Bình Định:

Gia đình ở miền núi mê hiến máu cứu người

Doãn Công

(Dân trí) - Với vợ chồng ông Võ Thành Long và các con ông thì mỗi giọt máu cho đi để cứu người là một niềm hạnh phúc.

Mỗi giọt máu cho đi là một niềm hạnh phúc

Ở huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định, gia đình ông Võ Thành Long (62 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Thơm ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh là điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện, không chỉ riêng ở huyện mà cả của tỉnh Bình Định.

Gia đình ở miền núi mê hiến máu cứu người - 1

Vợ chồng ông Võ Thành Long và bà Nguyễn Thị Hồng Thơm là điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ riêng huyện Vân Canh mà cả tỉnh Bình Định (Ảnh: A. Nhiên).

Dù cả hai vợ chồng đã bước qua tuổi 60, cái tuổi mà theo khuyến cáo của Bộ Y tế là không nên hiến máu nữa. Vậy mà vợ chồng ông Long vẫn hăng hái đăng ký khi có đợt hiến máu tình nguyện, hay nghe ai cần máu gấp, ông nhận lời ngay, đồng thời vận động người dân trong thôn, xã hiến máu cứu người.

"Nhìn tôi vậy chứ tôi còn khỏe lắm, mỗi lần hiến máu bác sĩ vẫn lấy đủ số lượng máu theo quy định. Hiến máu đúng cách rất có lợi cho sức khỏe, sau gần 20 lần hiến máu, tôi nhận thấy sức khỏe mình bình thường chứ không có vấn đề gì cả. Chừng nào bác sĩ "chê" thì tôi sẽ dừng lại", ông Long chia sẻ.

Còn nói về vợ, ông Long tự hào: "Bà ấy còn hăng hái hiến máu tình nguyện hơn tôi. Có thời gian vợ tôi rất buồn vì không được hiến máu do bị viêm gan B, phải điều trị mấy năm".

Bà Thơm từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Vinh nên bà không chỉ trực tiếp hiến máu mà còn tích cực vận động chị em tham gia hiến máu. Đặc biệt, hai người con, một trai, một gái cũng "mê" hiến máu cứu người không thua cha mẹ.

Gia đình ở miền núi mê hiến máu cứu người - 2

Ông Võ Thành Long đã có gần 20 năm hiến máu tình nguyện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Các con tôi hiểu rõ việc hiến máu tình nguyện là việc nên làm nên các con rất ủng hộ. Con trai tôi làm việc ở Phú Yên, do công việc nhiều nên 2 tuần mới về thăm vợ con, cha mẹ một lần. Nhưng có đợt hiến máu tình nguyện tập trung ở địa phương là tranh thủ về để hiến máu", ông Long cho hay.

Theo ông Long, tính đến nay, 4 thành viên của gia đình ông gồm hai vợ chồng, con trai, con gái đã hiến máu tổng cộng trên 80 lần, riêng ông Long hơn 40 lần.

"Mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Với vợ chồng tôi và các con, hạnh phúc là mình dù không giàu có về tiền của nhưng may mắn có sức khỏe để giúp người, giúp đời. Niềm vui, hạnh phúc của gia đình tôi là thấy những giọt máu của mình giúp ai đó hồi sinh", ông Long bộc bạch.

Vận động lập nhóm máu sống di động

Theo ông Long, khoảng năm 2003, ở vùng nông thôn, đặc biệt huyện miền núi như Vân Canh, phong trào hiến máu chưa phổ biến như bây giờ. Thế nhưng những năm tháng miệt mài hiến máu của gia đình ông đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân vùng nông thôn về việc hiến máu tình nguyện.

Gia đình ở miền núi mê hiến máu cứu người - 3

Ông Long (ngoài cùng bên trái) vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện (Ảnh: A. Nhiên).

"Trước đây, đa số người dân nghe hiến máu tình nguyện là sợ không dám đi. Có những người dù đã vận động hiến máu lần một rồi nhưng đến lần 2 vẫn sợ. Song, khi hiến lần 2 rồi họ hết sợ, sau đó về nhà đưa con cái đi hiến máu tình nguyện", ông Long cho hay.

Ông Long cũng cho biết ở xã Canh Vinh, một trong những điển hình trong công tác hiến máu tình nguyện phải kể đến người dân ở làng Kinh tế. Hầu hết các hộ dân ở độ tuổi hiến máu đều hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, ông Long còn vận động kêu gọi một đội hiến máu di động ở thôn Kinh tế, bất kể trường hợp nào cần máu cấp cứu, người dân trong thôn sẵn sàng có mặt để cho máu.

"Tôi nhớ nhất một lần, một thanh niên quê ở Nghệ An bị tai nạn rơi từ trên tàu hỏa xuống, chấn thương nghiêm trọng, người thân thì không có. Sau khi được địa phương vận động, tôi và các thành viên nhóm máu sống đón xe xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để hiến máu cứu người. Nhờ vậy mà nạn nhân qua khỏi cơn nguy kịch", ông Long kể lại.

Ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết nói đến công tác hiến máu tình nguyện thì gia đình ông Long trở thành "thương hiệu" ở địa phương. Không chỉ hiến máu, những việc liên quan đến công tác từ thiện nhân đạo, ông Long đều tham gia đầy nhiệt tâm.

"Dù không còn làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ chuyên trách của xã nhưng khi có đợt hiến máu tập trung, ông đều hô hào, vận động người dân đăng ký tham gia. Ông là nhóm trưởng, nắm chắc nhóm máu hàng chục người trong xã, nghe ai cấp cứu cần máu là ông huy động xuống bệnh viện cho máu", ông Bài nói.

Với những thành tích trong công tác hiến máu tình nguyện, tháng 2/2022, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện khen thưởng gia đình ông Long.