Chuyện thú vị phía sau video hai đứa trẻ gọi hàng xóm là "ông bà nội"
(Dân trí) - Hai đứa trẻ hàng xóm đi học về, thay vì vào nhà mình, chúng sang hàng xóm rồi gọi lớn: "Cháu chào ông bà nội".
Mới đây, đoạn video chưa đầy 1 phút ghi lại khoảnh khắc đáng yêu: Hai đứa trẻ sau giờ tan học, chạy vào nhà hàng xóm gọi lớn: "Con chào ông bà nội!".
Điều khiến nhiều người bất ngờ là theo chia sẻ từ chủ nhân đoạn video - chị Diệu Thúy (30 tuổi, quê Đắk Lắk, hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM) - hai bé không hề có huyết thống gì với gia đình chị. Chúng là con của hàng xóm, sống gần nhà bố mẹ chị.
"Gia đình ấy có ba chị em nhỏ, đều rất ngoan ngoãn, lễ phép và đặc biệt quý mến bố mẹ tôi", chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, hôm đó bố các bé đi làm xa, còn mẹ thì bận gặt lúa, nên gửi con qua nhà ông bà ăn cơm, đi học cùng.
Được ông bà chăm sóc, bỗng một ngày, lũ trẻ nói với bố mẹ chị: "Ước gì ông bà là ông bà nội của con thật". Bố mẹ chị Thúy mỉm cười gật đầu, từ đó chúng gọi ông bà một cách tự nhiên - bằng tiếng gọi thân thương nhất: "Ông bà nội".
Video ghi khoảnh khắc đáng yêu của hai em nhỏ đi học về chào ông bà hàng xóm là ông bà nội (Video: Nhân vật cung cấp).
Chia sẻ với Dân trí, chị Thúy cho biết: "Tôi chỉ đăng video để lưu lại một khoảnh khắc dễ thương trong gia đình. Không ngờ lại được lan tỏa rộng rãi và nhận về hàng chục nghìn lượt tương tác".
Nhiều bình luận thể hiện sự xúc động như: "Những em bé ngoan, những người lớn đáng quý", "Đúng là tình thân không cần huyết thống", hay "Sau này lớn lên các cháu nhớ chăm sóc ông bà nhé".
Điều khiến chị Thúy hạnh phúc và xúc động nhất chính là khi bố chị ở quê cũng chia sẻ lại đoạn video và tự hào viết: "Ông bà nội là vợ chồng tui đó mọi người".
Chị Thúy là con gái lớn trong gia đình có hai chị em. Tám năm trước, em gái chị qua đời sau một biến cố lớn, để lại nỗi đau sâu sắc không gì bù đắp được. Mất mát ấy như một cơn bão quét qua, nhấn chìm cả gia đình trong bóng tối u buồn. Hơn sáu năm trước, chị quyết định rời quê nhà Đắk Lắk để vào TPHCM lập nghiệp.
"Từ ngày em mất, mẹ mình gần như chẳng còn cười như trước nữa", chị Thúy nghẹn ngào kể lại.

Ba em bé hàng xóm nhà chị Thúy rất đáng yêu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Từ đó, cuộc sống của bố mẹ chị nơi quê nhà trở nên trầm lặng. Hai ông bà sống thu mình bên mảnh vườn quen thuộc, ngày nối ngày trôi qua chậm rãi, chỉ thỉnh thoảng mới được gặp lại con gái lớn.
Trong một lần chị về thăm nhà, một khoảnh khắc nhỏ bất ngờ đã làm lay động bầu không khí u tịch ấy. Đứa con út của người hàng xóm bất chợt chạy sang, líu lo chào: "Con chào ông bà nội ạ!" - câu nói ngây thơ ấy khiến chị Thúy sững người. Trong khoảnh khắc, tim chị như thắt lại, rồi dâng lên một niềm xúc động khó tả - bất ngờ, hạnh phúc, và ấm áp đến lạ.
Tình huống tưởng như tình cờ ấy lại tiếp tục được lặp lại trong một ngày thường nhật tại TPHCM. Khi đang làm việc, chị Thúy nhận được thông báo từ camera ở quê. Mở lên xem, chị không khỏi bật cười khi nghe hai đứa trẻ gọi lớn: "Con chào bà nội! Con chào ông nội!" với giọng trong trẻo, đầy yêu thương.
"Tôi tua đi tua lại mấy lần, nghe mà cứ cười tủm tỉm. Còn khoe với cả đồng nghiệp vì quá đáng yêu", chị kể.

Ba chị Thúy dạy cho "cháu nội" học bài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không chỉ là tiếng gọi, sự hiện diện của lũ trẻ còn mang đến tiếng cười, sự sống và niềm vui trong căn nhà từng lặng im.
"Tôi cảm nhận rõ từ ngày có tụi nhỏ, ba mẹ mình vui hơn nhiều. Nhà lúc nào cũng rộn ràng, có thêm đồ ăn vặt, có tiếng trẻ con líu lo. Ba mẹ mình quý con nít lắm nên cưng tụi nhỏ vô cùng", chị Thúy tâm sự.
Nhưng hơn cả niềm vui, điều khiến Thúy xúc động nhất chính là cảm giác được chữa lành. Vết thương sau sự ra đi của em gái tuy chưa thể lành hẳn, nhưng rõ ràng đã dịu đi rất nhiều.
"Tôi nghĩ sự xuất hiện của tụi nhỏ giống như một hạt giống chữa lành. Nhìn thấy ba mẹ cười trở lại sau bao năm chịu đựng nỗi mất mát, tôi thấy lòng nhẹ đi rất nhiều", chị bộc bạch.
Với chị Thúy, những đứa trẻ ấy không chỉ là "cháu nội hờ" của ba mẹ, mà còn là những thiên thần nhỏ giúp cô vơi đi gánh nặng mỗi khi ai đó hỏi về chuyện lập gia đình. "Nhờ tụi nhỏ, ba mẹ cũng không còn giục cưới nữa. Cháu nội có rồi, cháu ngoại thì từ từ cũng được", chị cười nhẹ.
Dù xa nhà đã lâu, tình cảm chị dành cho bố mẹ vẫn luôn nguyên vẹn. Dù chưa một lần nói ra lời yêu thương, bởi "soạn trong đầu là nghẹn nơi cổ họng", nhưng trong lòng, chị luôn muốn nhắn gửi: "Con cảm ơn ba mẹ vì đã luôn mạnh khỏe. Con thương ba mẹ. Ở tuổi xế chiều, con chỉ mong ba mẹ luôn vui, luôn bình an, vậy là đủ".