Có nên tiêu hủy 4 con chuột túi được phát hiện ở Cao Bằng?
(Dân trí) - Theo chuyên gia, các cơ quan chức năng cần theo dõi, đánh giá các yếu tố dịch tễ của 4 con chuột túi để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tình hình hiện tại của 4 con chuột túi
Ngày 22/11, ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai), cho biết 4 cá thể chuột túi tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) hiện được nuôi nhốt, cách ly trong khu vực cứu hộ riêng.
Chuồng rộng 150m2, gồm sân chơi và khu vực có mái che, được trang bị thêm máy sưởi để chuột túi tránh rét. Phía ngoài treo tấm bảng "khu vực cách ly, chăm sóc động vật hoang dã", khuyến cáo người dân không lại gần, không cho động vật ăn.
Trung tâm chia làm 2 bữa chính và một bữa phụ buổi tối dành cho chuột túi. Thức ăn gồm cỏ khô (70%) và rau, củ, quả (30%).
"Chúng tôi cách ly chuột túi để theo dõi sức khỏe, kiểm tra xem chúng có mang mầm bệnh nguy hiểm không", Giám đốc Trung tâm nói.
Theo ông Tới, 4 con chuột túi bị các đối tượng buôn lậu vứt lại khi bị kiểm lâm phát hiện, trải qua quá trình vây bắt, vận chuyển, nên ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý.
Sau một tuần được chuyển về trung tâm, chúng dần phục hồi sức khỏe, bắt đầu thích nghi với cuộc sống nuôi, nhốt bán hoang dã.
"Chúng tôi cố gắng giúp chuột túi hòa nhập, sinh sống tốt", ông Tới cho hay.
Có nên tiêu hủy 4 con chuột túi?
Qua giám định loài, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận 4 cá thể trên có tên khoa học là Notamacropus rufogriseus - loài chuột túi lớp thú, không phân bổ ở Việt Nam. Ngoài ra, đây là loài chuột túi không có tên trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm.
Chúng nặng từ 7,6 đến 8,8kg, đều có màu xám, trong đó 3 cá thể đực và một cá thể cái.
Một số chuyên gia đề xuất tiêu hủy 4 cá thể chuột túi, tránh gây nguy hại cho môi trường Việt Nam.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên cho hay đây là lần đầu tiên tiếp nhận các cá thể chuột túi ngoại lai nên trước mắt trung tâm sẽ chăm sóc chúng dựa trên cơ sở các tài liệu công bố.
"Về lâu dài, trung tâm sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, bảo tồn", ông Tới nói.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Aisa) nhận định đây là loài chuột túi lông xám, động vật ngoại lai có thể sống và sinh sản dễ dàng ở Úc, nhưng không có nghĩa về Việt Nam sẽ sống khỏe.
Theo vị đại diện, không nên thả 4 con chuột túi này ra tự nhiên, mà nên đưa về sở thú hoặc vườn thú bán hoang dã (safari) vì chúng mang tính trưng bày.
"Các trung tâm cứu hộ thuộc nhà nước có cơ sở vật chất và nguồn lực hạn hẹp, nếu muốn nuôi dưỡng thì phải nuôi chúng đến cuối đời. Tuy nhiên, trên thực tế, nên ưu tiên nuôi dưỡng loài bản địa, thay vì ngoại lai", đại diện tổ chức cho hay.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cho biết Điều 10, Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hình thức xử lý động vật rừng, có thể tham khảo, áp dụng với 4 cá thể chuột túi.
Theo đó, để xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm:
Thả lại về môi trường tự nhiên; cứu hộ; chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; bán và cuối cùng tiêu hủy.
"Theo tôi, có nhiều biện pháp để xử lý 4 cá thể chuột túi, không nhất thiết tiêu hủy. Các cơ quan chức năng cần đánh giá các yếu tố dịch tễ của chúng để có biện pháp xử lý phù hợp", bà Hà nói.
Chuyên gia phân tích, 4 con chuột túi không phải loài bản địa, nên không được phép thả về môi trường tự nhiên.
Chúng cũng không thuộc diện cứu hộ, do các trung tâm cứu hộ hiện ưu tiên tiếp nhận, cứu hộ những loài động vật bản địa của Việt Nam, với mục tiêu tái thả chúng về tự nhiên sau khi cứu hộ.
"Giải pháp khả thi nhất là chuyển giao chúng cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành", bà Hà nói, lưu ý quá trình chuyển giao phải thận trọng cách ly, kiểm tra dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo sang các động vật khác; các cơ sở tiếp nhận đảm bảo đủ cơ sở, vật chất, kỹ thuật để chăm sóc chúng.
"Biện pháp cuối cùng là tiêu hủy nhân đạo nếu không thể áp dụng các biện pháp trên và các cá thể mang dịch bệnh", chuyên gia nói.
Trước đó, 4 con chuột túi được phát hiện và vây bắt tại ven đường xã Đức Long (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) ngày 8-11/11. Tất cả do nhóm buôn lậu qua biên giới thả ra tự nhiên khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Đến ngày 16/11, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An đã bàn giao các cá thể này cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên để cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn.