Gia Lai
Người phụ nữ mồ côi “chống hủ tục” cưu mang hàng chục đứa con
(Dân trí) - Hàng chục năm nay, chị Y Lững đã chống hủ tục, cứu sống và nuôi hàng chục đứa trẻ. Lá mì, cơm nắm mà chị vất vả làm ra đã nuôi lớn lũ trẻ.
Người phụ nữ “chống hủ tục” nuôi các con
Từ đầu con phố nhỏ, chúng tôi đã nghe tiếng vui đùa của lũ trẻ con nhà chị Y Lững (37 tuổi, thôn Kon Tu Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum). Thấy người lạ, những đứa con chạy trốn trong nhà, chị Y Lững chạy vội ra xem.
Sau khi giới thiệu, chúng tôi được chị Y Lững mời vào nhà uống nước. Rót chén nước mời khách, chị Y Lững vui vẻ trả lời những câu hỏi xã giao. Nhưng khi đề cập đến chuyện quá khứ của chị và những đứa trẻ chị hơi ngại ngùng…
Chị Y Lững kể lại, năm lên 2 tuổi chị Y Lững đã mồ côi mẹ. Vừa tròn 7 tuổi, người cha già cũng bỏ chị mà về bên kia thế giới. Không có khả năng nuôi cháu, người cô của Y Lững đã gửi chị đến cô nhi viện. Trong thời gian sống ở cô nhi viện, Y Lững luôn ân cần, chu đáo chăm sóc những đứa trẻ con những hoàn cảnh giống mình nhằm xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhớ người thân…
Đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì không có điều kiện thi đại học nên Y Lững rời cô nhi viện để ra ngoài để lập nghiệp. Năm 19 tuổi, chị lập gia đình với hai bàn tay trắng. Lúc đó, vợ chồng chị dựng tạm căn chòi ở góc vườn do bố mẹ để lại. Chị bắt đầu nhận nuôi, chăm sóc cho những mảnh đời bão giông, bất hạnh trong làng.
Ban đầu, những đứa trẻ mồ côi trong làng được chị Lững nhận nuôi. Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các địa phương khác có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cũng đem con đến gửi. Khi nào nhà hết khó thì họ mới đến xin con về.
Cũng có những bà mẹ trẻ bị chồng bạo hành đã tìm đến với mái ấm của vợ chồng Y Lững mà nương náu. Bất kể là ai, ở đâu, chị Y Lững đều chào đón và giúp đỡ nhiệt tình. Chồng Y Lững cũng là một người có trái tim nhân hậu nên đã nhiệt tình cùng chị xây dựng mái ấm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh.
Đặc biệt, chị Y Lững đã nhiều lần chống hủ tục để “giành giật” những đứa con từ tay “thần chết” về nuôi khôn lớn, thành người. Chị Y Lững kể, năm 2008, trong lần đi thăm rẫy, khi qua 1 ngôi nhà đang tổ chức đám tang. Khi nghe tiếng khóc của trẻ con nên chị đến tìm hiểu thì biết có một người mẹ mới mất trong lúc vượt cạn và để lại một đứa trẻ sơ sinh đang đỏ hỏn.
Theo phong tục xưa, nếu mẹ sinh con mà mất thì đứa con cũng phải chịu chôn chung theo mẹ. Tuy nhiên, tiếng khóc của đứa trẻ đã khiến chị rung động nên chị đã quỳ xin dân làng cho được đưa đứa bé về nuôi. Nhưng ý định của Y Lững vấp phải sự phản đối của cả làng.
Sau nhiều giờ tha thiết cần xin, chị Y Lững đã được dân làng đồng ý. Đứa bé lớn lên nhờ mật ong, nắm cơm và tình yêu thương của chị Y Lững. Đến nay, “con ma rừng” ngày nào đã lớn, đã biết phụ cha mẹ nuôi việc nhà và chăm sóc các em. Vợ chồng chị Y Lững đặt tên cháu là A.V. Không muốn A.V bận lòng nên vợ chồng chị Lững luôn giấu đi những chuyện buồn từ quá khứ.
Chị Y Lững tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, không giàu có nhưng vẫn luôn chào đón những mảnh đời bất hạnh đến với mình. Ở đây, đa số các con đều có hoàn cảnh mồ côi hay là sinh ra trong gia đình khó khăn. Tính đến nay, gia đình đã nuôi khoảng 52 cháu, một số đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng và một số có việc làm ổn định. Các cháu nhỏ đều được đến trường học hành đầy đủ”.
Để duy trì mái ấm, hai vợ chồng Y Lững làm đủ thứ nghề. Anh Lương Văn Thin (chồng Y Lững) xin theo các công trình làm công nhân. Cha mẹ để lại cho 2 hecta rẫy, chị Y Lững trồng đủ các loại cây hoa màu. Sau đó, hai vợ chồng chị đã dành dụm tiền mở rộng thêm diện tích đất canh tác lên 4 hecta.
Niềm vui từ mái ấm tình thương
Cái mái ấm của gia đình chị Y Lững ngày càng có thêm nhiều thành viên. Kéo theo đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt cũng tăng lên. Chị bảo rằng để duy trì cuộc sống của đại gia đình, mỗi ngày phải tiêu tốn hết hơn 500 ngàn đồng. Đó là chưa kể tiền ăn sáng, tiền xăng xe đưa đón các cháu đi học. Hai vợ chồng chị cố gắng làm lụng cũng chỉ đủ ăn nếu không muốn nói là túng thiếu.
“Hai vợ chồng mình dù còn nghèo nhưng mình sẽ tiếp tục nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh khác. Dù sao thì cũng đã nghèo rồi, thêm 1, 2 miệng ăn cũng không chết được. Quan trọng là mình phải cố gắng vượt qua những khó khăn bằng sự lạc quan yêu đời. Mình luôn dạy mấy đứa con như thế.”, chị Lững tâm sự.
Thế nhưng niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng chị Y Lững là sự trưởng thành của các con. Từ mái ấm của chị, có 3 đứa trẻ bất hạnh đã bước chân vào cổng trường đại học. Có hàng chục đứa trẻ khác đã lập gia đình và không quên hỗ trợ mẹ nuôi kinh phí chăm sóc các em. Sau hơn 15 năm làm việc thiện, đến nay mái ấm của vợ chồng chị Lững đã che chở cho hơn 50 mảnh đời "giông bão".
“Mặc dù vất vả, khó khăn nhưng khi thấy các con trưởng thành, ăn học đàng hoàng, những cái khổ lại tan biến hết. Mình chỉ mong sau này các con tự tin trong cuộc sống, biết giúp đỡ, chở che cho những mảnh đời bất hạnh”, chị Y Lững bộc bạch.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, chị Lững là một công dân tốt, không những cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà còn giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hiện tại đơn vị đang hướng dẫn cho chị Lững hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cơ quan chức năng hỗ trợ, bớt đi phần nào vất vả khi hàng ngày lo cho hàng chục trẻ em.
“Ở địa phương không có nguồn để hỗ trợ nhà chị Lững, thi thoảng có đoàn từ thiện tôi cũng giới thiệu họ về để giúp đỡ, nuôi các em. Mở ra một cơ sở cưu mang những mảnh đời gặp khó khăn thì đó là việc làm rất tốt, địa phương rất tạo điều kiện nhưng vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.”, ông Hậu nói.