Đổi thay ở vùng cao Bình Liêu Quảng Ninh

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Bình Liêu (Quảng Ninh) là huyện miền núi, dân tộc, biên giới có trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, huyện Bình Liêu đã tập trung huy động mọi nguồn lực, tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp, từng bước hiện thực hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Để nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn, huyện đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, điển hình như thực hiện Chương trình 135, Đề án 196.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 -2021, huyện Bình Liêu đã đầu tư trên 200 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, Đề án 196, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và các chương trình khác, hàng nghìn lượt hộ dân đồng bào DTTS đã có thêm vốn, tư liệu sản xuất, được trang bị kiến thức để phát triển kinh tế.

Theo đó, huyện đã hỗ trợ 109 dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện gần 44 tỷ đồng, tạo sinh kế cho 3.486 hộ đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản khó khăn... góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 3,06% vào năm 2020.

Đổi thay ở vùng cao Bình Liêu Quảng Ninh - 1

Đề án 196, Chương trình 135, xây dựng NTM... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện

Song song với đó, huyện cũng dành nguồn lực tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo các chính sách hiện hành để dần dần hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như: vùng trồng nguyên liệu dong riềng; vùng trồng cây hồi, sở; vùng nuôi ong lấy mật; vùng chăn nuôi gia súc trâu, bò, dê, cá nước lạnh...

Từ đó, sản xuất đã từng bước chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa và được thị trường đón nhận tích cực, giúp nông dân nâng cao thu nhập như: Miến dong Bình Liêu, mật ong Bình Liêu, trâu, bò, dê và một số loại tinh dầu Bình Liêu...

Đổi thay ở vùng cao Bình Liêu Quảng Ninh - 2
Nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa và được thị trường đón nhận: bò, dê,…

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, Bình Liêu cũng thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bà con vùng DTTS. Mở 50 lớp dạy nghề nông thôn với 981 lao động học nghề. Trong 5 năm (2016 - 2021), huyện đã giải quyết việc làm cho 2.224 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trên 49 %/năm 2015 lên trên 68 %  năm 2020.

Gia đình anh Trần Văn Thoòng, thôn Khe Lánh 1, xã Vô Ngại trước đây đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Khi xã triển khai Đề án 196, anh đã mạnh dạn đăng ký mô hình nuôi gà với số lượng 1.000 con.

Cùng với nguồn hỗ trợ của xã, gia đình anh đã mạnh dạn bỏ vốn đối ứng đầu tư mở rộng trang trại, mua máy móc hiện đại phục vụ cho chăn nuôi, đồng thời trồng thêm 3 ha cây ăn quả như cam, bưởi, chanh, ổi.

Bên cạnh đó, anh còn nhận thêm các công trình xây dựng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đến nay, cuộc sống gia đình anh đã ổn định, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Đổi thay ở vùng cao Bình Liêu Quảng Ninh - 3

Đời sống của đồng bào dân tộc ở Bình Liêu (Quảng Ninh) đã có nhiều khởi sắc.

Đổi thay ở vùng cao Bình Liêu Quảng Ninh - 4

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng được Bình Liêu quan tâm, chú trọng.

Thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục tập trung vào việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Trọng tâm là tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với mục tiêu thoát nghèo bền vững; tuyên truyền vận động người dân vươn lên làm giàu chính đáng; hỗ trợ sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản để tăng thu nhập cho người dân.

Hoàng Gái