Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch

Toàn Vũ

(Dân trí) - Nhờ làm du lịch, nhiều gia đình người dân tộc Thái tại Kho Mường (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định, đồng thời có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống.

Vài năm gần đây, thay vì trồng ngô, trồng lúa, gia đình chị Hà Thị Nguyệt, anh Hà Văn Vinh - người dân tộc Thái ở bản Kho Mường (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) chuyển sang làm du lịch.

Chị Nguyệt mở một quán ăn tại bản để phục vụ du khách gần xa. Anh Vinh tới làm việc tại một khu nghỉ dưỡng cách bản chỉ 1-2km. Anh chị có một khu vườn trồng cam, quýt bản địa theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu. Tới cận mùa thu hoạch, gia đình mở cửa để du khách tới tham quan, thưởng thức với mức giá 20.000 đồng/người.

"Từ khi bản làng phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình tôi và bà con người Thái đen trong bản ổn định hơn rất nhiều. Ngoài làm nông, chúng tôi buôn bán nông sản, vải, lái xe ôm, làm hướng dẫn viên cho khách… Nhờ đó, nguồn thu nhập tăng lên", chị Nguyệt cho biết.

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 1

Gia đình chị Nguyệt có kinh tế ổn định kể từ khi làm du lịch cộng đồng. (Ảnh: Toàn Vũ).

Bản Kho Mường thuộc xã vùng cao Thành Sơn, huyện Bá Thước, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 150km. Kho Mường nằm ở thung lũng thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên không khí mát mẻ, trong lành. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ với núi đồi trập trùng, hang động, suối đá kỳ thú, những thửa ruộng bậc thang quanh co, những ngôi nhà sàn người Thái truyền thống lợp mái rơm, mái cọ. 

Trong bản có 60 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Thái. Trước đây, người dân trong bản sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn... nên kinh tế còn nhiều khó khăn.

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 2

Bản Kho Mường giữ được vẻ đẹp nguyên sơ. (Ảnh: Toàn Vũ).

Một vài năm gần đây, xác định phát triển du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đem lại nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo vệ những nét văn hóa truyền thống, huyện Bá Thước đã tập trung xây dựng bản Kho Mường trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.

Ngày 27/10/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4591-QĐ/UBND về việc phê duyệt Dự án "Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường tại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa". Mục tiêu là phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng có thương hiệu, có giá trị, có sức cạnh tranh cao, trở thành một sản phẩm OCOP mang thương hiệu của địa phương.

Theo dự án, đến năm 2025, điểm du lịch cộng đồng bản Kho Mường phấn đấu đón khoảng 7.300 lượt khách; năm 2030 đón khoảng 9.300 lượt khách, trong đó có 50% khách lưu trú và có 50% khách du lịch quốc tế.

Dự án cũng hướng tới mục tiêu, tổng thu từ du lịch năm 2025 đạt gần 6,9 tỷ đồng; năm 2030 đạt 14,2 tỷ đồng, bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho lao động tại bản và các vùng lân cận, trong đó năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 70 lao động, năm 2030 khoảng 120 lao động.

Đến năm 2025 có 100% số hộ trong bản được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% số hộ trong bản có nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh, 100% lượng rác thải được thu gom, xử lý.

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 3

Người dân Kho Mường lưu giữ kiến trúc nhà truyền thống. (Ảnh: Toàn Vũ)

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Thành Sơn hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân hoạt động du lịch trong vùng Dự án thành lập Hợp tác xã hoặc tham gia Hợp tác xã (nếu đã thành lập) theo quy định của Luật Hợp tác xã để thực hiện quản lý, khai thác du lịch đảm bảo phát huy hiệu quả.

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 4

Hiện nay, nhiều du khách quốc tế đã biết tới Kho Mường và tìm đến khám phá. (Ảnh: Toàn Vũ)

Để khai thác tiềm năng du lịch, thu hút khách tham quan đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng Kho Mường, chính quyền các cấp đã và đang đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, như: Cải tạo đường lên xuống tại hang Dơi, một số điểm check-in gắn với biểu tượng du lịch tại bản Kho Mường; Cải tạo bãi đỗ xe, đường đi lại trong thôn; Tu sửa nhà văn hóa cộng đồng thành điểm trưng bày, giới thiệu văn hóa dân tộc có ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm kết nối các điểm du lịch hiện có tại Bá Thước và các vùng lân cận tới bản Kho Mường; Phát triển đội văn nghệ tại bản để biểu diễn lại các làn điệu dân ca của người Thái; Xây dựng các dịch vụ du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá gắn với hang Dơi. Cùng với đó là xây dựng biểu tượng du lịch, tour kết nối khách du lịch từ Mai Châu, bản Đôn... đến bản Kho Mường.

Toàn bộ dự án có tổng kinh phí đầu tư trên 16 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 5 tỷ đồng; còn lại là vốn do UBND huyện Bá Thước huy động từ ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp trên 11 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 5

Phát triển đội văn nghệ tại bản để biểu diễn lại các làn điệu dân ca của người Thái. (Ảnh: Toàn Vũ).

Đến với bản Kho Mường Pù Luông, du khách có thể trải nghiệm khám phá hang Dơi, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hòa mình vào cuộc sống dân dã, tìm hiểu văn hóa người Thái, thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng như: Cơm lam, cá dốc, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, rượu ngô, kiệu muối chua và thịt vịt luộc…

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 6

Cá dốc là một đặc sản của Kho Mường có giá thành rất cao. (Ảnh: Toàn Vũ).

Trên hành trình khám phá Kho Mường, du khách có thể ghé thăm những địa danh gần như khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Mơ, đập Điền Hạ, thác Hươu, suối Cá thần...

Người Thái ở bản vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo nhờ du lịch - 7

Huyện Bá Thước hy vọng xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Kho Mường trong thời gian sớm. (Ảnh: Toàn Vũ)