Chuyên gia thời tiết Huy Nguyễn chỉ 7 thứ thiết yếu tự cứu mình trước lũ dữ
(Dân trí) - Chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy đưa ra những góc nhìn thực tiễn, cấp thiết dành cho người dân đang phải đối diện với mưa lũ.
Tự cứu chính mình khi sống trong vùng có nguy cơ lũ lụt
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế - cho rằng tình hình mưa, lũ lụt đang diễn biến khá phức tạp trên các tỉnh thành miền Bắc.
Với tình trạng mưa to và dông liên tục xuất hiện, ông nhận định sẽ có thêm nhiều khu vực đối diện với nguy cơ bị ngập lụt.
Tại Hà Nội, chuyên gia cho rằng tình trạng ngập lụt có nguy cơ sẽ xảy ra tại một số khu vực phía nam của Thủ đô. Trước đó, một số vùng trũng thấp ven sông ở Hà Nội đã ngập úng do lũ lên nhanh, đặc biệt sông Cầu, sông Bùi, sông Tích lũ đã lên mức báo động khẩn cấp.
Đối với các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt trong những ngày tới, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy đưa ra các điểm cần lưu ý để có thể "thoát nạn" trong mùa lũ lụt. Theo ông, người dân cần ưu tiên bảo vệ tính mạng trước, sau đó mới tính chuyện ăn uống và cuối cùng là bảo vệ tài sản.
Ông nói thêm: "Những ai có bệnh phải dùng thuốc điều trị hằng ngày thì phải mang theo, tích trữ thêm. Riêng đối với phụ nữ đang mang thai sắp đến kỳ sinh nở thì phải chủ động đến bệnh viện để dưỡng thai, nhờ sự hỗ trợ từ đội ngũ y bác sĩ. Trong bối cảnh lũ lụt kéo dài, mẹ bầu nên chủ động phòng tránh những rủi ro lúc chuyển dạ".
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cũng liệt kê những dụng cụ, nhu yếu phẩm cần thiết mà người dân cần chuẩn bị để "sống chung với lũ" như sau:
Thứ nhất, ưu tiên tích trữ nước uống trong vòng 4 ngày vì khi mất điện sẽ mất nguồn nước sạch để xài.
Thứ hai, chủ động trang bị sạc dự phòng điện thoại. Bởi điện thoại là phương tiện quan trọng để kết nối, cần đảm bảo duy trì pin sử dụng lâu dài.
Thứ ba, trang bị đèn pin để chiếu sáng khi trời sụp tối, giúp tránh được những tác nhân xấu trong bóng tối.
Thứ tư, chuẩn bị dây thừng, dây chằng vì dụng cụ này hỗ trợ khá nhiều khi có lũ lụt.
Thứ năm, chuẩn bị áo phao để bảo vệ được sự an toàn. Nếu không có phao, có thể dùng những can nhựa, thân cây chuối kết thành bè.
Thứ sáu, với tình trạng lũ lụt thì phải đảm bảo trữ lương thực ít nhất là 4 ngày. Khi lụt xảy ra trong phạm vi diện rộng, người dân không thể đi chợ, siêu thị để mua thực phẩm. Tuy nhiên, tôi khuyến khích là nên chuẩn bị lương thực khô, tránh trữ lương thực tươi như thịt, cá.
Thứ bảy, người dân có thể chuẩn bị thêm bếp ga mini để hỗ trợ được trong việc chế biến…
Cuối cùng, một trong những điều cần thiết là chủ động bảo quản các giấy tờ quan trọng của gia đình như giấy đăng ký kết hôn, sổ đỏ, bằng khen, sách vở…
"Người cứu hộ phải an toàn trước thì mới cứu người khác"
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cũng nhấn mạnh vấn đề điều phối, quản lý nguồn nhân lực cứu trợ đóng vai trò hết sức quan trọng ở thời điểm hiện tại. Ông cho rằng, nếu các đoàn cứu hộ tự nguyện không phối hợp với Ban lãnh đạo địa phương thì rất dễ xảy ra tình trạng lộn xộn và tạo nên hiệu ứng ngược.
Chuyên gia nói thêm: "Theo như thông tin tôi cập nhật được thì tình trạng thuyền, ca nô cứu hộ ở Thái Nguyên, Yên Bái đang nhiều, nhưng người lái thuyền lại không có. Để có thể lái được ca nô thì phải có bằng lái, trong khi địa hình ở vùng bị ngập thì khó di chuyển, nhiều trở ngại".
Ông Huy cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất khi đi cứu hộ là bạn phải an toàn trước, thì mới cứu người khác. Bởi nếu không may gặp tình huống xấu thì có thể bạn tự biến mình thành nạn nhân.
"Với phương tiện di chuyển là ca nô, tôi đề nghị là phải để người có kinh nghiệm lái. Nhưng lưu ý là phải đi theo sự điều phối giám sát của chính quyền, cảnh sát giao thông khu vực. Không nên tự ý đến khu dân cư, đặc biệt là trong bối cảnh địa hình ở miền Bắc khá phức tạp, nhiều dốc đứng.
Người điều khiển thuyền, ca nô có thể tìm hiểu về địa hình qua Google map (bản đồ). Riêng đối với các thuyền thủ công, SUP, thì tuyệt đối không nên di chuyển đến những vùng có dòng nước chảy xiết", chuyên gia nói.
Theo tiến sĩ, lực lượng cứu hộ phân bổ ở các địa phương hiện chưa đều. Cụ thể, các đoàn cứu trợ, cứu nạn ở Yên Bái và Thái Nguyên đang chiếm số lượng nhiều, trong khi ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang còn thiếu lực lượng hỗ trợ.
Theo chuyên gia, lũ đã diễn ra hơn 2 ngày nên có khả năng sẽ rút nước trong 2 ngày tới. Lúc này, các đoàn cứu trợ ứng phó với "kịch bản" tiếp tế sau khi lũ rút.
Chuyên gia cho biết, khi nước rút hãy mang máy nổ bằng dầu để giúp người dân sạc điện thoại. Ngoài ra có thể mang sạc dự phòng để tặng cho người dân.
Bên cạnh việc cứu người, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng các đoàn cứu hộ cũng cần chú ý khi tiếp tế các nhu yếu phẩm cho người dân. Ông nói, nhiều người dân khả năng đang bị rơi vào tình trạng thiếu nước, thức ăn nghiêm trọng.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ: "Trong các túi cứu hộ cần có lương thực, nước sạch để người dân có thể chống đói, khát. Có thể ưu tiên cơm nắm ăn trong ngày, bánh chưng, muối vừng và hạn chế mang mì tôm.
Ngoài ra, cần mang theo các loại thuốc cơ bản như thuốc tiêu chảy và thuốc trị cảm. Trong điều kiện cho phép thì có thể chuẩn bị thêm băng vệ sinh cho chị em phụ nữ. Riêng áo phao, tôi nghĩ là chỉ mang với một số lượng hạn chế. Tại vì áo phao tốn khá nhiều diện tích trên thuyền, thay vào đó nên dùng để chứa lương thực, chứa người".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Vĩnh Hòa - Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Phát triển, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - cho biết Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng để điều phối nguồn lực, tránh sự chồng chéo trong công tác cứu trợ, cũng như đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.
Ông Hòa chia sẻ: "Bão số 3 (bão Yagi) có sức ảnh hưởng nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng và diễn biến ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão. Do đó, công tác điều phối nguồn lực cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng là hết sức quan trọng.
Chúng tôi liên tục được thông tin từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn tham gia hoạt động cứu trợ trên các địa bàn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác điều phối hiệu quả, đặc biệt là an toàn, an ninh khi tham gia cứu trợ, các nhóm thiện nguyện nên có sự kết nối, liên hệ với các cơ quan, tổ chức đầu mối, chuyên nghiệp có chức năng, nhiệm vụ điều phối cứu trợ như Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban nhân dân các cấp để được hướng dẫn, tổ chức cứu trợ một cách tốt nhất.
Ở các cấp Hội Chữ thập đỏ, hệ thống cán bộ, tình nguyện viên đã được đào tạo các kỹ năng cơ bản để thực hiện công tác cứu trợ trong tình huống khẩn cấp, đã và đang tham gia rất tích cực, khẩn trương, hiệu quả, kịp thời để ứng phó với bão lũ và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng".