Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dù bản thân phải chạy ăn từng bữa nhưng ngày nào chị Đào cũng đưa đón bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Tây Đô, họ gọi đó là "mối tình nghèo".

Hai bà cháu bệnh tật sống nay đây mai đó

Bà Nguyễn Thị Hồng năm nay 59 tuổi, sống cùng đứa cháu nội 10 tuổi là Trương Thanh Quý. Hai bà cháu không có nhà, thuê trọ theo ngày ở các khu nhà trọ cho người nghèo ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh

Chồng bà Hồng đã qua đời, con trai thì mất lúc Quý chưa sinh ra, con dâu giờ cũng biệt tăm, trong nhà chỉ còn một già một trẻ nương tựa vào nhau.

Chưa đến 60 tuổi nhưng vẻ ngoài bà Hồng đã như bà lão 70, da sạm, nhăn nheo, vàng vọt, đi lại từng bước chậm chạp khó nhọc. Bà Hồng có tiền sử ho lao, phổi tổn thương nghiêm trọng, sức khỏe suy kiệt, thường xuyên bị khó thở, có lúc ngất lịm đi.

Không có điều kiện để nằm viện điều trị, ngày ngày bà Hồng đều phải đi tiêm thuốc để duy trì tình trạng sức khỏe, tránh bệnh nặng thêm.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 1

Bà Nguyễn Thị Hồng và cháu nội Trương Thanh Quý.

Bà kể rằng từ bé đến giờ bà chưa từng được ở trong căn nhà nào của riêng mình, cuộc sống là chuỗi ngày thuê trọ, chuyển từ nơi này đi nơi khác liên hồi. Cũng vì nhiều lần chuyển trọ nên mất giấy chứng minh thư lúc nào không hay. Bây giờ bà sống cuộc sống không giấy tùy thân, không tiền bạc, không nhà cửa.

Cũng vì không có tiền thuê theo tháng, bà Hồng chỉ thuê trọ từng ngày, ngày nào còn tiền thì còn chỗ ngủ, hết tiền lại dọn đi, mà kì thực bà cũng không có đồ đạc gì để dọn.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 2

Bé Quý đứng nhìn theo xe chị Đào chở bà Hồng đi chữa bệnh, sau khi bà đi thì bé chỉ lủi thủi ở nhà trọ một mình.

Dù đã 10 tuổi nhưng Quý chưa từng được đến trường, thiếu ăn nên cậu bé bị suy dinh dưỡng nặng, đầu to hơn mình, cơ thể khẳng khiu còi cọc. Hàng ngày, bà Hồng đi bán vé số, còn Quý thì đi ăn xin, hôm nào bà ốm thì Quý đi ăn xin một mình.

Mỗi ngày hai bà cháu đi từ sớm đến tối nhiều lắm cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng. Trả tiền nhà 40 nghìn đồng mỗi ngày, trả tiền thuốc chữa bệnh cho bà Hồng hết hơn trăm nghìn đồng, còn dư lại bao nhiêu thì 2 bà cháu mới có tiền mua đồ ăn.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 3

Chị Đào đứng trước phòng khám chờ bà Hồng như một người đang chờ đợi người thân.

Thức ăn chủ yếu của Quý và bà nội là những đồ xin được hoặc những thứ người ta đưa đến cho. Những ngày không xin được gì thì bà cháu ăn cơm với mắm, thật sang lắm thì mới có bữa cơm với thịt.

Quý rất thương bà, Quý cho biết: "Nhiều đêm đang ngủ ngon, con phải bật dậy xem nội có sao không để con gọi nhờ hàng xóm. Con chỉ ước lớn nhanh để đi làm được tiền chữa bệnh cho nội".

Hai chiếc lá rách vẫn cố gắng giúp đỡ người khốn khó hơn mình

Chị Lê Thị Đào năm nay 41 tuổi, làm nghề chèo đò thuê ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Chồng chị Đào là anh Trần Quốc Tân (43 tuổi) cũng làm tài xế xe ôm ở bến Ninh Kiều. Mùa dịch, không ai đi du lịch nên từ năm ngoái đến nay anh chị làm chẳng đủ ăn, vài tháng gần đây thì hầu như chỉ đến ngồi chờ hết ngày rồi lại về không, chẳng kiếm được đồng nào.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 4

Chồng chạy xe ôm còn vợ chèo đò, hàng ngày vợ chồng chị Đào thường ngồi chờ khách đến hơn 9 giờ đêm mới về nghỉ.

Vợ chồng chị Đào có 2 đứa con trai, đang làm công nhân ở TPHCM. Vốn là dân vạn chài, không có nhà cửa ruộng vườn, vì nghề chài lưới càng lâu càng khó nên vợ chồng chị Đào mới quyết định lên bờ thuê một phòng trọ dưới chân cầu Cần Thơ để ở và đi tìm việc khác.

"Không nghề, không vốn, không giấy tờ cá nhân gì, không ruộng vườn nhà cửa, chỉ có sức lao động thôi nên lên bờ cũng chỉ biết tìm việc tay chân để làm. Dịch dã quá, không có khách, chẳng thu được đồng nào mà tháng nào cũng đóng tiền thuê đò, tiền thuê nhà", chị Đào không giấu diếm hoàn cảnh của gia đình mình.

Chị Đào kể, trong một lần khi đang ngồi ở bến chờ khách thì chị nghe tiếng có đứa trẻ con kêu gào "cứu bà cháu với". Chạy đến thì thấy một bà cụ đã ngất lịm ở ghế đá công viên, chị Đào liền gọi cả chồng đến đưa bà cụ đi khám.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 5

Hình ảnh quen thuộc hàng ngày chị Đào chở bà Hồng đi chích thuốc.

Rồi biết được hoàn cảnh neo đơn của bà Hồng, chị Đào quyết định mỗi ngày dành ra mấy tiếng đồng hồ để đưa bà Hồng đi chữa bệnh.

"Ngày nào tôi làm ra tiền thì tôi mua cho bà cháu ít thức ăn, ngày nào không làm ra thì đành thôi. Tôi không có tiền cho bà, nên chiều chiều tôi tranh thủ sang đưa bà đi tiêm thuốc, đỡ được 50 nghìn đồng tiền mướn xe ôm. Bớt đi một khoản chi là bà cháu có thêm chút tiền ăn, chứ tôi thấy bà cháu phần nhiều là ăn cơm trắng", chị Lê Thị Đào

Mỗi ngày, cứ chừng hơn 4h chiều chị Đào lại đi hơn 5km từ nhà sang chở bà Hồng đi chữa bệnh. Quãng đường từ chỗ bà Hồng ở đến chỗ tiêm thuốc cũng hơn 5km nữa. Bà Hồng vào tiêm thì chị Đào cũng đứng chờ bên ngoài với một vẻ mặt đầy lo lắng giống như con chờ mẹ. Đợi bà Hồng tiêm thuốc xong thì phố cũng đã lên đèn từ bao giờ.

Cô lái đò nghèo khó ngày ngày chở bà bán vé số xa lạ đi chữa bệnh - 6

Bữa cơm đạm bạc của gia đình chị Đào.

Bà Hồng nói rằng cuộc đời bà khổ từ khi mới lọt lòng mẹ, về già thì vừa nghèo, vừa bệnh, Quý là niềm an ủi duy nhất của bà.

"Tôi chẳng mấy khi gặp may, nhưng không biết tại sao lại gặp được chị Đào, không liên quan gì nhau mà chị ấy tốt với tôi như con gái chăm sóc mẹ. Nhiều hôm sáng sớm chị ấy còn vào dọn nhà, nấu cơm cho bà cháu tôi nữa. Nếu nói cảm ơn thì chẳng lời cảm ơn nào nói hết được".

Đưa bà Hồng về xong, chị Đào lại quay ra bến Ninh Kiều tiếp tục công việc của mình. Hai vợ chồng chị Đào ngồi chờ khách cho đến hơn 9 giờ đêm mới về. Mùa dịch ế ẩm, anh chị muốn ráng ngồi chờ cho đến khi phố vắng hẳn người, họa may có ai gọi đò, gọi xe thì còn có thu nhập.

"Mình cũng khổ, nên mình hiểu được người khổ thế nào. Ít nhất thì mình còn được cái sức khỏe, thế là đã hơn được nhiều người rồi. Nên nếu giúp được ai cái gì là phải sẵn sàng giúp", anh Tân nói.