Khi Gen Z định nghĩa về "thế hệ cợt nhả"

CTV

(Dân trí) - "Thế hệ cợt nhả" là cụm từ đang gây bão trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và tương tác, thậm chí xuất hiện cả nhóm Facebook gần 100.000 thành viên.

Khi "cợt nhả" được định nghĩa lại

"Chill đi", "Vượt mức Pickleball", "Cơm nước gì chưa người đẹp", "Chưa đủ wow"... là những cụm từ đang được Gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012) sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, thậm chí trong cả môi trường làm việc. Phong cách giao tiếp này được xem là một phần của xu hướng mang tên "Khi thế hệ cợt nhả tham gia thị trường lao động".

Xu hướng này bắt nguồn từ những video vui vẻ, hài hước trên TikTok, sau đó lan rộng sang các nền tảng mạng xã hội khác và trở thành một "hiện tượng văn hóa mạng" được Gen Z hưởng ứng mạnh mẽ.

Trên mạng xã hội, các bài đăng, video gắn mác "thế hệ cợt nhả" thu hút hàng triệu lượt xem, được bàn tán sôi nổi. Nhiều group (hội nhóm) Facebook như "Thế hệ cợt nhả đi làm" ra đời, trong đó nhóm đông nhất có gần 100.000 thành viên.

Khi Gen Z định nghĩa về thế hệ cợt nhả - 1

 Người trẻ sôi nổi bàn luận trên các hội nhóm với những câu chuyện công việc "cười ra nước mắt" (Ảnh: Tú Trinh).

Trong từ điển tiếng Việt, "cợt nhả" là một từ mang ý nghĩa tiêu cực chỉ sự đùa giỡn thiếu đứng đắn. Thế nhưng, với Gen Z, cụm từ này đang được "định nghĩa lại" theo hướng tích cực hơn. Đó là cách mô tả một thế hệ có phong cách giao tiếp thoải mái, hài hước, không ngại thể hiện bản thân, đôi khi pha chút châm biếm.

Tài Nguyên (SN 2003), sinh viên ngành sư phạm đang thực tập tại Nghệ An, cho biết, anh thỉnh thoảng sử dụng một số câu nói đang "hot" trên mạng xã hội như "Trật tự đi các mom" hay "Làm bài tập chưa mấy ní" trong giờ học để tạo không khí vui vẻ, giúp học sinh cảm thấy thoải mái và dễ tiếp thu hơn.

"Mình thấy học sinh rất hưởng ứng. Những câu nói đùa như vậy không xuất hiện quá thường xuyên nhưng đủ để rút ngắn khoảng cách, khiến các bạn cởi mở và chủ động hơn trong quá trình học", Nguyên chia sẻ.

Dù tinh thần "cợt nhả" đang lan rộng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giải trí… nhưng Nguyễn Giang (SN 2000, Hà Nội) cho rằng, đây không phải một phong cách làm việc mà chỉ là cách Gen Z giao tiếp thân mật, vui vẻ với bạn bè đồng trang lứa.

"Những câu chuyện hài hước hay trò đùa nhẹ nhàng với đồng nghiệp là cách để mình giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc. Gen Z "cợt nhả" theo cách đó - chứ không phải thiếu trách nhiệm hay làm việc hời hợt. Tôi vẫn luôn hoàn thành công việc đúng hạn, giữ thái độ chuyên nghiệp với cấp trên, khách hàng và trong các cuộc họp quan trọng", chị Giang nói.

Từng làm việc với nhiều Gen Z, chị Nguyễn Linh (SN 1986), chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá: "Trong môi trường làm việc áp lực, việc giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan là điều cần thiết. Khó khăn là không tránh khỏi, nhưng thái độ sống tích cực sẽ giúp người trẻ đối diện và xử lý mọi thứ thông minh, hiệu quả hơn".

Cần đặt ra giới hạn cho sự "cợt nhả"

Trước sự thịnh hành của trào lưu "thế hệ cợt nhả", có không ít ý kiến cho rằng phong cách giao tiếp này đôi khi bị đẩy quá giới hạn, trở nên lố bịch trong những môi trường đòi hỏi sự nghiêm túc, hay thậm chí có phần thiếu tôn trọng những người lớn tuổi. 

Ngay cả nhiều Gen Z cũng không đồng tình với việc sử dụng nó một cách tràn lan. Chị Bảo Ngọc (SN 2002, trú tại Hòa Bình) cho rằng, cụm từ "thế hệ cợt nhả" đang dần bị biến tướng trên mạng xã hội.

Khi Gen Z định nghĩa về thế hệ cợt nhả - 2

Dù giữ thái độ làm việc thoải mái, vui vẻ với các bạn trẻ nhưng chị Linh luôn đặt ra những nguyên tắc rõ ràng để không ảnh hưởng đến công việc (Ảnh: nhân vật cung cấp).

"Nhiều bài đăng cố tình gán ghép cụm từ này vào chỉ để câu tương tác, lên xu hướng mà không quan tâm đến nội dung hay bối cảnh. Điều đó vô tình tạo ra cái nhìn tiêu cực về Gen Z, khiến tính chất của việc "cợt nhả" bị làm quá và hiểu sai lệch", Ngọc chia sẻ.

Không chỉ bị lạm dụng trên mạng xã hội, cụm từ "thế hệ cợt nhả" còn xuất hiện trong nhiều bối cảnh đời sống không phù hợp như các tình huống nguy cấp, cuộc họp quan trọng hay sự kiện có nhiều người tham dự. 

Việc mang phong cách giao tiếp quá thoải mái vào những bối cảnh này dễ dẫn đến hiểu lầm và khiến người trẻ bị đánh giá thiếu công bằng về thái độ cũng như năng lực làm việc.

Đưa ra góc nhìn từ phía người sử dụng lao động, chị Nguyễn Linh cho rằng, Gen Z là một thế hệ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và có trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên, sự thoải mái, hài hước trong giao tiếp chỉ thực sự trở thành điểm cộng khi được đặt đúng chỗ, đúng lúc.

"Người trẻ cần biết điều chỉnh cách thể hiện cho phù hợp với từng hoàn cảnh và đối tượng. Có những thời điểm, sự "cợt nhả" dù không có ý xấu, vẫn có thể bị hiểu lầm là thiếu nghiêm túc, gây phản cảm", chị Linh nhận định.

Với Gen Z, sự hài hước có thể là một lợi thế giúp giải tỏa áp lực, gắn kết đồng nghiệp và tạo môi trường làm việc thân thiện hơn. Tuy nhiên, tinh tế trong giao tiếp và hiểu đúng bối cảnh mới là yếu tố then chốt giúp cá tính trở thành điểm cộng thay vì tạo ra hiểu lầm không đáng có.

Tú Trinh