DNews

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh "nhà" người chết

Nguyễn Ngoan Tuệ Minh

(Dân trí) - Phố Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) được mệnh danh là phố nghĩa địa khi đầu ngõ, cuối ngõ, mộ nằm cạnh nhà.

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh "nhà" người chết

Những "hàng xóm" không bao giờ lên tiếng

6h, cô Hường, 58 tuổi, bán trà đá tại ngõ 88 Giáp Nhị, thức dậy, đun nước, chuẩn bị trà cho buổi bán hàng.

Mọi thứ sẵn sàng, cô mang theo ấm, chén, xô đá, đi đến vị trí quen thuộc ở đầu ngã ba ngách 38/88 phố Giáp Nhị, cách nhà 100m. Cạnh đó có khu đất bao quanh bằng tường gạch, cô Hường kéo tấm bạt che lối vào, để lộ bên trong là bàn ghế và hai phần mộ. Đây là nơi bày hàng bán trà đá hàng ngày của người phụ nữ này. 

Bê bàn ghế ra ngoài, cô Hường kiểm tra lại nước cúng và hoa tại các phần mộ. Vừa làm cô vừa nói, cách đây 4 hôm là giỗ của các cụ, hoa được bày lên vẫn còn tươi, nhưng nước đã bẩn.

Người phụ nữ nhanh tay thay nước, dùng khăn lau đi bụi bám trên phần gạch lát của mộ, rồi châm nén hương, "chào buổi sáng" với các cụ, xin phép được mở quán bán hàng.

"Tôi làm việc này đã 20 năm, kể từ ngày mở quán. Có lẽ các cụ phù hộ cho quán luôn buôn may bán đắt, nên dù diện tích quán nhỏ, nằm trong ngõ nhưng khách ra vào liên tục. Tôi chăm sóc mộ như một cách đền đáp...", người phụ nữ cười nói.

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh nhà người chết - 1

Hai phần mộ cạnh quán trà đá của cô Hường, hàng ngày được cô chăm sóc, dọn dẹp (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

 Khi được hỏi sống và kinh doanh ngay cạnh mộ có sợ không, cô Hường chỉ cười cho biết đã thành quen. Về làm dâu tại "phố nghĩa địa" mấy chục năm, những ngôi mộ thành thứ không thể thiếu đối với cô Hường. Thậm chí ngày nào mà không ra thắp hương, cô thấy trong lòng không yên.

Chủ quán trà đá cho hay, chỉ có ngày lễ Tết, giỗ chạp, người thân các cụ mới đến thăm, ngày thường hai ngôi mộ này do chính cô chăm sóc. Ngày giỗ cô mua khoanh giò, đĩa xôi, hoa quả thắp hương, Tết đến thì có thêm cành đào, chậu quất trang trí "nhà" cho các cụ. Người phụ nữ còn "mừng tuổi cho các cụ" để lấy may.

Không chỉ cô Hường bán nước ngay cạnh mộ, nhà con gái cô trước cửa cũng có 2 ngôi mộ lớn. Hàng ngày con rể cô Hường vẫn mở quán bún riêu bán bình thường, khách khứa ăn rồi cũng thành quen, chẳng còn ai e ngại hay để ý ngồi gần mộ.

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh nhà người chết - 2

Người dân ở phố Giáp Nhị quen với hình ảnh các ngôi mộ ngay cạnh nhà, các em nhỏ cũng vui đùa ngay cạnh mộ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Cách quán nước nhà cô Hường 50m, trước cửa nhà ông Bùi Minh Khải là 4, 5 phần mộ lớn nhỏ. Sống gần 80 năm ở phố Giáp Nhị, ông Khải quá quen với cảnh mỗi sáng mở cửa thứ đầu tiên nhìn thấy là mộ.

Theo ông trước đây vùng này là ruộng, ao, hồ, trước mặt nhà ông là gò đất cao, nên được chọn là nơi chôn cất. Sau này vào năm 1975, chính sách của hợp tác xã giãn dân, trong làng đất chật, các hộ theo khẩu được phân chia ra đây ở, từ đấy nhà cửa mọc lên.

"Ngày xưa những ngôi mộ này chỉ là mộ đất, đặt bia đánh dấu. Lâu dần đời sống cải thiện, con cháu người đã khuất xây lên cho đẹp. Các ngôi mộ đa phần là mộ của các dòng họ, chỉ số ít là một đơn lẻ", ông Khải nói.

Từ ngày ông Khải sinh ra những ngôi mộ này đã ở đây. Tuổi thơ của ông Khải gắn bó với mộ.

"Ngày trăng sáng, tôi cùng các bạn rủ nhau ra mộ nằm ngắm trăng, chơi đuổi bắt, trốn tìm, chẳng biết sợ là gì. Với tôi người sống còn không sợ thì người chết lại càng không cần sợ.

Hơn nữa tôi tâm niệm, mình không làm việc xấu, ảnh hưởng gì đến phần mộ, sẽ chẳng ai hại mình. Vào mỗi dịp lễ, Tết, tôi ra thắp cho các cụ nén hương, bày tỏ lòng tôn kính", ông Khải nói.

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh nhà người chết - 3
Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh nhà người chết - 4

Những ngôi mộ nằm san sát nhà cửa ở khu phố Giáp Nhị (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ông Khải cho biết, trong khu phố giờ đây chỉ còn khoảng 4, 5 gia đình là người gốc Giáp Nhị, còn lại phần lớn chuyển đến từ nơi khác. Tuy nhiên, người cũ còn ở lại hay người mới đến chục năm nay, không ai sợ những vị "hàng xóm" chẳng bao giờ lên tiếng này.

"Mấy chục năm nay những ngôi mộ này như hàng xóm của chúng tôi", cụ ông nói sống lâu thành quen, nhìn lâu lại thành thích.

Ông coi những ngôi mộ như một phần của khu phố, như một "ngôi nhà cổ" trăm tuổi, chẳng muốn di dời các ngôi mộ đi nơi khác.

"Đời tôi rồi đến đời con, cháu, đều sinh ra và lớn lên ở khu phố này, những ngôi mộ trước nhà thành khu vui chơi, con trẻ chạy quanh các ngôi mộ mà lớn nên, chẳng có gì sợ hãi", ông Khải nói.

Nhà mất giá, phòng trọ khó cho thuê vì gần mộ

Trái ngược với ông Khải xem những phần mộ như hàng xóm, chị H. sinh sống tại ngách 38/88 lại mong sớm ngày có thể chuyển những người "hàng xóm" này đi nơi khác.

Dọc đường vào nhà chị H. mộ san sát hai bên, thậm chí ngay trước cửa nhà chị là hai ngôi mộ được xây bao bằng tường gạch.

"Hơn 10 năm trước, ngôi mộ này có quy mô nhỏ. Năm 2007, con cháu của người quá cố cho xây dựng lại, diện tích mở rộng gấp đôi", chỉ tay về hai phần mộ nằm cạnh quán nước của mình chị H. nói.

Chị H. về Giáp Nhị làm dâu từ năm 2000. Năm 2003, chị được bố mẹ chồng chia cho căn nhà ở ngõ 88 nên chuyển về sinh sống. Nhớ ngày đầu về đây ở, chị H. vẫn còn "rợn tóc gáy", khi nhìn thấy đường vào nhà bao quanh bằng mộ.

"Thời điểm đó, nhà cửa thưa thớt, các nấm mộ bé như chóp nón, cỏ lau phủ kín, đường đi lối lại nham nhở đất đá", chị H. kể lại.

Mỗi khi ra đường, nhìn thấy mồ mả, chị H. cố rảo bước thật nhanh, không dám ngoái đầu. Những hôm phải đi buôn bán từ tờ mờ sáng, người phụ nữ này sợ ra ngõ một mình, phải nhờ chồng đi kèm. 

Sau một thời gian chạy theo cơm áo gạo tiền, sinh con đẻ cái, vợ chồng chị quen với việc sống cạnh những mộ, không còn cảm giác sợ.

"Bây giờ, tôi và hàng xóm coi mồ mả như nhà của người âm, việc ai người đó làm", chị H. nói. 

Cách nhà chị H. chỉ vài ba bước chân, có gia đình mộ chắn ngay trước cửa ra vào, gia đình họ vẫn sống bình thường.

Theo chị H., đa số các mộ ở đây của người dân trong làng được con cháu hương khói chu đáo. Một số người thân ở xa, ít đến chăm sóc, bát hương trở nên lạnh lẽo theo thời gian. 

Nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhà cửa mọc lên san sát, các mộ nằm xa nhau trở nên lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc. Hằng ngày, người lớn uống trà đá, ăn nhậu, tập thể dục, còn các em nhỏ vô tư nô đùa dọc ngõ. Dường như, không ai còn quan tâm đến sự tồn tại của các ngôi mộ.

Cư dân ở phố Giáp Nhị xem mộ trước nhà, án ngữ lối đi là bình thường, song hình ảnh này làm một số người đến thuê trọ bất an. 

Hà Nội: Cuộc sống nơi nhà người sống cạnh nhà người chết - 5

Hai phần mộ ngay cạnh nhà chị H. được xây tường gạch bao quanh (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Gia đình nhà chị H. có 5 phòng trọ cho thuê. Khi khách đến xem phòng tỏ ra ái ngại, người phụ nữ này cố gắng động viên để họ yên tâm nhất là với những khách "yếu bóng vía".

"Nhiều người đến thuê trọ, nhìn thấy mộ nằm rải rác, họ quay xe ngay, quyết định không thuê nữa. Tôi phải tư vấn, động viên không có vấn đề gì phải lo lắng khi sinh sống ở đây.

Giá phòng trọ ở khu vực này khoảng 1-2 triệu đồng/tháng, thấp hơn 1 triệu đồng so với những nơi khác. Đối tượng khách thuê chủ yếu là dân lao động, còn sinh viên và người kinh doanh không muốn sống cạnh mồ mả. Mấy năm rồi, tôi không dám tăng giá vì sợ khách không thuê nữa", chị H. than thở.

Không chỉ có phòng trọ, giá bất động sản ở khu vực này cũng neo ở mức thấp hơn so với nơi khác. Nguyên nhân chỉ vì mở cửa đã thấy mộ phần trước nhà nên khá kén khách mua. 

Theo tìm hiểu, mức giá đất quanh nơi gia đình chị H. sinh sống khoảng 20 triệu/m2, trong khi các khu vực bên ngoài đường lớn lên đến 60-70 triệu đồng/m2. 

Cách đây không lâu, chị H. và nhiều hộ dân xung quanh từng nghe đến kế hoạch di dời các ngôi mộ về nghĩa trang. Đến nay, mọi chuyện vẫn "án binh bất động".

"Việc di dời các mộ phần này không dễ, vì phải thuyết phục con cháu của người quá cố đồng ý. Về lâu dài, tôi vẫn mong muốn các ngôi mộ được chuyển đến nghĩa trang để họ hàng của người đã khuất cúng bái, thắp hương được thuận lợi, người dân ở đây có đường đi lối lại rộng rãi hơn", chị H. bày tỏ.

Theo ông Lập, tổ trưởng tổ dân phố số 13, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), những ngôi mộ rải rác khắp làng này tồn tại từ rất lâu đời. Có những ngôi mộ lên đến hàng trăm năm tuổi, một số được ốp gạch khang trang, số còn lại được xây bằng gạch, quét xi măng.

Với những người từ nơi khác đến, khung cảnh ấy có thể gợi lên cảm giác lo ngại. Những người dân địa phương, sống cùng với các ngôi mộ qua nhiều thế hệ, họ kinh doanh, buôn bán ngay cạnh mộ, đã quen với sự hiện diện của những "hàng xóm đặc biệt" này.

Nhiều năm nay, phường có ý định di dời các ngôi mộ để tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn. Các ngôi mộ không chỉ thuộc về một gia đình mà là mộ của cả dòng tộc, liên quan đến nhiều thế hệ.

"Hầu hết các mộ ở đây là mộ dòng họ, không phải của một nhà mà liên quan đến 7, 8 đời", ông Lập giải thích. Ngoài ra, việc di dời cũng tốn kém và cần có nghĩa trang mới, trong khi nghĩa trang làng hiện tại đã chật chội.

Dù mong muốn con đường thông thoáng và không gian sống thoải mái hơn, người dân nơi đây cũng không tỏ ra khó chịu khi chưa thể di dời các ngôi mộ. Họ chấp nhận sống cùng với các ngôi mộ như một phần của cuộc sống hàng ngày.