Trùng tu 1 nhà rường xưa tại làng cổ Phước Tích

(Dân trí) – Ngày 18/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND huyện Phong Điền đã tổ chức khánh thành công trình trùng tu 1 nhà rường xưa và đẹp tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa).

Đây là công trình thuộc dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại làng cổ Phước Tích trong tiến trình phát triển du lịch tại địa phương. Theo đó, ngôi nhà rường được trùng tu là của gia đình ông Trương Duy Thanh.

Ngôi nhà rường này gồm 3 gian 2 chái với diện tích 150m2 nằm trong một sân vườn rộng 2.500m2 đã xuống cấp nghiêm trọng trước kia. Ngôi nhà này có niên đại cách đây hơn 150 năm, là một trong 36 ngôi nhà cổ hiện còn được bảo tồn tại làng cổ Phước Tích, được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Viện Di sản Wallonie (Bruxelles - Bỉ) tiến hành trùng tu từ tháng 12/2011 với tổng kinh phí gần 24.000 Euro.

Với ý nghĩa thí điểm, ngôi nhà rường vừa được trùng tu nhằm đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục áp dụng, mở rộng cho nhiều dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làng trong phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trùng tu 1 nhà rường xưa tại làng cổ Phước Tích
Nhà rường cổ của gia đình ông Thanh đã được trùng tu. Đây là niềm vui dành cho chủ nhà nói riêng cũng như nhiều nhà rường đang xuống cấp nói chung tại làng cổ Phước Tích trong thời gian tới sẽ được cơ quan chức năng trùng tu tiếp

Với nhiều sự cố gắng nỗ lực từ các chuyên gia, thợ lành nghề về phục hồi nhà rường cổ, sau hơn 8 tháng thi công, ngôi nhà rường của ông Trương Duy Thanh đã chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa xưa, nhằm đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Sau lễ khánh thành nhà rường của ông Thanh, phía Việt Nam và Bruxellnes sẽ tiếp tục có phương án hỗ trợ tìm mô hình hoạt động phù hợp, kết hợp bảo tồn và phát huy bền vững di sản nhà rường tại làng cổ Phước Tích.  
 
Làng cổ Phước Tích là ngôi làng độc đáo vào dạng bậc nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng như miền Trung vì có hàng trăm ngôi nhà rường và nhà thờ họ xưa độc đáo về mặt kiến trúc, xây dựng và hài hòa về mặt cảnh quan, phong thủy. Làng đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di tích quốc gia. Hiện do nhiều biến đổi thời gian, làng chỉ còn 27 ngôi nhà rường nguyên vẹn cùng 17 nhà thờ họ.

Kiểu nhà ở Phước Tích chủ yếu là nhà rường gỗ ba gian hai chái và một gian hai chái với kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại trên 150 năm, phản ánh sự giao thoa giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình Huế. Trong từng nhà vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật xưa cũ một thời như hoành phi câu đối, trường kỹ, bộ ngựa, bàn thờ, chân dung người quá cố… Làng xưa có nghề làm gốm nổi tiếng với thứ gốm Phước Tích trứ danh ở các tỉnh miền Trung. Ngoài ra, làng có nhiều cây xanh và cây cổ thụ làm làng râm mát quanh năm.

 
 
Đại Dương