(Dân trí) - Hơn 4 tháng sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Hà Nội), "người hùng" Phạm Quốc Việt gặp lại bé Tâm Như - người thứ 11 được anh và đồng đội cứu sống.
Hơn 4 tháng sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Hà Nội), "người hùng" Phạm Quốc Việt gặp lại bé Tâm Như - người thứ 11 được anh và đồng đội cứu sống.
Tháng 9/2023, anh Phạm Quốc Việt (37 tuổi) cùng các đội viên Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, tham gia giải cứu 12 người dân trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Nhờ hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản, anh Việt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Dũng cảm.
FAS Angel, viết tắt của First Aid Support Angel - những thiên thần hộ mệnh, sẵn sàng xuất hiện giúp đỡ những người bị nạn đang gặp khó khăn.
Đội được thành lập vào tháng 9/2019 bởi anh Việt, ban đầu chỉ có 5 thành viên. Đến nay, đội có hơn 150 tình nguyện viên, hoạt động tại Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước.
Hơn 4 năm hình thành và phát triển, FAS Angel xác định trọng trách hàng đầu là "không bỏ rơi người bị nạn". Riêng năm 2023, đội đã hỗ trợ, cứu thương hơn 3.000 nạn nhân, mở trạm cứu hộ cung cấp dịch vụ sửa xe, cứu hộ xe tai nạn...
Hơn 4 năm thành lập FAS Angel, 6 năm hoạt động thiện nguyện, vụ việc nào khiến anh ám ảnh nhất?
- Trên chặng đường 6 năm làm cứu hộ, tôi đã chứng kiến không ít vụ việc thương tâm và nhiều nỗi xót xa mang đến sự tiếc nuối cho người hỗ trợ sơ cứu như tôi ở hiện trường.
Trước thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ hồi tháng 9/2023, hơn 290 người bị nạn đã nằm trong vòng tay tôi mà giã từ thế gian. Tôi đã cố cứu họ nhưng bất thành, tôi cũng phần nào hiểu được những phút giây quý báu của cuộc sống hiện tại - những phút giây quý báu để cứu một ai đó thành công.
Tôi luôn tin tưởng một điều: Tôi biết họ sẽ không cảm thấy cô đơn khi ra đi vì có tôi bên cạnh, dù tôi không phải người thân của họ.
Đêm Khương Hạ cũng như vậy. Tôi đã đứng giữa lằn ranh sinh tử của những người sống trong chung cư mini mà nỗ lực tìm kiếm người sống sót.
Khi đến hiện trường, tôi chỉ nghĩ đây là vụ cháy tại một hộ dân thông thường, nhiều nhất là 4-5 người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, nhìn ngọn lửa bao trùm, tôi dặn đồng đội phải chuẩn bị tinh thần vì đây sẽ là một cú sốc lớn.
Khi đám cháy tạm thời được khống chế, tôi được lệnh cùng 4 người lính cứu hỏa đầu tiên trinh sát hiện trường.
Tôi dùng máy đo nồng độ oxy trong máu kẹp vào ngón tay từng nạn nhân, cúi sát mặt cố tìm kiếm hơi thở của từng người. Dù là một dấu hiệu hơi thở nhỏ nhoi cũng là dấu hiệu của một sự sống vẫn có thể cứu.
Có người đã tử nạn, có người vừa trút hơi thở, có người được tôi và anh em nỗ lực hồi sức tim phổi suốt chặng đường từ hiện trường đến bệnh viện, nhưng cũng có người đã vượt qua và ở lại với chúng ta.
Sau 8 tiếng tại hiện trường, tôi kết thúc quá trình tìm kiếm và cứu hộ. Đó là một trong những khoảnh khắc của cuộc đời cứu hộ mà tôi không bao giờ quên. Có khi cả một đời người chỉ trải qua một lần duy nhất này, đó là một trong những dấu ấn có những cảm xúc lẫn lộn.
Tôi về nhà, gột rửa hết ký ức đau buồn đeo bám trên cơ thể. Lúc một mình, tôi đã cho phép bản thân yếu đuối, khóc nức nở trong phòng tắm vì quá thương các nạn nhân. Suốt một tháng, tôi bị ám ảnh tâm lý nặng nề.
Vụ cháy Khương Hạ đã để lại cho xã hội sự đau thương mất mát lớn lao, nhưng cũng để lại cho chúng ta những lời nhắc nhở, những bài học về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn nơi sinh sống, sinh hoạt của từng hộ gia đình, từng cá nhân.
Anh đã vượt qua ám ảnh tâm lý như thế nào?
- Nhiều lần tôi tự hỏi 12 nạn nhân được cứu sống hiện như thế nào? Tôi không cần những lời cảm ơn, chỉ muốn biết họ đã ổn chưa, liệu đã vượt qua được những đau thương, mất mát để bắt đầu cuộc sống mới?
Ngoài việc hỗ trợ họ về mặt tâm lý, tôi cũng muốn được các nạn nhân giúp đỡ vượt qua cú sốc này. Chỉ đơn giản một buổi trò chuyện, họ nói "Chúng tôi đã ổn", cũng giúp tôi vững vàng hơn.
Sau sự việc, tôi nhận ra bản thân đã quá chú tâm vào sự đau thương của các nạn nhân. Tôi đã cố động viên mình, nhưng mãi không thoát khỏi vòng xoáy đó, mãi đến ngày có người lạ nhắn tin cho tôi.
Đó là chị Hồng, sống tại căn hộ 702.
Tôi đã cõng con trai chị và hướng dẫn cả gia đình xuống tầng một an toàn. Chỉ một lời cảm ơn của chị Hồng đã khiến tôi xúc động. Tôi biết chị ấy đang cố nói cảm ơn với ân nhân của mình. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và "bóng ma" ám ảnh dần biến mất.
Ngày 20/1, tôi gặp lại "người số 11" Lê Tâm Như (14 tuổi) - bé gái không may mồ côi cha mẹ, mất em trai, được gia đình chị Hồng kéo vào căn hộ 702 trú ẩn trong đêm hỏa hoạn.
Tôi cõng con trai chị Hồng trên vai và hướng dẫn hai bé gái bám vào lưng áo chị. Bé Như và con gái chị Hồng lấy tay che mũi miệng và chạy theo phía sau chị.
"Các cháu hãy nhắm mắt lại khi di chuyển, bám vào chú rồi chúng ta đi, chú bảo cháu bước sang trái thì bước sang trái, bước sang phải thì hãy sang phải. Hãy tin và nghe chú, đi nào, dưới đó chính là sự sống", tôi nói.
Tôi nghĩ rằng trong đêm tối đó, Tâm Như không nhớ mặt tôi. Vậy mà hôm gặp được nhau, cháu đã rất mừng rỡ và nhận ra tôi.
Cháu nói lời cảm ơn, còn tôi cười vui vẻ mà nói "đêm đó cháu đã nói cảm ơn chú rồi. Vì đêm ấy cháu đã tin chú nhắm mắt mà bước theo những gì chú ra khẩu lệnh".
Tôi biết cuộc sống của Tâm Như vừa trải qua một nỗi đau lớn, nhưng khi gặp cháu, tôi đã thấy nghị lực của bé rất lớn lao.
Và tôi tin, chúng tôi sẽ cùng vượt qua tất cả.
Tết năm nay có gì đặc biệt với anh?
- Tết năm nay hay mọi năm với tôi vẫn vậy. 6 năm cứu hộ là 6 năm tôi đón Tết ở Hà Nội. Các tình nguyện viên về quê đón Tết, tôi và một vài anh em trực chiến ở thủ đô.
Tôi nghĩ các tình nguyện viên đã gắn bó với tôi và FAS Angel suốt một năm, cuối năm là lúc họ về nhà đón Tết với gia đình. Còn tôi nên ở lại. Đây là thời điểm lực lượng mỏng nhất, nếu tôi nghỉ, nhỡ may xảy ra sự cố thì sao?
Tôi sẽ tranh thủ về quê Nam Định vào sáng mùng 1 Tết để chúc Tết gia đình và người thân. Đêm mùng 1, tôi đã có mặt ở Hà Nội và bắt đầu ca trực của mình. Hà Nội về đêm là những khung cảnh đẹp nhất, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Khi tôi nhìn thấy Hà Nội yên bình vào những ngày Tết, lòng tôi cũng bình yên theo. Khi tôi nhìn thấy Hà nội xô bồ, chen chúc trong những ngày đi làm đầu năm mới, tôi cảm nhận sự tấp nập xen lẫn lo lắng.
Đó là những điều tôi đã trải nghiệm trong suốt 6 năm đón Tết ở Hà Nội.
6 năm trực Tết ở Hà Nội không được gần gia đình, anh có kỷ niệm gì đặc biệt?
- Đêm giao thừa cách đây 4 năm, tôi sơ cứu giúp 2 cô gái xây xát nhẹ do ngã xe. Tôi giúp họ đẩy xe về phòng trọ, rồi ba anh em cùng uống rượu vang đón năm mới. Cũng từ đó, họ gọi tôi là "anh".
Dạo vòng quanh Hà Nội những ngày Tết, tôi cảm nhận tuyệt đối sự bình yên của thành phố này. Lúc đó, Hà Nội quay về dáng vẻ hào hoa vốn có. Nếu là nhạc sĩ hay nhà thơ, tôi đã có thể sáng tác những ca khúc, bài thơ về khung cảnh đó.
Một, hai rồi 6 năm gắn bó với Hà Nội, tôi chỉ chờ đến ngày Tết để nhìn thấy một thành phố thật khác biệt.
Trong những năm hoạt động cùng FAS Angel, thành tựu lớn nhất anh đã đạt được là gì?
- Trong 6 năm hoạt động với trái tim thiện nguyện giúp đỡ những người không may gặp nạn, tôi nghĩ thành tựu lớn nhất là đã chọn đúng đối tượng giúp đỡ.
Chẳng ai muốn mình gặp nạn và tôi đã quyết định chọn hành động khó khăn nhất, là chọn người không may trở thành nạn nhân để giúp đỡ.
Tôi tin tưởng rằng khi bạn được cứu, thì sau này một ngày nào đó thấy người gặp nạn, bạn cũng sẽ cứu những người khác như bạn đã được cứu. Tôi không muốn bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như tôi năm 2016 - bị bỏ rơi giữa đường sau tai nạn.
Vào cơn mưa rét của một buổi tối tháng 11, tôi cảm nhận được rõ sự sợ hãi, đau đớn của một nạn nhân như thế nào. Tôi quyết định dùng giây phút mình bị bỏ rơi khi bị tai nạn để chống lại sự bỏ rơi cho những người khác.
Tôi tham gia cứu hộ với tiêu chí không bao giờ bỏ rơi người gặp nạn. Cũng từ đó, tôi thấy xã hội có những người sẵn sàng cứu giúp những người khác.
FAS Angel đã ra đời như thế, với nguyên tắc hoạt động 5 không: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không kết án. Đây là cam kết mà tất cả thành viên của đội đã thống nhất và tuân thủ thống nhất, chặt chẽ.
Các thành viên trong đội hầu hết đều có công việc hàng ngày. Họ là những y sĩ, thợ sửa xe máy, nhân viên văn phòng, xe ôm, người giao hàng… Khi nhận thông tin tai nạn, hình ảnh, vị trí, chúng tôi sẽ cử tình nguyện viên gần khu vực đến hiện trường để hỗ trợ nạn nhân.
12 điểm trực khắp Hà Nội hoạt động đều đặn từ 21h đến 1h sáng hôm sau.
Những cuộc điện thoại đêm là những cuộc điện thoại không ai muốn nhận nhất, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng. Chỉ cần một tin nhắn, tôi đang ngủ vẫn sẽ tỉnh dậy để rà soát thông tin. Từ trước đến nay, tôi không bỏ lỡ bất cứ thông tin nào.
Sau 6 năm, tôi cảm thấy mình thực sự đã được sống như một người có ích. Chúng tôi không sống vì những lời cảm ơn, mà sống vì mục tiêu coi nạn nhân như người thân của mình để giúp đỡ.
Kế hoạch năm mới của anh và FAS Angel?
- Trong năm 2024, chúng tôi sẽ nghiên cứu sản phẩm túi sơ cứu cá nhân, đồng thời đẩy mạnh tập huấn cho các tình nguyện viên tại các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định.
Tầm nhìn của FAS Angel sẽ kéo dài từ thế hệ này, mang đến những giá trị tích cực cho các thế hệ sau. Đó là điều mà tôi mong muốn nhất.
Tôi sẽ gắn bó với FAS Angel đến khi không còn sức nữa. Tôi đã không còn sợ cái chết, bởi tôi tin rằng bên kia có nhiều người đợi và đón tôi.
Lúc ấy, các đồng đội sẽ tiếp tục hành trình của tôi - hành trình cứu sống những người không may gặp nạn để "không ai bị bỏ rơi phía sau".