Kỳ lạ thú chơi gốc cây cổ thụ giá bạc tỷ của đại gia Việt

(Dân trí) - Nhiều gốc cây cổ thụ có tuổi đời lâu năm, đường kính lớn được trả giá lên tới hàng trăm triệu thậm chí tiền tỷ. Các gốc cây này sau đó được chế tác thành bàn ghế hoặc các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày…

Gốc bàng “khủng” 30 tấn của đại gia Sóc Trăng

Chủ sở hữu của bộ rễ cây cổ thụ này là ông Mai Kiên - một chủ trại hòm ở phường 5, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng). Một số nhà khoa học và các bậc cao niên trong làng cho rằng gốc bàng đá này có tuổi đời khoảng từ 450 - 700 năm, chiều cao khoảng 40m, chu vi thân cây trên 10m, bộ rễ có đường kính khoảng 18m.

Gốc bàng được ông Kiên mua năm 2014
Gốc bàng được ông Kiên mua năm 2014
Cây có tuổi đời hàng trăm năm với đường kính gốc lớn
Cây có tuổi đời hàng trăm năm với đường kính gốc lớn

Sau khi mua xong, ông Kiên mất khoảng 1 tháng để thuê người đào xới, móc từng phần rễ nằm sâu dưới lòng đất rồi cắt từng mảnh để vận chuyển về nhà bằng xe cẩu với chi phí hơn 200 triệu đồng.

Hiện bộ rễ được đặt trong nhà ông, hàng ngày đều có thợ rửa, lau chùi, gọt giũa tỉ mỉ để dần tạo nên một tác phẩm thiên nhiên hoàn mĩ. Dự kiến để hoàn thành xong tác phẩm theo ý tưởng phải mất vài năm nữa và số vốn đầu tư thêm khoảng 3 tỷ đồng.

Hiện bộ rễ được đặt trong nhà ông, hàng ngày đều có thợ rửa, lau chùi, gọt giũa tỉ mỉ
Hiện bộ rễ được đặt trong nhà ông, hàng ngày đều có thợ rửa, lau chùi, gọt giũa tỉ mỉ

Gốc cây cổ thụ “khủng” giá hơn 2 tỷ

Mới đây tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, một gốc cổ thụ quý trên 100 năm tuổi được trưng bày cho người dân chiêm ngưỡng.

Theo tỳ kheo Thích Giác Ân- trụ trì chùa Quan Âm ở xã Long Thuận huyện Hồng Ngự, gốc cổ thụ này là một loại cây quý hiếm được một người ở TP.HCM tặng cho nhà chùa. Gốc cổ thụ có chiều dài 4,5m, ngang 3,5 m, chiều cao hơn 1m, nặng hơn 4 tấn có xuất xứ từ nước Lào, ước trị giá hơn 2 tỷ đồng.


Cây cổ thụ có giá 2 tỷ và xuất xứ từ Lào

Cây cổ thụ có giá 2 tỷ và xuất xứ từ Lào

Dự kiến sau khi vận chuyển gốc cổ thụ về, nhà chùa sẽ nhờ người có kiến thức về điêu khắc gỗ để định hình và chế tác ra tác phẩm có giá trị và mang biểu tượng phù hợp.

Gốc trâm “độc nhất vô nhị” ở Lâm Đồng

Chủ sở hữu gốc cây khô này là anh Nguyễn Phi Hùng (ngụ tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Gốc cây cổ thụ “hoá lũa” này dài hơn 4m, cao gần 2,5m, rộng khoảng 1,2m.

Gốc trâm đỏ của anh Nguyễn Phi Hùng.
Gốc trâm đỏ của anh Nguyễn Phi Hùng.

Anh Hùng cho biết, năm 2002, khi anh đang thuê máy xúc đào ao trong vườn cà phê để lấy nước tưới và kết hợp thả cá thì vướng phải gốc cây này nhưng rất khó để đưa được lên. Sau đó, anh vứt “chổng chơ” trong vườn hơn 8 năm trời. Đầu năm 2012, sau một thời gian để “lộ thiên”, anh mới phát hiện ra vẻ độc đáo nên đưa về chưng chơi. Theo anh Hùng, gốc cây này đã có nhiều người trả đến giá trên 700 triệu đồng, nhưng anh vẫn không bán.

Gốc lũa “siêu khủng” tạc 18 vị La Hán của đại gia Hải Dương

Bộ tác phẩm gồm một cặp lục bình “Cửu long tranh châu” và một cây tượng “Thập bát La Hán” nổi bật bởi kích thước lớn và các họa tiết được chạm khắc tinh xảo. Trong đó, riêng cây tượng “Thập bát La Hán” được làm bằng gốc cây gỗ hương nguyên khối có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Được biết, cây tượng có chiều cao 2m5, đường kính 1m và được hoàn thành liên tục trong nhiều tháng trời.

Gốc lũa “siêu khủng” tạc 18 vị La Hán nổi bật bởi sự tinh tế trong đường nét chạm khắc
Gốc lũa “siêu khủng” tạc 18 vị La Hán nổi bật bởi sự tinh tế trong đường nét chạm khắc
Chủ nhân của bộ tác phẩm trên là chị Trần Minh Tâm, Hải Dương
Chủ nhân của bộ tác phẩm trên là chị Trần Minh Tâm, Hải Dương

Chị Trần Minh Tâm (SN 1980, Hải Dương), chủ nhân của bộ tác phẩm trên cho biết, trên cây tượng “Thập bát La Hán”, các nghệ nhân tạc 18 vị tượng với các biểu cảm, khuôn mặt khác nhau. Công đoạn khó nhất của tác phẩm là “thổi hồn” cho tác phẩm. “Bộ sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, chạm khắc tinh tế, cầu kỳ. Trong đó, mỗi bức tượng mang khuôn mặt, biểu cảm khác nhau và đều phải toát lên được thần thái, vẻ uy nghi giống như thật”, chị Tâm nói.

Trên cây tượng “Thập bát La Hán”, các nghệ nhân tạc 18 vị tượng với các biểu cảm, khuôn mặt khác nhau
Trên cây tượng “Thập bát La Hán”, các nghệ nhân tạc 18 vị tượng với các biểu cảm, khuôn mặt khác nhau

Chủ nhân của bộ tác phẩm này cũng cho hay, đây được xem là một trong những cây tượng nguyên khối đẹp và hoàn hảo nhất từ trước đến này mà cơ sở chị tìm mua được. Được biết, giá của bộ tác phẩm trên vào khoảng 350 triệu đồng.

Gốc lũa được trả giá 2,2 tỷ đồng

Ông Nguyễn Công Đức (Lương Sơn, Hòa Bình) có bộ lũa gù hương lớn nhất, quý nhất Việt Nam. Theo giới sành gỗ, ở Việt Nam, không thể có gốc cây nào có tuổi và đẹp nguyên vẹn như gốc cây của ông Đức.

Gốc lũa siêu đẹp ở Hòa Bình.
Gốc lũa siêu đẹp ở Hòa Bình.

Gốc cây này có đường kính tới 7m, có tuổi thọ khoảng 3.000-4.000 năm, làm lũa cực đẹp, lại không bị thủng ở giữa gốc. Có người trả giá khoảng 2,2 tỷ đồng cho cái gốc cây này song ông Đức vẫn từ chối.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp