DNews

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - 21 năm từ ngày vụ cuồng ghen bằng bom thư, mất đi đôi mắt và khả năng nghe, cuộc sống của Nguyễn Văn Thơ giờ chỉ còn một mảng tăm tối.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư

Ký ức kinh hoàng

5h, anh Nguyễn Văn Thơ (37 tuổi) cùng mẹ - bà Nguyễn Thị Sính (69 tuổi), vội vã bắt taxi từ thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đến Bệnh viện Bạch Mai để tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Hơn 1 tiếng đi xe, mẹ con anh có mặt tại tầng 3, khu vực khám nội tiết của  khoa Khám bệnh. Thấy mẹ con anh Thơ bước vào, y tá quen mặt, ưu tiên cho số trước. Mắt không nhìn thấy, anh Thơ tựa vào vai mẹ, lò dò tìm đến ghế chờ gọi tên.

"Mỗi lần đến lịch khám, hai mẹ con đều không ngủ được, 2h đã thức giấc, 5h lên xe đi, sợ đến muộn phải chờ lâu", bà Sính nói. Con trai không nhìn thấy cũng nghe không rõ bà Sính phải để ý liên tục, chỉ sợ qua mất số khám của con. Sau 20 phút chờ đợi, cũng đến lượt anh Thơ vào khám. Thực hiện xong các loại xét nghiệm, bác sĩ hẹn 10h có kết quả, hai mẹ con lại dắt nhau ra ghế ngồi chờ.

Anh Thơ cùng mẹ ngồi lặng lẽ giữa hành lang đông người. Tiếng nói cười rôm rả vang lên khắp nơi, nhưng với anh, tất cả chỉ là những âm thanh ù ù như gió thổi qua tai. Đã không nhớ nổi bao nhiêu lần mình ngồi ở đây, chỉ biết rằng mỗi lần tái khám là một lần ký ức kinh hoàng trong anh sống lại.

"Vậy mà đã 21 năm trôi qua," anh lẩm bẩm, đôi tay run run khi nhắc về ngày định mệnh   nhấn chìm cả cuộc đời anh vào bóng tối, biến một chàng trai khỏe mạnh thành người tàn tật, mang trong mình đủ loại bệnh tật.

Ngày ấy, anh Nguyễn Văn Thơ chỉ mới 16 tuổi, vừa thi đỗ vào trường THPT Sóc Sơn. Vì nhà xa trường, bố mẹ anh quyết định cho con trai thuê trọ tại nhà họ hàng, anh N.V.V., ở xã Tiên Dược, chỉ về nhà vào cuối tuần.

Trưa ngày 31/10/2003, một đôi nam nữ đến nhà anh V. gửi lại một hộp quà, bên trong có chiếc đài radio và một mẩu giấy nhỏ với dòng chữ: "Nhờ anh V. sửa giúp, mai lấy ngay". Đến 18h, khi hộp quà vẫn nằm trên bàn mà anh V. lại không có nhà, em trai anh V. tò mò mở ra định xem giúp. Ngay khoảnh khắc đó, một tiếng nổ lớn vang lên, chấn động cả khu vực.

Nghe tiếng nổ, hàng xóm vội vàng chạy tới và bàng hoàng trước khung cảnh kinh hoàng: Em trai, vợ và con gái 2 tháng tuổi của anh V. tử vong tại chỗ. Khi tìm kiếm quanh nhà, họ phát hiện Nguyễn Văn Thơ nằm bất động, máu chảy khắp người, cách hiện trường không xa.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư - 1

Mỗi tháng anh Thơ đến bệnh viện thăm khám một lần (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Lúc này, tại nhà ở Sóc Sơn, bà Sính vừa ăn cơm tối xong thì hàng xóm hoảng hốt chạy sang báo tin dữ: "Thằng Thơ đang cấp cứu, nhà bị nổ rồi".

Chân tay bà Sính bủn rủn, đứng không vững. Cả gia đình vội chạy lên khu nhà trọ. Nhìn thấy em trai anh V. ngồi chết trước cửa nhà, bà Sính ngất tại chỗ phải đưa đi cấp cứu. Tối hôm ấy Thơ được đưa lên viện Xanh Pôn.

Qua điều tra, công an xác định vụ nổ bắt nguồn từ mối quan hệ tình cảm đổ vỡ giữa L.T.K.L. (44 tuổi, quê Thái Nguyên) và anh V.. Sau khi anh V. kết hôn, L. quen N.M.H. (sinh năm 1971, quê Thái Bình). Một lần nghe người yêu tâm sự, H. nổi cơn ghen, cho rằng anh V. dùng lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm L., nên quyết định trả thù. Biết cách chế tạo thuốc nổ, H. làm một quả bom giấu trong chiếc radio và gửi đến nhà anh V..

Tháng 6/2004, TAND Hà Nội tuyên án tử hình với H. vì tội Giết người và chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ, còn L. nhận án chung thân.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư - 2

Hai mẹ con anh Thơ sống dựa vào mấy sào ruộng, con bò và tiền trợ cấp xã hội (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Tàn tật vì bị đánh ghen oan

14 ngày sau vụ nổ, Thơ tỉnh lại từ cơn hôn mê sâu, đôi mắt nhắm tịt không thể mở, toàn thân không thể cử động được, chỉ nghe thấy tiếng ù ù.

"Lúc ấy tôi sợ lắm, liên tục hỏi mẹ mình bị làm sao", anh Thơ kể lại. Bà Sính đưa tay nắm lấy tay con, ánh mắt nhìn xa xăm, trầm buồn.

Bà ôm chặt con trong lòng, nhẹ giọng an ủi "con không sao". Vụ nổ lần đó khiến Thơ chịu thương tật 94%, nát 2 mắt, bác sĩ buộc phải khoét cả 2 mắt khâu tịt lại. Không chỉ đôi mắt, tai trái của chàng trai lớp 10 năm ấy cũng không còn nghe được.

Nhìn cậu con trai từng chạy nhảy, nô đùa, giờ nằm bất động, vợ chồng bà Sính quyết định bán hết trâu bò, vay nợ lãi để cứu con, chỉ mong anh Thơ được sống. Cứu được con, họ gánh trên vai khoản nợ lớn, nhưng nỗi đau lớn nhất là cậu con trai lành lặn không bao giờ có lại được nữa.

Khi nhận ra mình vĩnh viễn mất đi ánh sáng, anh Thơ chìm trong bóng tối của tuyệt vọng. Trở về nhà, anh nhốt mình trong căn phòng kín, sợ hãi trước mọi âm thanh lớn. Tiếng sấm, tiếng máy cưa gỗ đều khiến anh co rúm người, la hét trong hoảng loạn.

Ngôi nhà từng thân thuộc giờ trở nên xa lạ. Không còn định hướng, anh vấp ngã liên tục, phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác. Những lúc bất lực, anh không ngừng nghĩ đến cái chết. "Hãy để con chết đi", anh từng cầu xin bố mẹ. Nghe con nói, bà Sính đau thắt lòng, ôm chặt anh.

Vì thương bố mẹ già, Nguyễn Văn Thơ quyết tâm sống tiếp, chấp nhận bóng tối và học cách thích nghi dưới sự chỉ dạy của mẹ. Nhưng đêm về, anh không kìm được nước mắt khi nghĩ về số phận bất hạnh của mình.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư - 3

21 năm, bà Sính vẫn không thể quên ngày 31/10/2003 đã cướp đi đứa con trai lành lặn, khỏe mạnh của bà (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Tai nạn của con chưa kịp nguôi ngoai, 3 năm sau, bà Nguyễn Thị Sính lại nhận tin dữ: Chồng bà mắc ung thư vòm họng. Để có tiền chữa bệnh cho chồng và con, bà Sính cày thuê cuốc mướn, ngày nào rảnh lại đạp xe xuống Đồng Kỵ (Bắc Ninh) từ sáng sớm đến tối khuya đánh giấy ráp gỗ để có tiền lo cho gia đình.

Năm 2011, Thơ xin đi học chữ nổi tại Hội Người Mù huyện Sóc Sơn để bắt đầu lại. Năm 2012, sau 9 năm chỉ quanh quẩn trong nhà, anh quyết định học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hà Nội, và hoàn thành chương trình lớp 12 chỉ bằng hai buổi học cuối tuần.

Tốt nghiệp cấp 3, Thơ từng muốn thi đại học nhưng gác lại vì chi phí đắt đỏ và thương bố mẹ già yếu, bệnh tật. 

"Giờ tôi chẳng làm được gì, mắt không thấy, tai không nghe, chỉ quanh quẩn ở nhà", anh Thơ nói.

Năm 2015, căn bệnh ung thư cướp đi người cha, ba chị gái lần lượt lập gia đình, anh Thơ nương tựa vào mẹ già. Sức khỏe của anh ngày càng sa sút, nhập viện liên tục vì di chứng vụ nổ bom cách đây 21 năm.

Tháng 12/2020, sau cơn đau đầu dai dẳng, anh được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán anh mắc hàng loạt bệnh: Vôi hóa màng nhĩ, viêm mũi, trào ngược mũi họng, suy amidan mãn tính, gan nhiễm mỡ, huyết áp thấp…

"Bác sĩ bảo tôi chỉ có thể sống chung với bệnh. Tệ nhất là sẽ mất hoàn toàn thính giác, dù phẫu thuật hay đeo máy trợ thính cũng không cải thiện được", anh Thơ buồn bã nói. Hiện tại, tai trái anh điếc hẳn, tai phải chỉ nghe được 10-15%. "Phải ngồi sát và nói to, tôi mới nghe được", anh Thơ nói.

Mỗi khi nhà có khách hay anh chị đến chơi, tiếng nói cười chỉ là những âm thanh mơ hồ. Ngồi giữa mọi người, anh cảm thấy mình lạc lõng, như một người thừa.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư - 4

21 năm sau vụ đánh ghen bằng bom, anh Thơ mù lòa vĩnh viễn, hai tai mất dần khả năng nghe, sống dựa mẹ già (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Năm 2022, anh Thơ phải đối mặt với một biến cố khác. Do không nhìn thấy, trong lúc lên xuống bậc thềm, anh trượt ngã mạnh xuống sàn. "Lúc đó đau lắm, nhưng nghĩ chỉ đau qua loa nên tôi không đi khám", anh nhớ lại. Mãi vài tháng sau, phần thân dưới đau dữ dội, anh mới đi khám, nhưng qua nhiều viện vẫn không hết bệnh. Cho đến khi tới Bệnh viện Bạch Mai mới biết bị viêm khớp háng do cú ngã, thoái hóa khớp, suy tuyến yên,...

Sau đợt điều trị, anh phải sống phụ thuộc vào thuốc để duy trì sức khỏe, mỗi tháng đến viện kiểm tra và lấy thuốc. Dù có bảo hiểm, chi phí đi lại cùng các loại thuốc ngoài danh mục vẫn ngốn hàng triệu đồng mỗi tháng.

Hai mẹ con chỉ biết trông vào hơn 2 sào ruộng, một con bò, và khoản trợ cấp 1 triệu đồng/tháng. Nhiều lúc, anh muốn bỏ điều trị, bà Sính động viên: "Còn nước còn tát". Người mẹ gắng gượng vay vốn ngân hàng, chờ bán được bò con để trả nợ.

Thương mẹ, anh Thơ cố gắng vượt qua rào cản tâm lý, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Để kiểm soát bệnh, anh phải kiêng khem nghiêm ngặt, chỉ dám ăn chút tinh bột vào bữa sáng, hai bữa còn lại là chút rau và thịt. Từ chàng trai 52kg, anh gầy rộc còn 45kg.

Điều duy nhất an ủi cuộc sống của hai mẹ con anh Thơ bây giờ là người chị cả cho con trai sang ở cùng bà và cậu. Người cháu trai sống cùng anh và bà Sính từ nhỏ nên rất thương bà và cậu, hàng ngày ngoài lúc lên lớp đều ở nhà phụ bà chăm cậu.

Hai năm trước, nhà cửa dột nát, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, anh rể và chị gái lại lấy tiền tiết kiệm cất cho mẹ con anh căn nhà.

"Nhà cũ dột nát, mẹ con tôi cũng chẳng có tiền xây sửa. Anh chị có chút vốn nên xây cho cái nhà, sau này tôi và mẹ yếu, mất đi thì sẽ để lại cho các cháu", anh Thơ nói.

Cuộc sống của chàng trai Hà Nội sau 21 năm bị đánh ghen oan bằng bom thư - 5

Từ ngày con trai mù lòa bà Sính trở thành đôi mắt của anh Thơ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

"Nguyễn Văn Thơ nhận kết quả", tiếng nói bác sĩ vang lên cắt đi mạch suy nghĩ của mẹ con anh Thơ về cuộc sống mấy năm qua. Bà Sính chạy vội vào nhận kết quả. May mắn nhờ ăn uống kiêng khem chỉ số đường huyết của anh ổn định, bác sĩ tiếp tục kê thuốc cho về uống. Bà Sính mừng vì bệnh con trai không tái nặng.

"4 năm nay đi viện suốt, người thằng Thơ có cả chục thứ bệnh, giờ nó sống bằng thuốc, không nặng lên là mình mừng lắm rồi, chỉ sợ lại ra thêm vài thứ bệnh thì chỉ có nước …", bà Sính thở dài, câu nói cuối bỏ lửng, đặt tay con lên vai, dò dẫm từng bước xuống cầu thang đi nhận thuốc.

Anh Nguyễn Quốc Huy, trưởng thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chia sẻ anh Thơ là nạn nhân oan của một vụ đánh ghen, dẫn đến mù lòa, điếc tai và mắc nhiều bệnh tật phải ra vào viện liên tục. Hiện tại, anh Thơ sống cùng mẹ già và một người cháu trong thôn.

Bà Sính ngày ngày chăn bò, làm ruộng để lo cho gia đình, trong khi anh Thơ sức khỏe quá yếu, không thể lao động, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.