Con trai bị người lớn tát đau điếng, bà mẹ ở Hà Nội rút ra một kinh nghiệm

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, trong tất cả các vụ xung đột, người lớn nên hành xử văn minh. Trước một đống lửa thì phải dội nước để dập tắt chứ không phải thổi bùng lên.

Khi cha mẹ sẵn sàng "động thủ" để bảo vệ con

Ở gần nhà có một công viên khá rộng nên cuối mỗi buổi chiều, chị Trần Thị Linh (tên đã thay đổi, Hà Nội) thường cùng Thành, con trai học lớp 5 ra công viên. Trong khi chị chạy bộ, Thành sẽ vận động hoặc tự chơi ở khu vui chơi dành cho trẻ em.

Một lần, chị Linh chạy được khoảng 20 phút về gần tới vị trí Thành đang chơi thì nhìn thấy con đang đứng trước mặt một người đàn ông khá cao lớn.

Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì chị đã thấy con trai bị người đàn ông kia tát mạnh một cái. Hành động bất ngờ khiến mọi người xung quanh không kịp can ngăn. Người đàn ông sau đó kéo đứa trẻ đứng cạnh hùng hổ bước đi. 

Câu chuyện trên được Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên là giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội kể lại với phóng viên Dân trí khi chia sẻ về việc bố mẹ nên làm gì khi con không may bị bắt nạt.

Theo chị Hương, lần đó chị tình cờ chứng kiến tình huống của mẹ con chị Linh. Người mẹ bối rối không biết nên làm thế nào thì đúng thời điểm ấy chị cũng có mặt ở đó và đã kịp thời đưa ra lời khuyên phù hợp cho người mẹ.

Chị Linh sau đó đã tìm được số điện thoại của người đàn ông đã đánh con mình và hỏi han cho rõ sự tình. Về phía mình, chị cũng hỏi con trai nguyên nhân khiến đôi bên xảy ra xích mích. 

"Hóa ra, do con trai tôi và con anh ấy có va chạm khi chơi cầu trượt. Vì nghĩ rằng, con tôi đẩy con anh ấy khiến đứa bé sưng trán nên anh ta đã tát con tôi. Sau khi nghe tôi nói lại câu chuyện, anh ta cũng thừa nhận mình nóng nảy và nói lời xin lỗi.

Tôi cũng biết tính con mình. Con rất hiếu động, hay chơi rất mạnh. Nhưng lúc đó, nếu không được chuyên gia tâm lý kìm lại, tôi đã lao theo ăn thua dù không rõ nguyên nhân thế nào", chị Linh nói.

Sau vụ việc người mẹ đã rút ra kinh nghiệm rằng, khi gặp xung đột nếu cố tình dùng vũ lực để giải quyết thì mâu thuẫn sẽ càng lớn.

Vừa qua, vụ việc tương tự cũng xảy ra ở Hà Nội gây xôn xao dư luận. Cụ thể, chiều 16/8, anh Đ. chở 2 con trai 8 tuổi và 6 tuổi đến bể bơi Tây Hồ (số 43B phố Đặng Thai Mai) để học bơi. Khi các cháu bơi, anh Đ. ngồi trên bờ trông con.

Cùng thời điểm này cháu H.A. (9 tuổi) cũng đến bể bơi. Quá trình bơi tại bể nhỏ, người con 8 tuổi của anh Đ. bị H. A đùa nghịch, dìm từ phía sau. Khi đó, A. đã được thầy giáo dạy bơi đã nhắc nhở nên người cha 29 tuổi không ý kiến gì.

Khoảng 15 phút sau, anh Đ. tiếp tục nghe thấy tiếng khóc của con trai 6 tuổi nên chạy đến hỏi thì biết con trai mình bị H. A đẩy ngã.

Con trai bị người lớn tát đau điếng, bà mẹ ở Hà Nội rút ra một kinh nghiệm - 1

Người đàn ông ở Hà Nội dìm bé trai xuống bể bơi gây bức xúc. (Ảnh: Cắt từ clip)

Thương con và bức xúc, đồng thời khi biết H. A đi bơi một mình, anh Đ. đã yêu cầu cháu H. A phải xin lỗi con mình.

Trong lúc bức xúc, anh Đ. đã nhảy xuống bể bơi trẻ em và dùng tay dìm cháu H. A xuống nước vài giây. Sau khi H. A xin lỗi 2 con trai của anh Đ., 3 cháu bé lại chơi với nhau.

Vụ việc lập tức gây tranh cãi với nhiều ý kiến. Một số cho rằng hành động của anh Đ. "có thể thông cảm được" bởi môi trường bể bơi rất nguy hiểm, anh chỉ muốn bảo vệ con.

Tuy nhiên, đa số lại cho rằng, ông bố quá nóng nảy, có nhiều cách ứng xử trong tình huống này.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ nếu không tấn công "trả đũa" đứa trẻ bắt nạt con mình là mình hèn. Quan điểm này là hoàn toàn sai trái, dễ dẫn đến các vụ va chạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo chuyên gia tâm lý này, trong trường hợp thấy có sự xung đột giữa con mình và đứa trẻ khác, việc đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là tách 2 bạn ra, kéo đến khu vực khác, để con tham gia trò chơi khác…

Làm như vậy sẽ tránh được va chạm và bạn trẻ kia cũng thấy được rằng, "đối thủ" của mình có một ông bố ở bên và được bảo vệ bởi người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự việc và có cách ứng xử phù hợp, tránh để con mình ấm ức hoặc tránh để con mình tái diễn hành động không đáng có.

"Trong thực tế, có những đứa trẻ vẫn hành xử rất hung đồ. Khi đó, các bậc phụ huynh có thể có những hành động để bảo vệ con mình nhưng ở mức tự vệ chứ không phải là tấn công, gây tổn thương cho đối phương…

Cụ thể có thể dùng thân mình che chắn cho con, dùng thế võ tự vệ gạt đối phương hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm", chuyên gia này chia sẻ.

Trong trường hợp, phát hiện con mình đã bị đánh hoặc tấn công, các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên thay con đánh lại mà nên đưa con mình đi ra chỗ khác và cần tỏ rõ quan điểm không đồng tình bằng ánh mắt, thái độ nghiêm khắc.

Đứa trẻ kia sẽ hiểu được bản thân mình sai trái, còn bạn kia đang có người bảo vệ nên sẽ dè chừng. Khi có thêm người thì những kẻ định bắt nạt người khác cũng cảm thấy sợ.

"Trong tất cả các vụ xung đột, phụ huynh nên hành xử văn minh, ra dáng người lớn. Trước một đống lửa thì phải dội nước để dập tắt chứ không phải thổi bùng lên", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.

Con trai bị người lớn tát đau điếng, bà mẹ ở Hà Nội rút ra một kinh nghiệm - 2

Cha mẹ, nhà trường nên trang bị cho con những kỹ năng để tránh bị bắt nạt (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Kỹ năng cần dạy trẻ để tránh bị bắt nạt

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ một số kỹ năng để con tránh được những tình huống va chạm hay trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Cụ thể, cha mẹ nên tìm hiểu các lý do khiến con có thể bị bắt nạt hoặc rơi vào xung đột và triệt tiêu các nguy cơ đó để con được an toàn.

"Tôi biết một cậu bé tính rất lành nhưng vì trong lớp có bạn nào bị phạt thì cậu bé lại vỗ tay. Đây là một thói quen của cậu bé. Bố mẹ phải nhìn ra đó có thể là lý do con mình bị đánh mà phân tích, giúp trẻ thay đổi", chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, cha mẹ cần dạy trẻ không nên thể hiện cử chỉ, hành vi, thái độ, lời nói làm phiền đến người khác.

Chẳng hạn như không cố tình chắn lối đi ở nơi công cộng, té nước vào người khác ở bể bơi... Bất cứ sự làm phiền nào cũng có thể bị phạt rất nặng. Nếu không làm phiền người khác, mỗi đứa trẻ sẽ tránh được các xung đột, va chạm.

Khi cảm thấy mình có nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt, hành hung thì trẻ nên lập tức rút lui, trật tự suy nghĩ xem hành động của mình ra sao mà lại khiến đối phương có thái độ như vậy.

Trong trường hợp phụ huynh cảm thấy con mình không phạm sai lầm, không gây phiền hà cho người khác nhưng vì hình dáng, ngoại hình, vì phong cách ăn mặc khác thường… thì cần nhận ra và làm giảm sự khác biệt đó.

Đồng thời, các bố mẹ cũng cần trao đổi với con về những nguy cơ, đặt ra các tình huống, để xem các con phản ứng thế nào, có phù hợp không.

Cha mẹ cũng nên dạy con một vài chiêu tự vệ hoặc cách xoay người, xoay tay để thoát ra khi không may bị tấn công…

"Có rất nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, gần đây nhất là vụ một nam sinh lớp 8 ở Long Biên, Hà Nội bị đánh tới tử vong khi va chạm với một nam sinh khác ở sân bóng rổ… Hậu quả rất đau xót chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ.

Khi con bị bắt nạt, bị đánh, ông bố bà mẹ nào cũng rất nóng tính và xót con. Tuy nhiên, dù có thương con thế nào thì cũng nên bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân sự việc và có ứng xử cho phù hợp, đồng thời trang bị cho con các kỹ năng bảo vệ bản thân để tránh khỏi các tình huống tương tự", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhấn mạnh.