Chủ nhà trọ ở TPHCM lao đao khi nhiều người thuê bỏ về quê không trả tiền
(Dân trí) - "Khách nợ tiền tôi có thể hiểu, khách trốn về quê tôi cũng có thể hiểu. Họ phải bỏ về thôi, chứ ở đây đói, sống không nổi" - chủ trọ ở quận 7 kể trong xót xa nói.
Chủ trọ hỗ trợ hết mình, người thuê vẫn không có khả năng
"Nợ 3-4 tháng nay mà có thu được đồng nào đâu" - chị Thanh nói trong tiếng thở dài ngao ngán.
Chị Phạm Thị Thu Thanh (39 tuổi) là chủ một nhà trọ ở ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM. Khu nhà trọ của chị được xây dựng trên đất gia đình, nhưng chi phí xây dựng vay ngân hàng, đang trả theo định kỳ.
Dịch bùng phát, thành phố giãn cách khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Chị Thanh và ngay cả khách thuê trọ chẳng phải trường hợp ngoại lệ.
Hiểu được khó khăn ấy, chị Thanh hỗ trợ người thuê trọ từ 30-50% tiền phòng trong những tháng giãn cách. Không chỉ vậy, bà chủ trọ kể còn cố gắng liên hệ với địa phương để lập danh sách lãnh tiền, nhận quà cho anh chị em trong khu có lương thực, chi phí sinh sống trong mùa dịch.
Dù vậy, những khách trọ đang thất nghiệp vẫn không còn khả năng đóng tiền phòng cho chị.
"Có khách đã về quê từ trước khi dịch bùng phát. Phòng họ vẫn đóng cửa mấy tháng nay, đồ đạc còn y nguyên, tiền phòng dĩ nhiên cũng mấy tháng rồi chưa đóng. Tôi vẫn hy vọng và mong ngày họ vô trở lại", chị Thanh chia sẻ.
Những tưởng nhà trọ là của gia đình xây dựng, không phải đối mặt với áp lực tiền nong quá nhiều, nhưng số nợ phải trả ngân hàng mỗi tháng vẫn đủ khiến chị Thanh cùng gia đình phải loay hoay, rối rắm. May mắn trong nhà vẫn có người giữ được công việc, có thu nhập nên gia đình chị Thanh mới trụ được đến thời điểm này.
Ngoài hình thức cho thuê nhà trọ từ chính nhà của mình như chị Thu Thanh, trên địa bàn TPHCM có nhiều người kinh doanh nhà trọ theo hình thức thuê nhà rồi cho thuê lại. Trong lúc này, họ chịu nhiều áp lực và khó khăn hơn rất nhiều.
Chạnh lòng khi mở cửa phòng... khách đã bỏ về quê
Chị Nguyễn Phương Thúy (32 tuổi), chủ một khu nhà trọ tại đường Tân Mỹ, phường Tân Thuận Tây, quận 7 đang phải chật vật với nhiều khó khăn khi khách thuê cứ lần lượt trả phòng. Không chỉ vậy, nhiều khách trọ khó khăn nợ tiền phòng nhiều tháng, thậm chí có người đang nợ tiền nhà nhiều tháng đột ngột bỏ về quê khiến chị Thúy ngày một khó khăn hơn.
"Có mấy phòng đã nợ tiền trọ nhiều tháng, tôi liên lạc mãi không được. Đến nơi thấy cửa không khóa, mở cửa bước vào thì họ đã dọn đồ đi từ lúc nào rồi!", chị Thúy buồn bã kể lại.
Khu nhà trọ của chị Phương Thúy có tổng cộng 40 phòng nhưng hiện tại chỉ có 15 phòng còn khách thuê. Đây là nhà mà chị Thúy thuê lại từ người khác để sửa chữa và kinh doanh nhà trọ. Vậy nên trong những tháng qua, khách trọ nợ tiền hoặc bỏ đi khiến chị Thúy phải đi vay để trả cho chủ nhà. Trung bình mỗi tháng chị thiệt hại khoảng 100 triệu, ròng rã như vậy đã 5 tháng trời.
Biết được nỗi khổ của những người ở trọ, chị Thúy đã giảm 50% tiền phòng cho khách của mình. Bên cạnh đó, bà chủ kể còn thường mua gạo, mua rau về phát cho từng phòng. Vậy nên khi khách trọ về quê không lời từ biệt, tuy hiểu được khó khăn của họ nhưng chị vẫn chạnh lòng.
Theo chia sẻ, khách trọ ở đây đa phần là công nhân, nhưng cũng có sinh viên, chạy xe công nghệ, sửa xe, bảo vệ, làm nails, phục vụ, làm văn phòng. Đủ nghề cả, nhưng nghề nào cũng khổ vì dịch - bà chủ trọ chia sẻ.
"Giãn cách họ mất việc hết, không có thu nhập. Tôi thấy cảnh có người ăn mì gói 3 tháng trời mà tội lắm. Những lúc khách nhận được hỗ trợ của chính quyền hay được tôi giúp, họ mừng phát khóc khóc luôn. Vậy nên khách nợ tiền tôi có thể hiểu, khách trốn về quê tôi cũng có thể hiểu. Họ phải bỏ về thôi, chứ ở đây họ đói, họ sống không nổi…", người chủ trọ xót xa nói.
Dù đang lâm vào cảnh khó khăn nhưng chị Thúy vẫn cố gắng duy trì nhà trọ. Phần để những người khách còn nơi để lưu trú, phần cũng ôm hy vọng sau khi TPHCM ổn định, khó khăn của chị cũng sẽ được giải quyết.