Nghệ An:

Khó giải quyết “bài toán” tảo hôn và hôn nhân cận huyết

(Dân trí) - Nhiều người dân vẫn quan niệm tảo hôn và hôn nhân cận huyết là bình thường. Con trai, con gái 13 – 15 tuổi nếu chưa lấy vợ sẽ bị cho là ế. Thậm chí, việc con cô, con cậu hoặc họ hàng lấy nhau là "điều kiện" đảm bảo về sẽ yêu thương nhau.

Nhức nhối nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Theo số liệu tổng hợp của Ban Văn hóa –Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An, từ năm 2015-2018, 3 huyện miền núi gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông có 713 cặp tảo hôn. Trong số đó có 192 cháu gái tảo hôn dưới 16 tuổi và 30 cặp hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng thực trạng ở các địa phương và còn “khập khiễng” với số liệu của các đoàn giám sát cấp tỉnh, các sở ban ngành liên quan.

Khó giải quyết “bài toán” tảo hôn và hôn nhân cận huyết - 1
Sinh đứa con đầu lòng lúc 12 tuổi, đến năm 18, La Thị T. đã là mẹ của 3 đứa con.

Bên cạnh lí do khách quan như tình trạng này xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số việc điều tra thống kê gặp khó khăn thì một trong những nguyên nhân được ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chỉ ra là do tâm lí muốn giấu và không hợp tác của người dân, nhất là những người liên quan trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. “Một nguyên nhân nữa là do một số cán bộ, đảng viên ở các khu vực này thiếu gương mẫu” ông Hải nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Câu lạc bộ Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết Trường THCS Lục Dạ ở 3 xã Lục Dạ, Yên Khê và Môn Sơn – nơi có đông đồng bào Thái, Đan Lai sinh sống của huyện Con Cuông, thì người dân vẫn quan niệm tảo hôn và hôn nhân cận huyết là bình thường. Con trai, con gái 13 – 15 tuổi là độ tuổi đẹp để lấy chồng, lấy vợ, nếu không sẽ bị cho là ế. Thậm chí, có người còn cho rằng việc con cô, con cậu hoặc họ hàng kết hôn sẽ đảm bảo các con lấy nhau về sẽ yêu thương nhau, nhất là con gái sẽ không lo bị nhà chồng hắt hủi, đánh đập.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực sau này. Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên còn là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản.

16 tuổi, Vi Thị L. (SN 1998, ở bản Xằng, Lục Dạ, Con Cuông) đã lấy chồng và sinh liên tiếp 2 đứa con. Bước chân vào đời sống hôn nhân quá sớm, thiếu kiến thức sinh sản, chưa đủ lớn để cáng đáng trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình. Bởi vậy, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo – bệnh tật – suy dinh dưỡng, không có tiền đưa con đi bệnh viện cứ bám riết lấy gia đình L.

Hoặc như La Thị T. (bản Cồn, Môn Sơn, Con Cuông) 18 tuổi đã là mẹ của 3 đứa con. Đứa con đầu sinh ra khi T. mới… 12 tuổi. Chồng vào rừng làm rẫy, làm thuê, T. ở nhà đẻ và chăm nom các con nhưng cái đói, cái nghèo, cái thiếu thốn khiến T. trông già nua hơn lứa tuổi của cô, còn các con đến manh áo đầy đủ cũng không có để mặc.

Tình cảnh của Vi Thị L. hay La Thị T. cũng là tình cảnh chung của nhiều bà mẹ chưa kịp lớn ở một số địa phương vùng cao ở Nghệ An.

Thay đổi nhận thức để thay đổi hành vi

Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình, đề án phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết với sự tham gia của cấp ủy, địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở một số khu vực miền núi cao vẫn còn khá nhức nhối.

Khó giải quyết “bài toán” tảo hôn và hôn nhân cận huyết - 2

Bộ đội biên phòng Nghệ An tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho phụ nữ khu vực biên giới (ảnh BĐBPNA).

Tỉnh Nghệ An đã xác định 9 điểm tại 9 xã của 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Trường THPT Kỳ Sơn để tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án của Chính phủ về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 – 2025”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu quả thực hiện vẫn chưa được như mong muốn. Cả 9 xã này đều chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 599 của tỉnh, các huyện cũng chưa xây dựng kế hoạch riêng cho nhiệm vụ này mà nhiệm vụ này chỉ là một phần trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung.

Duy nhất mới chỉ có huyện Con Cuông đã ban hành đề án “Can thiệp, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” và Kế hoạch “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giai đoạn 2017 – 2020” hướng tới mục tiêu từng bước khống chế mức độ gia tăng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, do mới triển khai nên chưa thực sự có kết quả rõ nét.

Mặt khác, mặc dù Luật hôn nhân và gia đình quy định, đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; Luật hình sự có quy định, đối với hành vi tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 thì bị xử lý hình sự; song qua khảo sát chưa có 1 trường hợp nào bị xử lý.

Khó giải quyết “bài toán” tảo hôn và hôn nhân cận huyết - 3

Phụ nữ bản Xáng, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An) tham gia một buổi truyền thông phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Ảnh: Hà Anh.

Ông Lương Thanh Hải – Trưởng ban Dân tộc Tỉnh Nghệ An cho rằng: “Ngoài việc gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng ban ngành thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với ban ngành vào cuộc quyết liệt. Trước hết cần thay đổi nhận thức, từ người dân đến cán bộ địa phương, nếu không chúng ta không thể sửa hành vi được. Sửa hành vi rất khó, chỉ có sửa nhận thức mới đưa lại kết quả tốt”.

Bên cạnh đó, theo ông Lương Thanh Hải, việc đưa các thanh niên trong độ tuổi lao động ở các địa phương có nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đi làm việc ở nơi khác cũng là một trong những phương án giúp giảm thiểu tình trạng này. “Họ đi làm, thu nhập 2-3 tháng là đủ mua lương thực dùng trong 1 năm cho gia đình. Đi ra các đô thị làm việc, vừa có thu nhập, vừa thêm hiểu biết thì sẽ giảm được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết”.

Hoàng Lam