Dòng sông thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thực sự tồn tại?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Theo nhà sử học Tư Mã Thiên, dòng sông thủy ngân là một trong những cái bẫy chết người của lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nhưng thực tế vì lý do an toàn, giới khảo cổ chưa biết rõ nó có tồn tại hay không.

Tượng đất nung mô phỏng các chiến binh chỉ là một phần trong lăng mộ khổng lồ của Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên. Ông trị vì từ năm 221 đến 210 trước Công nguyên.

Năm 1974, nhóm nông dân tình cờ phát hiện ra một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất mọi thời đại trên cánh đồng vắng vẻ thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

Khi đang đào đất, họ vô tình tìm thấy những mảnh vỡ của tượng người làm từ đất sét. Không ai biết đó mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Dòng sông thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thực sự tồn tại? - 1
Tranh cổ mô phỏng hình ảnh Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (Ảnh: WK).

Hàng loạt cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành sau đó cho thấy cánh đồng nằm trên một số hố chứa hàng nghìn mô hình tượng binh lính và ngựa chiến bằng đất nung có kích thước tương đương với đời thực.

Giới khảo cổ khi đó nhận định, có vẻ như nhiệm vụ chính của "đội quân đất nung" là bảo vệ lăng mộ gần đó của Tần Thủy Hoàng. Ông là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, đồng thời sáng lập nên nhà Tần, trị vì từ năm 221 đến 210 trước Công nguyên.

Lăng mộ nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An chừng 50km về phía đông. Công trình được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, được UNESCO xếp hạng là kỳ quan thế giới vào năm 1987.

Buồng trung tâm là nơi đặt mộ của Hoàng đế, chưa bao giờ được mở. Theo kiến nghị của các nhà khoa học từng làm việc tại đây, chính phủ Trung Quốc hiện không cho phép mở căn buồng này cho tới khi có công nghệ đủ hiện đại nhằm bảo vệ an toàn mọi thứ bên trong. Như vậy, nhân loại có thể phải chờ đợi nhiều thập kỷ hoặc thế kỷ nữa.

Vậy nhân loại làm sao biết được bên trong lăng mộ có gì?

Dòng sông thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thực sự tồn tại? - 2
Đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng (Ảnh: News).

Câu trả lời được tài liệu cổ do nhà sử học Tư Mã Thiên giải đáp. Ông được mệnh danh là cha đẻ ngành sử học Trung Quốc, sống vào năm 145 đến 86 trước Công nguyên.

Bộ sử ký do Tư Mã Đàm, cha ông khởi xướng và được Tư Mã Thiên hoàn thành năm 91 trước Công nguyên. Toàn bộ tài liệu kể về quá trình xây dựng lăng mộ, cách chôn chiến binh đất nung ra sao, số thợ tham gia công trình vĩ đại này và nhắc tới những cái bẫy chết người.

Ban đầu, khi các nhà sử học phương Tây kiểm tra ghi chép của Tư Mã Thiên đã tỏ ra hoài nghi về tính xác thực. Tuy nhiên trong vài thập kỷ trở lại, các phát hiện khảo cổ tại khu vực này cho thấy nhiều mô tả trong bộ sử lý của ông nói rất chính xác về vị trí ngôi mộ, chiến binh đất nung. Và cũng vì những lưu ý trong cuốn sử ký khiến giới khảo cổ không mở ngôi mộ của Tần Thủy Hoàng.

Theo mô tả của Tư Mã Thiên, bên trong cung điện dưới lòng đất có bản sao thu nhỏ về Trung Hoa cổ đại thời đó, gồm hơn 100 dòng sông, hồ nước và biển. Tuy nhiên ở thế giới này, thay vì nước, người cổ đại cho vào đó một lượng lớn thủy ngân để mô phỏng dòng chảy.

Vậy Tư Mã Thiên có nói chính xác về những dòng sông thủy ngân hay không?

Vào những năm 1980, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Thăm dò Địa vật lý và Địa hóa Trung Quốc phát hiện, đất xung quanh ngôi mộ chứa nồng độ thủy ngân cao hơn đáng kể so với phần còn lại của khu vực.

Dòng sông thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thực sự tồn tại? - 3
Hình ảnh mô phỏng dòng sông thủy ngân trong lăng mộ (Ảnh: News).

Cụ thể, ở nơi hẻo lánh, đất thường chứa trung bình 30 ppb (phần tỷ) thủy ngân thì trung bình xung quanh lăng mộ vào khoảng 250 ppb. Thậm chí một số chỗ nồng độ thủy ngân cao tới 1.500ppp.

Kết quả phân tích nồng độ thủy ngân hé lộ nơi cao nhất ở phía đông bắc và phía nam, góc tây bắc có nồng độ thấp nhất. Đối chiếu trên bản đồ Trung Quốc trùng với vị trí hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử.

Tuy nhiên, nhà khảo cổ Yinglan Zhang, người chỉ đạo các cuộc khai quật từ năm 1998 đến 2007 cho rằng, sự phân bố nồng độ thủy ngân có thể không phải là yếu tố đáng tin cậy nhất. Buồng của Hoàng đế có thể đã sụp đổ hàng nghìn năm trước còn dòng sông thủy ngân đã bay hơi và ngấm xuống đất rồi bay hơi từ nhiều thế kỷ.

Từ những phân tích trên, giới khảo cổ hiện chưa có cách nào biết chắc sông thủy ngân có thực sự tồn tại trong lăng mộ theo đúng cách nhà sử học Tư Mã Thiên mô tả hay không.