(Dân trí) - Chàng trai Đan Mạch đã trải qua những năm tháng thời niên thiếu ở Việt Nam. Khi trưởng thành, anh quyết định quay lại mảnh đất này khởi nghiệp công nghệ, như một cách để nói "cảm ơn Việt Nam".
Sáng cuối tuần, sau lớp học tiếng Việt, Mads Werner, 30 tuổi, CEO một công ty công nghệ tại Hà Nội, có buổi hẹn cà phê với người bạn Việt Nam. Mads nói đã trải nghiệm "sống như người Việt Nam", từ thói quen uống cà phê, trà đá vỉa hè, la cà phố xá, đi xe máy,... suốt 9 năm gắn bó với mảnh đất này.
Cuộc sống tại Hà Nội "không vội được đâu", chàng trai ngoại quốc dần hòa mình vào từng thanh âm đường phố, từng câu chuyện của những người xung quanh.
Từ lúc nào, Mads đã không còn "là một người nước ngoài sống tại Việt Nam". Anh xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai, để gắn bó và sẻ chia.
Trên một website dự án của công ty, có đoạn giới thiệu: "Doanh nhân Mads Werner đã trải qua những năm tháng thời niên thiếu ở Việt Nam, dành tình yêu lớn cho văn hóa và con người trên mảnh đất hình chữ S". Câu chuyện của anh và Việt Nam đã bắt đầu như thế nào?
- Khi tôi còn nhỏ, bố tôi là chuyên gia của một công ty công nghệ Thụy Điển. Nhờ công việc của bố mà gia đình tôi có cơ hội di chuyển khắp châu Á, mỗi nước một vài năm.
Năm 2005, tôi chuyển đến Hà Nội sinh sống và học phần lớn thời trung học tại đây. Đó là thời điểm rất quan trọng trong cuộc đời, tôi cảm thấy may mắn vì có được tình bạn đẹp và thời niên thiếu đầy màu sắc.
Cuộc sống ở Hà Nội đã cho tôi cơ hội hiếm có để hòa mình vào văn hóa bản địa và quan sát nhiều khía cạnh của Việt Nam. Mẹ tôi khi đó làm việc cho một tổ chức thiện nguyện. Thông qua những chuyến đi đồng hành cùng mẹ, tôi mở mang hiểu biết về những vùng đất và con người trên khắp đất nước.
Ngày quay về Đan Mạch để hoàn tất chương trình trung học và lên đại học, tôi tự hứa sẽ quay lại Việt Nam mỗi năm một lần. Và tôi đã làm được điều đó. Tôi cũng thường dẫn những người bạn Đan Mạch về thăm Việt Nam.
Sau tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh - công nghệ, Mads đã làm việc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số ở nhiều đất nước khác nhau. Tại sao anh quyết định quay trở lại Việt Nam để khởi nghiệp vào năm 2018?
- Năm 2018, trong một cuộc hội ngộ với những người bạn ở Hà Nội, chúng tôi đã nảy ra một ý tưởng - một cơ hội kinh doanh táo bạo. Nhận ra được tiềm năng trong việc phát triển công nghệ số tại Việt Nam, chúng tôi đã quyết tâm theo đuổi xa hơn nữa.
6 tuần sau, tôi đưa ra quyết định.
Công ty của chúng tôi sẽ tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp đối tác.
Lần trở lại Việt Nam này cho thấy những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường diễn ra một cách tự nhiên. Như trong tiếng Việt, mọi người thường nói: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Khi đó, tôi đã được hòa mình vào năng lượng của Hà Nội và cảm nhận được tinh thần khởi nghiệp tràn ngập thành phố, mở ra những khả năng vô tận.
Chứng kiến sự phát triển và chuyển đổi ấn tượng của Việt Nam kể từ năm 2005, tôi biết mình không muốn bỏ lỡ cơ hội xây dựng cuộc sống tại đây và phát triển cùng với nó. Điều thực sự thu hút tôi là sự hối hả, tinh thần cần cù và sự cởi mở tràn ngập trong con người nơi đây.
Tôi được truyền cảm hứng khi sống và làm việc tại một đất nước mà hầu hết người trẻ đều có nghề tay trái, hoặc đầu tư, khởi nghiệp kinh doanh theo một cách nào đó. Chắc chắn bạn không thể thấy điều tương tự ở Đan Mạch.
Sau này, mọi người hỏi tôi lý do quay lại Việt Nam. Tôi thường nói rằng có rất nhiều lý do, nhưng một trong số đó, là tình yêu đất nước, con người và thiên nhiên nơi đây.
Với tôi, Việt Nam chính là ngôi nhà thứ hai.
Mads đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam khi đó? Anh nhận thấy tiềm năng, cơ hội kinh tế ra sao cho bản thân khi bắt đầu khởi nghiệp công nghệ?
- Tôi cho rằng Việt Nam với nền kinh tế mở, dòng vốn đầu tư nước ngoài và năng lực xuất khẩu mạnh mẽ, sẽ tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm.
Trong bối cảnh kinh tế sáng lạn ấy, tôi đánh giá rất cao việc Việt Nam coi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là định hướng phát triển chiến lược, bởi đây là xu hướng tất yếu.
Chẳng hạn, ngày càng nhiều doanh nghiệp nội địa cam kết chiến lược "ESG" dài hạn (Environmental Social Governance - bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến tính bền vững).
Trong khi các công ty toàn cầu gia nhập thị trường Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bài học quý báu sau nhiều năm đúc kết, nhờ đó thúc đẩy tính bền vững phủ sóng nền kinh tế Việt Nam.
Nhân lực cũng là nguồn lực quan trọng trong phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc tăng phúc lợi của người lao động và số hóa, điều này giúp mở ra nhiều cơ hội cho sự đổi mới và tăng trưởng. Đây là điểm thuận lợi cho chúng tôi khi chọn khởi nghiệp công nghệ và hợp tác cùng các công ty đối tác có chung tầm nhìn.
Khó khăn và thách thức khi khởi nghiệp tại Việt Nam? Anh đã tìm cách giải những "bài toán khó" như thế nào?
- Tôi nghĩ, không dễ để rạch ròi về những gì thuộc về khó khăn, thách thức giữa việc khởi nghiệp ở Việt Nam so với ở Đan Mạch hay bất cứ quốc gia nào khác.
Lịch sử, lối sống, văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam rất phong phú và độc đáo. Và để thực sự phát triển tại đây, bạn phải học cách thích nghi - đó chính là cách của tôi!
Một khi bạn thích nghi với môi trường nơi đây, bạn sẽ được tôn trọng hơn và có những cơ hội mới. Ngoài ra, khung pháp lý và quy định tại Việt Nam tương đối cởi mở và dễ hiểu, kể cả với người nước ngoài.
Nhiều người nói rằng điều kiện tiên quyết là phải có đối tác Việt Nam mới có thể thành lập công ty. Tuy nhiên tôi đã thấy nhiều người bạn sang Việt Nam không có đối tác Việt Nam vẫn có thể tự mình thành lập công ty.
Để hòa nhập với môi trường làm việc, nhân sự tại Việt Nam, Mads nói đã "sống như người Việt Nam"?
- Hầu hết bạn bè, đồng nghiệp và đối tác của tôi đều là người Việt, vì vậy tôi đoán rằng theo thời gian, tôi đã thích nghi và ngày càng trở nên "Việt Nam" hơn.
Có vô số điều để tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Mỗi tuần, họ lại dạy tôi một điều mới, đặc biệt là cách xưng hô, cách ví von và thói quen vùng miền!
Một trong những điều tâm đắc nhất mà tôi đã làm là nghiên cứu và học tiếng Việt một cách nghiêm túc. Trong công ty, chỉ có mình tôi là người nước ngoài. Tất cả nhân viên giao tiếp tiếng Anh với tôi, nhưng họ lại trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt.
Cách tuyệt vời nhất để thấu hiểu trọn vẹn là qua ngôn ngữ. Sau thời gian nỗ lực, tôi đã có thể hiểu được người Việt nói gì, dù việc phát âm tiếng Việt vẫn là một thử thách đối với tôi.
Ngoài học tiếng Việt, tôi cố gắng tạo môi trường làm việc mà mọi người đều yêu thích công việc và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến công ty. Tôi quan niệm, khi nhân viên của mình hạnh phúc, thì họ mới có thể tạo ra một sản phẩm tốt dành cho người dùng.
Tôi luôn cố gắng xây dựng một công ty làm việc khoa học và cởi mở. Tôi bắt đầu điều đó bằng việc ngồi cùng với các đồng nghiệp thay vì sử dụng phòng riêng. Tôi luôn "mở cửa", cả nghĩa đen và nghĩa bóng, để nhân viên có thể tìm tới mình bất cứ khi nào.
Mọi người được khuyến khích làm việc theo đúng năng lực, linh hoạt và chủ động đề xuất sáng tạo, tìm cách tốt nhất giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, ẩm thực ở đây thật kỳ diệu. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng theo một cách nào đó, tôi đã kết nối nhiều hơn với văn hóa thông qua ẩm thực.
Tôi sống tại Hà Nội, nơi bạn có thể tìm thấy một số món ăn đặc trưng và ngon nhất của Việt Nam, như phở, bún chả,…
Quan điểm của anh trong hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh?
- Tại công ty của tôi có hơn 50 chuyên gia về công nghệ, chúng tôi có chung một từ khóa là "Agile", nghĩa là "linh hoạt, thích ứng", bởi điều đó rất quan trọng trong bối cảnh thị trường có nhịp độ nhanh và thay đổi mỗi ngày.
Nếu biết cách thích nghi linh hoạt, nhạy bén và cởi mở với những ý tưởng mới, cơ hội mới, con người sẽ đóng góp nhiều hơn. Đó chính là triết lý kinh doanh của chúng tôi.
Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tập trung nguồn lực thực hiện các dự án công nghệ hỗ trợ dành cho người lao động, người yếu thế.
Để thực hiện những dự án tại Việt Nam, anh đã "đi sâu" vào đời sống, văn hóa con người nơi đây như thế nào?
- Thật may mắn là tôi tìm được niềm đam mê của mình khi được sống và xây dựng một sự nghiệp ý nghĩa tại Việt Nam. Còn gì tuyệt vời hơn khi những gì mình tạo ra mang đến giá trị tích cực cho những người xung quanh?
Bạn có thể nói rằng niềm đam mê ấy giúp tôi sắp xếp thứ tự ưu tiên một cách hiệu quả và duy trì khao khát được lĩnh hội những điều mới mẻ.
Tại công ty, chúng tôi đang mạo hiểm bước vào một lãnh thổ chưa được khai phá, tạo ra một nhánh mới trên thị trường. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về động lực thị trường và quan trọng nhất là người dùng.
Nhận thức được tầm quan trọng của điều này, tôi cho rằng việc hiểu biết sâu sắc về lối sống và văn hóa của Việt Nam là chìa khóa thành công. Chính nhờ sự hiểu biết này mà chúng tôi thực sự có thể mang đến điều gì đó có sức ảnh hưởng và gây được tiếng vang cho cộng đồng.
Những dự án và kỳ vọng tương lai của anh đối với Việt Nam?
- Hiện tại, tôi là thành viên của Nordcham (Hiệp hội Doanh nghiệp các nước Bắc Âu). Tôi thường xuyên tham gia chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và vận hành công ty tại Việt Nam, giúp kết nối các doanh nghiệp ở Bắc Âu với các đối tác Việt Nam.
Tôi rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững và chất lượng đời sống ở Việt Nam, bởi đó sẽ là nền tảng "bùng nổ" cho lĩnh vực công nghệ trong tương lai.
Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây, tuy nhiên, ngay cả với tất cả sự thay đổi đó, tình cảm của tôi đối với Việt Nam chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn. Hi vọng câu chuyện Việt Nam của tôi sẽ còn được nối tiếp với nhiều kỉ niệm đẹp trong cuộc sống và thành công trong sự nghiệp cùng các cộng sự.
Cảm ơn Mads Werner về buổi trò chuyện thú vị!
Lời tòa soạn: Không phân biệt màu da, tiếng nói, quốc tịch, nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam những năm qua đã gắn bó, yêu thương vùng đất này như chính quê hương của mình.
Với trái tim chân thành, họ đóng góp và cống hiến cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, ẩm thực, đến du lịch, giáo dục, môi trường.
Hơn ai hết, họ luôn coi Việt Nam là nhà, để kể câu chuyện chân thật nhất về đất nước này đến bạn bè quốc tế.
Báo điện tử Dân trí trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyến bài Việt Nam là nhà, giới thiệu những người bạn quốc tế âm thầm truyền cảm hứng sống đẹp giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Bài 5: Cựu Đại sứ Pháp khởi nghiệp ở Hà Nội: Việt Nam là nơi đáng sống!
Nội dung: Minh Nhân
Biên dịch: Nguyễn Thanh Tâm
Ảnh: Minh Nhân, Mạnh Quân
Thiết kế: Thủy Tiên