Đổi thay ở vùng cao Pa Pốm Điện Biên
(Dân trí) - Hơn 95% số hộ trong bản Pa Pốm đã có nhà ở khang trang, kiên cố. Trong mỗi gia đình đều xuất hiện nhiều hơn các thiết bị hiện đại như: Ti vi, quạt điện, nồi cơm điện,...
Pa Pốm là bản duy nhất của xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từng là một bản nghèo với nhiều không như: "Không đường bê tông", "không nước sạch", "không điện lưới quốc gia"... nhưng đến nay đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi.
Từ năm 2015 đến nay, đường từ trung tâm xã đến bản và đường nội bản đều đã được bê tông kiên cố, sạch sẽ
Hơn 95% số hộ trong bản đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Cùng với sự đầu tư về điện lưới quốc gia vào năm 2013, thì trong mỗi căn nhà đã xuất hiện nhiều hơn các thiết bị hiện đại, như: Ti vi, quạt điện, nồi cơm điện...
Trưởng bản Lý A Tòng cho biết, từ năm 2017 đến nay, bản Pa Pốm thay đổi toàn diện. Từ diện mạo nông thôn đến tư duy, cách nghĩ, cách làm và đời sống người dân đổi mới và nâng cao lên rõ rệt.
Nhà nước quan tâm đầu tư trọng điểm cho bản về điện, đường giao thông, điểm trường và các công trình phục vụ sinh hoạt, cuộc sống.
Người dân xóa bỏ tư duy cũ, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững; các hủ tục được bài trừ, khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào cuộc sống.
Đến nay, bản có gần 200 con trâu bò, trên 100 con dê; người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, hiện cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo, 3 ngôi nhà tạm. Bên cạnh đó, học sinh được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ hộ sinh con thứ 3, 4 giảm mạnh; người tự sinh đẻ tại nhà gần như không còn.
Từ năm 2017, được UBND TP. Điện Biên Phủ định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, người dân Pa Pốm bắt đầu làm chuồng trại, trồng cỏ, chăn nuôi trâu bò.
Đến nay, trên 95% hộ dân đều có trâu bò. Hộ ít thì 1 - 2 con, hộ nhiều 5 - 7 con. Từ việc phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả. Đất sản xuất bạc màu, người dân lại tìm hướng chuyển đổi cây trồng trên nương. Ban đầu là cán bộ, đảng viên tiên phong bán bò để thuê máy móc về bản san ủi, tạo ruộng bậc thang trồng lúa nước.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, ổn định, các hộ dân đã học tập, làm theo. Nhờ đó, từ bản không có ruộng nước đến nay Pa Pốm đã có gần 16ha ruộng bậc thang canh tác lúa 2 vụ.
Anh Vàng A Nếnh, người dân bản Pa Pốm cho biết: "Năm 2017 tôi vay mượn tiền người thân để mua 2 con bò giống về nuôi. Đến năm 2021, tổng đàn bò có 7 con. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên nương, tôi đã bán 2 con bò, lấy tiền thuê máy xúc khai hoang được hơn 2.000m2 ruộng bậc thang để cấy lúa nước.
Ở Pa Pốm rất thuận lợi về nguồn nước nên có thể làm 2 vụ lúa, cho năng suất, hiệu quả ổn định hơn nhiều so với các loại cây trồng như: Ngô, sắn, lúa nương trước đây".
Tư duy đổi mới, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân bản Pa Pốm luôn suy nghĩ, tìm cách tạo việc làm, tạo thu nhập để ổn định cuộc sống.
Ở Pa Pốm, hiện nay có gần 30 lao động ký hợp đồng lao động với các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp tại các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Từ nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã trang trải cuộc sống, cho con cái học hành đầy đủ và còn có "của ăn của để".
Tiêu biểu như gia đình anh Lý A Mang. Gia đình anh Mang có 3 người con, đất sản xuất ít nên nhà anh thuộc diện khó khăn ở bản. Không chấp nhận nghèo đói, đầu năm 2021, vợ chồng anh gửi con nhờ ông bà chăm sóc và xuống Bắc Giang làm công nhân ở khu công nghiệp.
Sau hơn 1 năm chăm chỉ lao động, thu nhập ổn định đã giúp vợi chồng anh lo cho 3 con ăn học. Tháng 6/2022, vợ chồng anh Mang đã tích góp và xây dựng được ngôi nhà mới, khang trang với tổng kinh phí 100 triệu đồng.
Không chỉ đổi mới về tư duy làm ăn mà những hủ tục đã tồn tại từ lâu trong nhận thức của bà con cũng đã thay đổi. Nổi bật nhất là việc tổ chức ma chay, cưới hỏi đã được đơn giản, tiết kiệm hơn nhiều; gia đình đông con ở thế hệ trẻ rất ít, nhất là tình trạng phụ nữ tự sinh nở tại nhà gần như không còn.
Chị Sùng Thị Dia cho biết, trong quá trình mang thai chị được tư vấn thăm khám định kỳ, loại bỏ các hủ tục lạc hậu.
"Từ lúc mang thai đến khi sinh cháu, tôi luôn đi khám thai định kỳ. Gần đến ngày sinh, tôi xuống theo dõi tại Trạm Y tế xã Thanh Minh. Sau đó chuyển sang Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ để sinh con. Có sự chăm sóc của y bác sĩ, mẹ con tôi đều khỏe", chị Dia nói.
Trước đây, có thời điểm Pa Pốm được xem như "địa chỉ đỏ" cho các đoàn từ thiện khắp nơi đến trao quà hỗ trợ bởi dân bản rất nghèo, giao thông lại hết sức khó khăn, thì nay cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.