vì quân đội ta chưa về, tuy nhiên quân địch đang rút quân dần khỏi Thành phố, dân ta bắt đầu âm thầm chuẩn bị mừng chiến thắng bằng việc may cờ, cắt chữ, làm hoa...

Chiều ngày 10/10/1954 lễ chào cờ lịch sử diễn ra tại sân Đoan Môn (Hoàng thành Thăng Long). Mọi người trang nghiêm nhìn lá quốc kỳ tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô ngày giải phóng. Người dân ai cũng rưng rưng xúc động và không giấu nổi giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc.

"Dù thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ giây phút thiêng liêng, khi đoàn quân xuất hiện, nhà nhà mở cửa rồi chạy ào ra đường đón bộ đội. Đi đến đâu, người dân vui mừng hò vang đến đó. Đến giờ nghĩ lại cảm xúc trong tôi vẫn còn bồi hồi, hạnh phúc và rất xúc động", ông Đạm chia sẻ.

Người lưu giữ ký ức Thủ đô bằng nét chữ

Để ký ức Hà Nội không bị mai một, hàng ngày ông Đạm vẫn miệt mài viết sách, viết báo. Ông Đạm hồi tưởng lại khoảng thời gian bắt đầu bén duyên với nghề viết, ông nói: "Tôi "phải lòng" những con chữ, giờ không viết thì buồn tay, buồn chân lắm".

Ông Đạm bộc bạch, ngày đầu bắt đầu sự nghiệp viết lách, ông gặp rất nhiều khó khăn, những tác phẩm ông viết rất rườm rà, nhiều tác phẩm phải sửa đi sử lại nhưng ông không từ bỏ.

Dù ở tuổi cao niên, ông Đạm vẫn rất minh mẫn lưu giữ ký ức Hà Nội vào từng nét chữ.

Ngày còn khỏe, đều đặn hàng tháng ông Đạm viết gần 10 bài báo, nhưng kể từ khi sức khỏe thuyên giảm ông chỉ viết 2-3 bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật. Với ngôn từ giản dị, phong cách viết của ông Đạm thường xoay quanh những câu chuyện, sự việc mà ông đã từng trải qua trong cuộc sống.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm có, bằng cách riêng của mình, ông Đạm vẫn luôn âm thầm cống hiến, phát huy những giá trị văn hóa, những lối sống tốt đẹp của Thủ đô qua từng nét viết.

Lần dở những trang giấy đã ngã màu mực, ông Đạm cho chúng tôi xem cuốn sổ mà ông tâm huyết ghi lại từng bài báo viết về Hà Nội, hay thú chơi đồ cổ của ông. Trong cuốn sách "Thuở ấy Hà Nội", "Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19-20", được ông tái hiện bằng lối kể dung dị nhưng hồn hậu.

Dù đã bước sang tuổi bách niên nhưng ông Đạm vẫn miệt mài viết sách, viết báo.

Có những việc nhỏ nhặt nhưng thú vị như cách quảng cáo một tối hát tuồng, lối bán dầu tây, bán nước mắm rong...hay những sự kiện làm xôn xao thành phố như phiên xử án cụ Phan Bội Châu, vua Thành Thái ra dự khánh thành cầu Đu-me, người Tàu chạy loạn quân Nhật, lánh sang trú ở Hà Nội.

Hay những sự kiện mà ông Đạm tận mắt chứng kiến như đám cưới và đám ma Vũ Trọng Phụng, kỷ niệm gắn bó với nhà văn Nguyễn Tuân và danh họa Bùi Xuân Phái.

Dù khoảng thời gian đã xa, nhưng hình ảnh về một Hà Nội xưa vẫn luôn hiện hữu trước mắt và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác báo. Ông Đạm chia sẻ: "Trời cho sức khỏe để sống bên cạnh con cháu được ngày nào quý ngày đó. Ở tuổi này, thay vì tận hưởng tuổi già tôi tranh thủ nghiên cứu viết sách, viết báo.

Vừa để duy trì đầu óc luôn minh mẫn, vừa cảm thấy cuộc sống không bị tẻ nhạt. Hơn nữa, sau này con cháu nhìn lại cũng tự hào về một người ông, người bố đã từng cống hiến chọn đời cho vùng đất mình sinh ra".

"Kỳ nhân tiền cổ Hà thành"

Ngoài dạy học, nghiên cứu, viết sách, viết báo, ông Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhất là tiền cổ. Trong giới sưu tầm đồ cổ, ông Đạm được mọi người tôn vinh là "kỳ nhân tiền cổ Hà thành". Trong số bộ tiền cổ ông Đạm sở hữu thì bộ tiền nhà Đinh là lâu đời nhất.

Ông kể, năm 8 tuổi ông có cơ hội đến Bảo tàng Lịch sử tham quan. Tại đây, những đồng tiền cổ trưng bày trong tủ kính khiến ông mê mẩn và bắt đầu tìm hiểu về tiền cổ.

Hiện tại, sức khỏe ông Đạm có phần thuyên giảm nhưng ông vẫn đam mê với công việc viết lách và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

Để làm phong phú bộ tiền cổ, ông Đạm từng viết thư gửi đến tòa báo nước ngoài, đăng thông tin và được giao lưu với nhiều người chơi tiền cổ. Sau một thời gian, bộ sưu tập của ông đã đầy ắp những đồng tiền xu, tiền giấy trong nước và thế giới.

"Không phải ai cũng "chơi" được tiền cổ đâu cô ạ. Nhưng khi đã chơi thì mê lắm, không những được mở rộng kiến thức, mà trên mỗi tờ tiền là một ý nghĩa lịch sử, hay tên doanh nhân nổi tiếng của từng thời kỳ.

Đặc biệt, khi chơi tiền cổ phải biết cảm nhận, so sánh và nhìn nhận một cách tinh tế về giá trị của nó thì mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của từng đồng tiền", ông Đạm bồi hồi nói.

Đến nay, ông Đạm đang sở hữu 400 đồng tiền cổ với nhiều mệnh giá, kích cỡ và thời kỳ khác nhau. Trước đây, khi mới bắt đầu sưu tầm tiền cổ, ông chỉ có vài đồng tiền trinh thời Gia Long - Minh Mạng, sau đó ông gom nhặt, trao đổi với nhiều người trong giới tiền cổ nên bộ sưu tập của ông ngày một nhiều hơn.

Vì đam mê tiền cổ ông Đạm từng bán những đồ quý giá trong gia đình để đổi được tờ tiền còn thiếu trong bộ sưu tập. Ông Đạm nói, tiền cổ không phải lúc nào cũng sở hữu được nên có cơ hội là phải năm bắt ngay.

Hiện tại ông Đạm đang sở hữu hai cuốn album tiền cổ trong nước và thế giới với đủ mệnh giá khác nhau.

Dù ở tuổi cao niên nhưng ông Đạm vẫn rất minh mẫn. Mở từng trang tiền sưu tầm được ông xếp ngay ngắn và ép plastic trong cuốn album. Ông Đạm cho hay: "Sưu tầm tiền gian truân lắm không dễ có được đâu, mỗi ngày góp nhặt một ít, thiếu đồng nào thì cố gắng tìm tòi cho bằng được. Vì vậy, suốt thời gian qua tôi xem cuốn album như "đứa con" của mình vậy".

Với những cống hiến thầm lặng cả đời cho văn hóa của Thủ đô. Cuối năm 2018, ông Nguyễn Bá Đạm được tặng "Giải thưởng lớn" giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần thứ 11 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Minh chứng cho sự cống hiến thầm lặng của một kỳ nhân đất Hà thành.