(Dân trí) - Jean-Noël Poirier tự nhận là "ông Tây gốc Việt", không phải là vị khách quá cảnh, đến Việt Nam vì công việc. Cựu Đại sứ Pháp xem đây là quê hương thứ 2 để gắn bó suốt phần đời còn lại.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, cựu Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier nói tiếng Việt thành thạo. Ông nhiều lần nhắc đến chữ "duyên" và tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất hình chữ S.
Ngài cựu Đại sứ tự nhận "là ông Tây gốc Việt", không phải là vị khách quá cảnh, đến Việt Nam vì công việc. Ông xem nơi đây là quê hương thứ 2 - mảnh đất để gắn bó suốt phần đời còn lại.
Đến Việt Nam lần đầu năm 1989, có tới 9 năm làm việc tại Việt Nam với vai trò Tổng Lãnh sự Pháp tại TPHCM (từ năm 2000 đến 2004) và Đại sứ Pháp tại Việt Nam (giai đoạn 2012 - 2016), Việt Nam trong mắt ông ở hiện tại đã thay đổi thế nào so với lần đầu ông đặt chân đến?
- Tôi đến Việt Nam vào tháng 10/1989 nhân một chuyến công tác cùng đoàn đại biểu Pháp với vai trò là cán bộ ngoại giao. Trước khi đến đây, tôi đã học tiếng Việt trong trường đại học, đọc rất nhiều sách về đất nước của các bạn. Tôi luôn tò mò và mong muốn một lần được đến đây, tìm hiểu về cuộc sống và con người Việt Nam.
Trong ấn tượng của tôi, Việt Nam khi ấy là một đất nước yên bình, con người thân thiện, cởi mở. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân những năm 90 còn khó khăn. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM - nơi tôi đi qua, có rất ít cửa hàng, quán xá… Buổi đêm thành phố cũng khá vắng vẻ, rất ít ánh đèn.
Thế nhưng hiện tại đã khác…
Tôi ấn tượng với sự thay đổi ngoạn mục của kinh tế Việt Nam. Trước năm 1986, Việt Nam vẫn còn là quốc gia nhập khẩu gạo vì sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau đổi mới, Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Trong 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục. Tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao. Từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Năm 2022, GDP Việt Nam đạt 8,03%, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khủng hoảng hậu Covid-19. Đây là con số rất ấn tượng mà ít nước đạt được.
Liệu đây có phải là lý do ông quyết định ở lại Việt Nam khởi nghiệp sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ? Lựa chọn ở Việt Nam có phải là quyết định "thay đổi cuộc đời ông"?
- Việc lựa chọn ở Việt Nam, với tôi, là một quyết định tự nhiên, như cách người Việt hay nói đó là chữ "duyên". Vợ tôi là người phụ nữ gốc Việt, công tác tại Đại sứ quán Pháp. Sau khi tôi hết nhiệm kỳ, cô ấy vẫn tiếp tục công tác thêm một nhiệm kỳ nữa.
Ngoài ra, tôi đã có quãng thời gian dài gắn bó với con người và văn hóa Việt Nam. Ở Hà Nội mỗi ngày đều cho tôi cảm giác như mình đang ở nhà. Thành phố này có sự cổ kính của những tòa biệt thự Pháp cổ, sự rêu phong hoài niệm của những căn tập thể cũ… Tất cả đều cho tôi thấy sự thân thuộc, gần gũi.
Ngoài những lý do cá nhân, đúng như bạn nói, tôi chọn ở lại Việt Nam khởi nghiệp bởi tôi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế rất nhanh trên tất cả lĩnh vực. Tôi muốn mình là một phần trong sự phát triển này.
Thời kỳ tôi làm Đại sứ Pháp, rất nhiều doanh nghiệp của Pháp nói riêng và ở châu Âu nói chung muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào?
Tôi thấy mình có thể giúp các công ty nước ngoài tìm hiểu các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam, giúp họ hiểu biết về văn hóa, tình hình kinh tế, các điểm mạnh, rủi ro… khi đầu tư vào đất nước các bạn.
Đó là lý do sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi quyết định thành lập một công ty cố vấn tại Hà Nội. Doanh nghiệp của tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn các công ty nước ngoài về các thủ tục, quy trình, lĩnh vực mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam, và ngược lại chúng tôi cũng giúp các công ty Việt Nam đầu tư hoặc tìm đối tác phù hợp ở nước ngoài.
Thế còn biệt danh "ngài Đại sứ giặt là" đến từ đâu, thưa ông?
- Ngoài công ty cố vấn, hiện tại tôi cũng mở một thương hiệu giặt là với 3 cửa hàng ở Hà Nội. Chính vì thế, mọi người hay nói đùa tôi là "ngài Đại sứ giặt là".
Tôi rất thích biệt danh này (cười).
Việc khởi nghiệp tại Hà Nội là một trải nghiệm cụ thể của tôi về kinh tế, thương mại, dịch vụ ở Việt Nam và giúp tôi thay đổi rất nhiều.
Ý tưởng này, tôi có từ lâu rồi. Trước đây, khi làm đại sứ, mỗi ngày tôi đều phải mặc comple và luôn phải tìm chỗ giặt là. Tuy nhiên, ở Hà Nội, dịch vụ này chưa nhiều nơi đạt đến độ "cao cấp" như ở châu Âu.
Người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, rất quan tâm, đầu tư trang phục. Họ mặc trang phục hàng hiệu, đắt tiền nhưng khi giặt là đều phải mang đến khách sạn 5 sao.
Tôi nhận ra, phải có một thương hiệu giặt là riêng, một dịch vụ cao cấp phục vụ cho tệp khách hàng này. Vậy là tôi mở chuỗi cửa hàng giặt là.
Hiện tại, sau thời gian "dương tính" với Covid-19, "trộm vía" là chuỗi giặt là đã có nhiều khách quen, công việc kinh doanh cũng có chút lãi rồi.
Việc là đại sứ và chủ doanh nghiệp khác nhau nhiều không, thưa ông?
- Tất nhiên, thay đổi vị trí từ đại sứ thành doanh nhân, có rất nhiều khó khăn và khác biệt.
Trước đây, khi là Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhiệm vụ của tôi không phải kiếm tiền mà là đại diện gương mặt cho một đất nước. Nếu làm không tốt, tôi có thể bị điều chuyển về Pháp làm việc cho một văn phòng nào đó nhưng không bao giờ lo… "lỗ, lãi", không phải tự bỏ tiền túi của mình ra, không phải lo bán gì cả.
Tuy nhiên, khi thành lập công ty, tôi phải làm tất cả công việc, từ xây dựng chiến lược kinh doanh, tầm nhìn… Một ngày mở mắt ra, nếu làm không tốt, tôi sẽ phải đau đầu bù lỗ bằng tiền túi của mình.
Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện nay? Khởi nghiệp ở Việt Nam, ông thấy đây có phải là nơi "đất lành" cho các doanh nghiệp?
- Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn và thú vị đối với doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Nhiều chủ doanh nghiệp phản hồi với tôi rằng, họ nhìn thấy Việt Nam là môi trường kinh doanh tiềm năng, năng động và phát triển nhanh.
Sự thay đổi lớn nhất tôi nhìn thấy trong 10 năm qua chính là chất lượng giáo dục, đào tạo nhân sự của Việt Nam.
Trước đây, khi tuyển dụng, các công ty nước ngoài gần như phải đào tạo lại nhân viên từ A-Z. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Những người trẻ ngày nay được giáo dục tốt hơn rất nhiều. Họ giỏi tiếng Anh, biết nhiều kỹ năng và cũng rất chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi. Các chủ doanh nghiệp nước ngoài rất khen nhân viên Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện hết sức có thể. Đây là điểm sáng, thuận lợi cho các công ty muốn khởi nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dù bạn ở bất cứ đâu thì cũng không có gì là tự nhiên, dễ dàng. Sự khác biệt về văn hóa chính là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là các doanh nghiệp ở châu Âu khi đến Việt Nam đầu tư. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện cũng rất cạnh tranh nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì việc thành công cũng sẽ khó khăn hơn.
Sống và làm việc tại Việt Nam hơn 30 năm, ông từng dùng chữ "hữu duyên" khi nói về sự gắn bó của mình với Hà Nội và Việt Nam - nơi ông coi như gia đình thứ hai của mình. Điều gì khiến ông yêu Hà Nội, yêu Việt Nam đến vậy?
- Ngay khi đến Hà Nội để đảm nhận công việc đại sứ vào tháng 7/2012, tôi đã có cảm giác thân thuộc như được "trở về nhà". Sự kỳ diệu của thành phố này ở chỗ, mỗi ngày đều cho tôi cảm giác như mình đang ở cả Pháp và Việt Nam.
Hà Nội hiện đại nhưng vẫn còn giữ được sự cổ kính. Tôi đã tự mình đi xe máy, để lang thang và khám phá khắp các ngõ ngách của thành phố. Tôi thích cảm giác được hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt, nhiều năng lượng ở đây.
Tôi thích cách người Hà Nội bắt đầu một ngày mới đầy nhịp điệu. Trên đường phố, đâu đâu bạn cũng bắt gặp những cụ ông, cụ bà, những nhóm thanh niên nam nữ tập thể dục với những bản nhạc sôi động. Ai nấy đều có chỗ của mình, tất cả đều được chào đón, kể cả những người Hà Nội gốc hay những người từ nơi khác đến mà không có sự phân biệt.
Người Pháp vốn theo chủ nghĩa cá nhân, quen với sự riêng rẽ hơn là các hoạt động theo nhóm. Chính vì thế, tôi cảm thấy rất tuyệt vời với không khí này.
Hà Nội còn giống như một nhà hàng lớn ngoài trời. Nơi bạn có thể thưởng thức một cốc cà phê vỉa hè, ăn một tô phở nóng… và ngắm nhìn dòng người di chuyển nhộn nhịp khắp phố.
Tôi thấy ở Hà Nội "món gì cũng ngon". Từ khi sang đây sinh sống, tôi ăn sáng kiểu Tây, ăn trưa và ăn tối kiểu Việt Nam.
Tôi cũng ấn tượng với những người phụ nữ Việt Nam. Họ không chỉ tràn đầy năng lượng, có đầu óc tổ chức giỏi, thanh lịch, đầy quyến rũ mà còn tốt bụng, có khiếu hài hước. Tôi vẫn hay nói đùa: Ở Việt Nam, phụ nữ làm tất cả, còn nam giới làm nốt phần còn lại.
Hà Nội luôn cho tôi sự mới mẻ, hấp dẫn mỗi ngày. Tôi luôn có cảm giác mình không thể khám phá hết vẻ đẹp và sự bí ẩn của thành phố này.
Ông từng chia sẻ, trong mình có một phần Việt Nam. Vậy ông thấy "phần Việt Nam nhất" trong mình là gì?
- Tôi không phải là một người nước ngoài quá cảnh ở Việt Nam hay đến Việt Nam để làm việc. Tôi là một ông Tây gốc… Việt (cười). Nếu có một người Việt trong gia đình thì đó không ai khác chính là tôi.
Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều khi sống ở Việt Nam nhưng theo hướng tích cực. Tôi học hỏi người Việt sự thân thiện, cởi mở, tốt bụng và cả sự hào phóng nữa. Tôi biết cách lắng nghe hơn, quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn và không còn đề cao lợi ích cá nhân.
Thời điểm tôi bị Covid-19, 17 ngày điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) là những kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời tôi.
Hôm đó là ngày 24/3/2020, tôi bất ngờ khi được nhân viên y tế gõ cửa nhà và thông báo mình là bệnh nhân số 148, phải đi cách ly, điều trị trong đêm. Tôi thực sự đã sốc và lo lắng.
Ngay sau đó, tôi được đưa vào phòng cùng 4 bệnh nhân khác. Các bác sĩ, y tá đã chăm sóc tôi rất tận tình. Họ luôn hỏi thăm tôi xem ngày hôm nay thế nào, sức khỏe ra sao? Tôi thực sự ấn tượng, xúc động với sự chu đáo, hi sinh của các bác sĩ Việt Nam.
Họ làm việc 24/7, không có ngày nghỉ, không trở về nhà mà ăn ngủ cùng bệnh nhân tại bệnh viện.
Nhiều người bạn Việt Nam khi biết tôi bị nhiễm Covid-19 cũng đã rất lo lắng, liên tục gọi điện, hỏi thăm, gửi đồ ăn, quà tặng vào bệnh viện. Tôi đã hồi phục rất nhanh, thậm chí nhờ ăn uống điều độ, tập thể dục mà sau khi xuất viện tôi đã giảm cân, sức khỏe cũng rất tốt.
Những tình cảm nhận được ở Việt Nam đã giúp tôi thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Tôi thực sự biết ơn điều đó!
Mục tiêu Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2021 - 2030 là thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn, đặc biệt là các tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500. Để làm được điều này, Việt Nam cần làm gì thưa ông?
Về phần mình, ông nghĩ mình sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc làm cầu nối, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Pháp, đầu tư vào Việt Nam?
- Cách đây 10 năm khi tôi mới bắt đầu làm Đại sứ Pháp ở Hà Nội, FDI (thu hút vốn đầu tư nước ngoài) của Việt Nam chỉ khoảng 10 tỷ USD. Hiện tại, con số này đã tăng lên, năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD trong đó, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD.
Có thể thấy, Việt Nam đang là hình mẫu thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, nhân sự giỏi…
Việt Nam cũng được đánh giá là một địa chỉ tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Tôi cho rằng, xu hướng đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Công ty của tôi đang hỗ trợ một công ty thủy điện của Pháp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực năng lượng sạch. Chúng tôi sẽ phân tích hồ sơ, tìm hiểu mong muốn của công ty nước ngoài, sau đó cố vấn, tìm đối tác phù hợp tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đề xuất cả chiến lược để thực hiện dự án.
Tôi rất vui vì thời gian qua đã kết nối thành công nhiều dự án. Không chỉ giúp tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi còn giúp các công ty nước ngoài giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải khi kinh doanh ở Việt Nam nếu có.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách để thu hút FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ như: Thủ tục hành chính cần nhanh, gọn hơn, các vấn đề môi trường, xử lý rác thải cũng cần được ưu tiên, quan tâm xem xét.
Nếu như không phải là một Đại sứ Pháp ở Việt Nam, ông có nghĩ mình sẽ đến Việt Nam với một vai trò khác hay không?
- Tôi không biết nữa… nhưng có điều chắc chắn là việc tôi trở thành Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM và Đại sứ Pháp ở Việt Nam không phải là ngẫu nhiên. Tôi đã học tiếng Việt, văn hóa Việt từ năm 23 tuổi và đặt mục tiêu cho mình phải đặt chân đến Việt Nam.
Tôi đã cố gắng, nỗ lực để được bổ nhiệm vị trí trong công việc, hiện thực ước mơ của mình. Tức là khi bạn đã muốn điều gì, thì bạn sẽ làm tất cả, bằng mọi cách để có thể đạt được điều đó.
Với tôi, Việt Nam không chỉ là mảnh đất tôi đến để làm việc mà còn là quê hương thứ 2, là một phần quan trọng trong tôi!
Xin chân thành cảm ơn ông Jean-Noël Poirier về buổi trò chuyện!
Lời tòa soạn: Không phân biệt màu da, tiếng nói, quốc tịch, nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam những năm qua đã gắn bó, yêu thương vùng đất này như chính quê hương của mình.
Với trái tim chân thành, họ đóng góp và cống hiến cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, ẩm thực, đến du lịch, giáo dục, môi trường.
Hơn ai hết, họ luôn coi Việt Nam là nhà, để kể câu chuyện chân thật nhất về đất nước này đến bạn bè quốc tế.
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyến bài Việt Nam là nhà, giới thiệu những người bạn quốc tế âm thầm truyền cảm hứng sống đẹp giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Thực hiện: Hà Trang - Minh Nhân
Thiết kế: Tuấn Huy