Hạn chế dùng "nhiều sắc hoa rực rỡ, tươi mới" khi tu bổ làng cổ Phước Tích

Vi Thảo

(Dân trí) - Đó là một trong những yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đối với thành phố Huế khi thực hiện dự án tu bổ di tích đường làng, bến nước, không gian cảnh quan ven sông làng cổ Phước Tích.

Thông tin từ UBND thành phố Huế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản phản hồi về việc thẩm định dự án tu bổ các di tích đường làng, bến nước và không gian cảnh quan ven sông làng cổ Phước Tích, thị xã Phong Điền theo đề nghị của thành phố.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thống nhất tu bổ, tôn tạo tuyến đường làng, các không gian công cộng và 12 bến nước quanh làng cổ Phước Tích.

Hạn chế dùng nhiều sắc hoa rực rỡ, tươi mới  khi tu bổ làng cổ Phước Tích - 1

Một góc làng cổ Phước Tích hiện nay (Ảnh: Vi Thảo).

Bộ đề nghị thành phố Huế rà soát, bảo đảm hồ sơ tu bổ, tôn tạo phù hợp với quy hoạch di tích làng cổ này. Các tuyến đường chính bao quanh làng phải có lộ giới 5-6m, lòng đường rộng 3,5-5m; kết cấu mặt đường đạt yêu cầu phục vụ giao thông thuận tiện cho các loại phương tiện.

Với công trình cầu cổng lò gốm Phước Tích, địa phương nên sử dụng kết cấu bê tông cốt thép, lan can làm bằng gỗ. Các không gian công cộng cần bảo đảm hài hòa, không phá vỡ cảnh quan làng cổ.

Tại khu vườn tiếp đón du khách, Huế cần hạn chế sử dụng "nhiều sắc hoa rực rỡ, tươi mới"; vườn ước nguyện phải bảo đảm không gian yên tĩnh, có sự chuyển tiếp phù hợp; khu diễn xướng dân gian và không gian trải nghiệm làng nghề cần bảo tồn các vườn cây hiện hữu, kết hợp trồng mới nhiều bụi tre.

Đối với việc tu bổ, cải tạo 12 bến nước, địa phương cần vệ sinh khoa học, giữ lại các viên gạch gốm có ghi tên bến và năm; tránh bê tông hóa, ưu tiên tận dụng địa thế tự nhiên, kết hợp thảm cỏ, cây xanh. Các hạng mục như nền, bậc cấp, mặt dựng bậc cần sử dụng gạch gốm vuông, chữ nhật để lát theo mạch vuông góc.

Địa phương cũng cần hạn chế sử dụng đèn đúc sẵn có thể gây tương phản với không gian, cảnh quan của làng cổ.

Làng Phước Tích tại cố đô Huế hình thành cách đây hơn 550 năm và được công nhận, trao bằng xếp hạng "Di tích quốc gia" vào tháng 3/2009.

Phước Tích là làng cổ thứ 2 được nhà nước công nhận sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội).