(Dân trí) - Những năm 90, từ thành thị đến nông thôn dường như không ai không biết đến Hồng Sơn. Có ngày, chàng tiền vệ nhận được cả trăm lá thư. Sau hơn 20 năm, núi thư của người hâm mộ vẫn chất kín góc nhà anh.
Cựu danh thủ Hồng Sơn kể thời đỉnh cao, được fan viết 5 bao tải thư
Những năm 90, từ thành thị đến nông thôn dường như không ai không biết đến Hồng Sơn. Có ngày, chàng tiền vệ nhận được cả trăm lá thư. Sau hơn 20 năm, núi thư của người hâm mộ vẫn chất kín góc nhà anh.
Được mệnh danh là huyền thoại của bóng đá Việt, tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá nước nhà những năm 1995-2001, nhưng ít ai biết rằng, cựu danh thủ Hồng Sơn (SN 1970) lại có cuộc sống hiện tại vô cùng giản dị.
Sau khi giải nghệ, khác với những cầu thủ cùng thời bước ra kinh doanh hay làm huấn luyện viên cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp, Hồng Sơn lựa chọn một cuộc sống bình lặng, ít thị phi. Ngày ngày, anh âm thầm truyền lửa cho bóng đá trẻ.
Hiện tại, cựu danh thủ vẫn sống cùng bố mẹ trong căn nhà nhỏ trên phố Hàng Bông (Hà Nội). Không gian ở không quá rộng rãi nhưng anh vẫn dành một góc riêng trong nhà để chất 5 bao tải thư của người hâm mộ đã gửi anh từ hơn 20 năm trước.
Huyền thoại bóng đá Việt một thời tâm sự, cùng với những vinh quang, những danh hiệu và chiến thắng trong sự nghiệp thì đây là khối "tài sản" vô giá anh luôn trân quý và giữ gìn cẩn thận.
Trước thềm SEA Games 31, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với danh thủ huyền thoại này xoay quanh những kỉ niệm trong sự nghiệp và cuộc đời anh.
Tính tôi vốn an phận
Bước ra từ sân cỏ, từng là một huyền thoại của bóng đá Việt, sao anh không tận dụng sự nổi tiếng của mình để kinh doanh, mở quán bar, quán cà phê hoặc theo con đường huấn luyện viên cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp?
- Rất nhiều người cũng đã hỏi tôi câu này. Bản thân tôi không có năng khiếu để theo con đường kinh doanh. Tính tôi vốn an phận, ngại va chạm với xã hội. Công việc kinh doanh có thể mang lại thu nhập tốt nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu thành công thì không sao, nhưng nếu không may gặp phải rủi ro thì vô tình tôi lại ảnh hưởng đến thành quả sự nghiệp và hình ảnh mình gây dựng suốt nhiều năm.
Về con đường huấn luyện, thời điểm trước cũng có một vài cơ hội đến với tôi. Tôi nhận được nhiều lời mời từ bóng đá Ninh Bình, từ bầu Kiên, bầu Thụy… Tuy nhiên, khi đó tôi vẫn đang là huấn luyện viên cho các đội bóng trẻ của quân đội nên đã bỏ qua những cơ hội đó.
Cuộc sống hiện tại của anh ra sao?
- Tôi có ba con (1 con trai sinh năm 2003, 2 con gái sinh năm 2005 và 2013). Ngoài những lúc tham gia các hoạt động huấn luyện, tôi dành nhiều thời gian cho gia đình. Khi về nhà, tôi sẵn sàng làm mọi việc từ nấu nướng, dọn dẹp, chăm con…. Tôi quan niệm gia đình luôn là hậu phương vững chắc, là nơi chia sẻ, nơi cùng nhau thưởng thức mọi niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống.
Anh có hướng con trai đi theo sự nghiệp của mình?
- Hồi con trai khoảng 5-6 tuổi, tôi cũng định hướng cho cháu theo nghiệp đá bóng. Mỗi lần có giải đấu ở các tỉnh, tôi đều cho cháu đi theo và đưa cháu vào sinh hoạt, tập luyện trong doanh trại của câu lạc bộ Thể Công. Tuy nhiên, con trai không hứng thú nhiều với bóng đá nên vợ chồng tôi cũng không bắt buộc con đi theo con đường của bố. Chúng tôi tôn trọng sở thích của con.
Trong một bài phỏng vấn anh từng chia sẻ mình vẫn sống với bố mẹ ở phố Hàng Bông. Hiện tại anh có gì mới hơn chưa?
- Trước giờ tôi vẫn sống với bố mẹ bởi từ những ngày còn thi đấu đến đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận được bất cứ chế độ đãi ngộ nào về nhà đất hay chung cư cả. Chính vì vậy, vợ chồng tôi vẫn phải ở chung với bố mẹ thôi. Không còn cách nào khác.
Ký ức về "thế hệ vàng" toàn… bạc
Năm 1995, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã giành huy chương bạc SEA Games sau nhiều năm trắng tay tại đấu trường khu vực. Nhớ lại kỳ SEA Games lịch sử ấy, chắc hẳn trong anh vẫn còn rất nhiều cảm xúc?
- Năm 1995 là năm đầu tiên bóng đá Việt Nam có thành tích ở đấu trường SEA Games. Trong hai kỳ SEA Games năm 1991 (tổ chức tại Philippines) và năm 1993 (tổ chức tại Singapore), bóng đá Việt Nam có thành tích rất thấp, bị loại ngay từ vòng bảng.
Bóng đá Việt Nam sau đó khởi sắc nhờ sự xuất hiện của các huấn luyện viên người nước ngoài. Họ đã đem đến cho bóng đá Việt Nam những tư duy đổi mới - điều mà trước đó chúng tôi chưa từng biết đến.
Năm 1994, huấn luyện viên người nước ngoài đầu tiên - ông Edson Tavares đã tham gia dẫn dắt đội bóng một thời gian, sau đó là ông Karl Heiz Weigang. Đội tuyển được tham gia các chuyến đi tập huấn ở nước ngoài, các giải đấu ở nhiều địa phương… nên tiến bộ rõ rệt về nền tảng thể lực, cũng như kinh nghiệm thi đấu.
Tấm huy chương bạc của đội tuyển quốc gia tại SEA Games năm 1995 chính là phần thưởng xứng đáng cho cả một tập thể. Đó là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài, là thực lực cũng như tâm huyết của toàn thể thế hệ chúng tôi và các vị huấn luyện viên khi đó.
Năm ấy, khi xuất quân, đoàn thể thao Việt Nam cũng đặt kỳ vọng là đội tuyển bóng đá có thể đạt được thành tích nào đó. Chính vì vậy, khi chúng ta có trong tay huy chương bạc, cả đoàn thể thao gần như vỡ òa. Dù thua chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết nhưng đó là tấm huy chương lịch sử đầu tiên của bóng đá nước nhà.
Ngay sau khi có thành tích đầu tiên ở SEA Games, bóng đá Việt Nam liên tiếp đạt được huy chương ở nhiều giải đấu. Trong kỳ Tiger Cup đầu tiên tổ chức năm 1996, Việt Nam giành được huy chương đồng. Tấm huy chương này thêm một lần khẳng định, huy chương bạc mà chúng tôi có được năm 1995 không phải là sự may mắn.
Thế hệ chúng tôi thời kỳ này còn mang về thêm 1 huy chương đồng SEA Games (năm 1997), 1 huy chương bạc Tiger Cup (1998), 1 huy chương bạc SEA Games (năm 1999).
Trưởng thành và gắn liền với những thành tích của bóng đá Việt Nam trong gần một thập kỷ, quả thực Hồng Sơn và đồng đội đã tạo nên những dấu ấn mà nhiều thế hệ sau này phải nể phục.
- Chúng tôi được người hâm mộ yêu mến gọi là "thế hệ vàng" đầu tiên của bóng đá Việt. Tuy chỉ giành huy chương đồng, huy chương bạc nhưng chúng tôi đã tạo ra những bước đột phá về thành tích và trình độ thi đấu trong thời kỳ đất nước mở cửa trở lại.
Vinh quang thành kỉ niệm nhưng chấn thương còn mãi
Thời các anh mọi thứ đều khó khăn từ điều kiện dinh dưỡng tới sân bãi, dụng cụ tập luyện, đội ngũ hỗ trợ. Thế nhưng, Hồng Sơn ngày ấn vẫn ghi dấu trong lòng người hâm với lối chơi hoa mỹ, kỹ thuật và phong cách chơi bóng khác biệt.
- Ngày trước, điều kiện tập luyện không được đầy đủ, sân bãi không hiện đại và có đông đảo đội ngũ hỗ trợ như bây giờ. Sau mỗi buổi tập, ai cũng cố gắng nán lại mấy chục phút tập thêm. Mặt sân lầy như ruộng, chỗ xanh cỏ, chỗ không, bóng điện thì tù mù nhưng ai cũng cố tranh thủ, tự giác làm sao để nâng cao thể lực và kỹ thuật.
Tôi vốn nhỏ con nên thường tập tạ, cơ bụng, cơ lưng... kế đến là nhảy dây, đá dây thun, tâng, chuyền bóng cho đôi chân dẻo dai, linh hoạt để tăng tốc độ bứt phá, luồn lách.
Ngày đó, cứ mỗi lần nghe ngóng ở phường nào, khu phố nào có đội bóng hay, tôi lại rủ bạn bè xách giày đến thi đấu. Chỉ là đá vỉa hè, nhưng sự cọ xát khiến chúng tôi trưởng thành lên không ít.
Tranh thủ từng cơ hội luyện tập, cọ xát, Hồng Sơn sau đó lại lăn xả hết mình trên sân cỏ vì màu cờ sắc áo của câu lạc bộ, của quốc gia. Trở thành người hùng sân cỏ nhưng đổi lại, anh phải nhận về vô số chấn thương. Những chấn thương đó ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của anh ra sao?
- Tôi bị chấn thương rất nhiều lần. Hai đầu gối phải mổ tổng cộng tới 4 lần. Nặng nhất là lần thi đấu ở Tiger Cup năm 1996 trong trận gặp Indonesia tôi bị đứt dây chằng, vỡ xương chêm. Sau chuyến ấy, tôi phải sang Đức để phẫu thuật.
Một lần khác tôi không may bị thủ môn Văn Cường đấm sập mũi khi anh ra vào đỡ bóng nên phải đi mổ mũi…. Ngoài ra, tôi còn gặp nhiều chấn thương khác như gãy xương mác cổ chân, lật cổ chân, đau háng, đau lưng…
Những chấn thương này dù đã được khắc phục nhưng để lại di chứng và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của tôi bây giờ. Những ngày trái gió trở trời, tôi lại phải đối diện với những cơn đau, sự khó chịu, mệt mỏi… Đặc biệt, sau cú va chạm với thủ môn Văn Cường, mũi tôi bị vẹo và nghẹt. Suốt hơn 20 năm qua, lọ thuốc nhỏ mũi trở thành vật bất li thân của tôi. Cứ 2 -3 tiếng tôi phải nhỏ mũi một lần. Những lúc thời tiết thay đổi, cái mũi lại "hành" tôi nhiều hơn.
Năm 2001, trước khi rời Việt Nam, huấn luyện viên Dido để lại câu nói nổi tiếng: "Nếu Hồng Sơn sinh ra ở Brasil, cậu ta đủ khả năng thành huyền thoại bóng đá thế giới". Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Ông Dido là huấn luyện viên người Brasil và đất nước Brasil là đất nước có nền tảng bóng đá thiên về lối chơi kỹ thuật. Năm 2001, tôi cùng đội tuyển Việt Nam tham gia vòng sơ loại World Cup 2002 tại Ả-rập-xê-út nên được tập huấn, làm việc với ông Dido.
Tôi là một cầu thủ thiên về lối chơi thông minh, kỹ thuật, ít va chạm. Khi dẫn dắt đội tuyển, ông Dido rất ấn tượng với phong cách của tôi nên thường xuyên lấy Hồng Sơn ra để thị phạm, làm gương khi muốn giới thiệu một động tác, một hướng tấn công...
Trong thi đấu, cũng như tập luyện, tôi luôn hoàn thành tốt mong đợi của huấn luyện viên này. Chính vì vậy, trước khi rời Việt Nam, ông có nói với người hâm mộ câu nói ấy. Tôi coi đó là một sự ưu ái, yêu mến mà người thầy này đã dành cho tôi.
"Gia sản" đặc biệt - 5 bao tải thư chất kín một góc nhà
Những năm 90, từ thành thị đến nông thôn dường như không ai không biết đến Hồng Sơn. Học sinh, sinh viên mặc áo số 8 Hồng Sơn, để kiểu tóc theo Hồng Sơn. Ở thời kỳ đỉnh cao ấy, chắc hẳn anh có rất nhiều kỉ niệm đẹp đáng nhớ?
- Thời đó, tôi gần như dành toàn bộ tâm huyết cho việc tập luyện, thi đấu, đổi lại thì bản thân cũng tạo được những dấu ấn riêng và cùng với toàn đội đạt được một số thành tích như đã nói.
Sau khi nước ta mở cửa, hội nhập quốc tế trở lại, bóng đá nhận được sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ vì thế những người theo nghiệp cầu thủ như tôi cũng được quan tâm hơn. Tôi và anh em thường được người hâm mộ xin chụp ảnh, xin chữ ký, viết thư bày tỏ sự yêu mến.
Tôi vẫn nhớ một lần người bạn đi công tác ở tỉnh xa về liền hỏi tôi: "Mấy ngày hôm trước vừa thấy Hồng Sơn đang đi chăn trâu ở ngoài đồng cơ mà?". Tôi ngớ người ra thì anh ấy phá lên cười kể rằng, anh ấy đang di chuyển trên đường thì nhìn thấy xa xa một thanh niên đi chăn trâu mặc áo số 8 màu đỏ, có tên Hồng Sơn.
Thời ấy, rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên mua những chiếc áo số 8 mang tên Hồng Sơn để mặc. Thấy mình được yêu mến và chào đón ở khắp nơi, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và xúc động.
Sự nổi tiếng đôi khi đi kèm với những phiền toái? Anh có gặp tình huống nào như thế?
- Nói là phiền toái thì không hẳn. Thực ra tôi chỉ cảm thấy đôi lúc khoảng thời gian nghỉ ngơi, riêng tư của mình bị ảnh hưởng đôi chút. Nhiều người hâm mộ xin qua cổng bảo vệ khu huấn luyện hoặc tới khách sạn để gặp tôi xin chữ ký, chụp ảnh cùng…
Mỗi lần như thế thì hoạt động nghỉ ngơi, sắp xếp của cả đội lại bị xáo trộn. Về sau, tôi buộc phải xin bảo vệ đánh tráo số phòng để tạm "trốn" người hâm mộ những lúc nghỉ trưa.
Có lần trên Facebook, anh chia sẻ hình ảnh ngồi xem lại các bức thư tay người hâm mộ gửi cho anh kèm dòng trạng thái: "Nếu thư của người hâm mộ gửi cho tôi quy bằng "tiền" thì tôi là "tỷ phú". Thật bất ngờ khi qua bao năm, anh vẫn lưu giữ hàng nghìn bức của người hâm mộ.
Thư tôi nhận được ngày ấy nhiều lắm. Hiện nay, tôi vẫn giữ trong nhà 5 bao tải thư của người hâm mộ gửi cho mình. Bao tải loại 20kg. Cách đây ít lâu tôi có mở ra xem thì thấy mình đã đọc, đã xem và đã trả lời hơn một nửa. Ngoài những bức thư, bức ảnh, tôi vẫn còn giữ một bao tải quần áo thi đấu làm kỉ niệm.
Ngày nay, các bạn có thể giao lưu với thần tượng dễ dàng qua mạng xã hội. Ngày đó, người hâm mộ chỉ có thể gửi gắm tình cảm qua những lá thư. Các bạn, các em ấy phải mua phong bì, viết thư, mua tem… đi ra tận bưu điện huyện, bưu điện xã để gửi.
Nhiều bạn còn sưu tập hình ảnh của tôi trên báo, tạp chí để dán lại, trang trí, tạo các tấm bưu thiếp… Đó là những việc làm rất kỳ công. Nhiều người nói với tôi, nếu tính trong thời đại của Youtube, Tik Tok ngày nay thì tôi cũng phải được nút bạc, nút vàng rồi.
Ngày nay tiền thưởng hàng chục tỷ, thời tôi thì chỉ như hạt cát
Những năm gần đây, các đội tuyển bóng đá quốc gia luôn nhận được sự động viên, cổ vũ về vật chất của Nhà nước cũng như nhiều đơn vị doanh nghiệp. Có những trận đấu, những bàn thắng, những cá nhân được thưởng hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Trước đây, anh hay tập thể có nhận được sự động viên về vật chất sau mỗi lần giành được vinh quang?
- Sau 20 năm mở cửa phát triển, đất nước có một diện mạo mới vì thế thể thao nước nhà nói chung và bóng đá nói riêng được quan tâm, đãi ngộ tốt hơn rất nhiều. Các cầu thủ được tạo mọi điều kiện thi đấu, có nhiều cơ hội phát triển trong và ngoài nước, sở hữu thu nhập khủng. Đó là điều đáng mừng và những vận động viên, cầu thủ xứng đáng được nhận những điều đó.
Còn thời của chúng tôi, những năm 90 - 2000, mặt bằng chung của đời sống còn thấp. Đa phần mọi người mới chỉ ăn đủ no, mặc đủ ấm chứ chưa có điều kiện nghĩ đến việc hưởng thụ, ăn chơi. Vì vậy câu chuyện thưởng nóng cho các đội bóng khi giành thành tích tốt là rất hiếm.
Khoảng năm 1998, tôi nhớ có một số cá nhân thưởng 300 - 500 USD cho toàn đội, doanh nghiệp thưởng lớn nhất là số tiền 100 triệu đồng. Chỉ có một số lần như thế, còn nhìn chung là cực hiếm. Số tiền thưởng cũng không nhiều và nếu so với bây giờ thì có lẽ chỉ là hạt cát so với sa mạc mà thôi.
Tiền thưởng tuy ít nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn giữ vững ý chí và tinh thần thi đấu bởi quan trọng nhất chúng tôi đã được đông đảo người dân, người hâm mộ yêu mến.
Nhiều người rất tò mò muốn biết thu nhập của danh thủ Hồng Sơn thời điểm đó?
- Khi đó tôi là cầu thủ thi đấu cho câu lạc bộ Thể Công và là một quân nhân nên ăn lương theo quân đội. Còn khi lên đội tuyển, khi nào đội tuyển đạt đươc thành tích thì ăn thưởng theo đội tuyển chứ không có lương. Mà thưởng thì rất ít như đã nói.
Sau khi giải nghệ, anh có cảm thấy hụt hẫng? Mất bao lâu để anh quen với việc mình không còn là cầu thủ nữa?
- Năm 2001, tôi không đi đấu cho đội tuyển quốc gia nữa và đến năm 2004 thì chính thức giải nghệ, rời khỏi câu lạc bộ Thể Công. Năm ấy tôi đã 34 tuổi, cũng không còn trẻ, bản thân lại gặp rất nhiều chấn thương nên ảnh hưởng đến nền tảng thể lực và sự vận động.
Ngoài thời gian huấn luyện, cựu danh thủ không ngại nấu nướng, làm việc nhà, chăm sóc con cái.
Ngoài ra, thời điểm đó, tôi cũng muốn lui lại để dành cơ hội cho các bạn trẻ thể hiện. Năm 2002-2003, tôi lập gia đình và có cậu con trai đầu tiên nên muốn dành nhiều thời gian cho gia đình nên quyết định giải nghệ.
Khi rời sân cỏ, tôi cũng không tránh khỏi hụt hẫng. Tuy nhiên, tôi vẫn xác định theo nghề nên đã đi học các lớp huấn luyện của FIFA và Đại học Thể dục thể thao…
Không theo con đường huấn luyện viên chuyên nghiệp nhưng anh vẫn "cháy" với đá bóng theo một cách rất riêng. Nhiều thế hệ trẻ đang được truyền lửa từ một Hồng Sơn huyền thoại. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về công việc thầm lặng này?
- Hiện tại tôi đã về hưu, không còn ở trong quân đội nữa. Tôi mở một trung tâm huấn luyện có tên HS8 (viết tắt của Hồng Sơn số 8) để các bạn trẻ yêu bóng đá đến tập luyện. Bạn nào có chuyên môn tốt, muốn trưởng thành thì chúng tôi sẽ gửi gắm cho các câu lạc bộ, các trung tâm chuyên nghiệp để các em phát triển.
Ngoài thời gian đó, tôi huấn luyện cho một số đội bóng phong trào hoặc tham gia một số chương trình bóng đá trẻ em trên truyền hình. Thi thoảng tôi được mời bình luận bóng đá.
Anh có lời nhắn nhủ gì tới đội tuyển bóng đá nam và nữ cùng đoàn thể thao tham dự SEA Games lần này?
- Tôi được biết, SEA Games năm nay Việt Nam phấn đấu nhất toàn đoàn, trong đó, bóng đá nam và bóng đá nữ đặt chỉ tiêu bảo vệ thành công huy chương vàng.
Xin chúc cho các cầu thủ bóng đá nói riêng và các vận động viên thể thao nói chung phát huy tốt phong độ, tự tin thi đấu với tinh thần Việt Nam để giành chiến thắng, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Xin cảm ơn anh! Chúc anh thật nhiều sức khỏe!
Những thành tích bất cứ cầu thủ nào cũng mơ ước
Không phải ngẫu nhiên mà cựu danh thủ Hồng Sơn được xem là huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Anh là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất của đội tuyển quốc gia Việt Nam và câu lạc bộ Thể Công, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1995-2001.
Ở thời kỳ đỉnh cao, lối chơi hoa mỹ, thiên về kỹ thuật và sự khéo léo của chàng tiền vệ tài hoa đã ghi dấu trong hàng triệu trái tim người hâm mộ. Anh từng có cơ hội đọ sức với những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới như David Beckham, Yorke, Ruis Cósta, Roberto Carlos… Ở cuộc thi mang nhiều tính biểu diễn, Hồng Sơn cho thấy kỹ năng cá nhân qua từng phần thi kỹ năng chuyền bóng, tâng bóng cho tới rê dắt bóng.
Trong sự nghiệp của mình, Hồng Sơn sở hữu những thành tích, danh hiệu mà bất cứ cầu thủ nào cũng mơ ước: Quả bóng vàng Việt Nam năm 1998 và 2000, Vua phá lưới giải vô địch bóng đá Việt Nam 1990, Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup 1998, Cầu thủ xuất sắc nhất tháng của châu Á vào tháng 8 năm 1998…
Nội dung: Phạm Hồng Hạnh
Ảnh: NVCC, Sơn Lemis