Chuyên gia chia sẻ cách ngăn ngừa trẻ bị xâm hại tình dục

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin phản ánh nhiều về các vụ xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em. Vì thế, các bậc phụ huynh cần trang bị cho con, đặc biệt bé gái những kỹ năng cần thiết để tránh là nạn nhân của “yêu râu xanh”.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em, cứ 4 bé gái có 1 bé bị tấn công tình dục, trong 6 bé trai có một em bị xâm hại. Độ tuổi trung bình của các em bị xâm hại là 9. 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.

Tại tọa đàm “Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Lao động - thương binh và xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức gần đây đưa ra số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung.

Điều đáng tiếc là không phải bậc cha mẹ nào cũng biết và có kiến thức đầy đủ để giúp con cái mình chủ động phòng tránh việc xâm hại, lạm dụng tình dục. Một câu hỏi lớn được đặt ra là "Làm thế nào để bảo vệ các con của mình không bị xâm hại tình dục?".

5 mối nguy hiểm trẻ dễ gặp phải bao gồm:

Báo động Nhìn: Khi bạn thấy người lạ đang nhìn vào vùng kín của trẻ, hoặc bắt trẻ nhìn vào vùng kín của họ.

Báo động Nói: Nói chuyện về vùng kín với trẻ.

Báo động Chạm: Khi ai đó sờ vào vùng kín của trẻ, hoặc dụ dỗ trẻ sờ vào vùng kín của người đó.

Báo động Bắt cóc: Đưa trẻ đến khu vực vắng mà không có sự cho phép của bố mẹ.

Báo động Ôm: Ôm trẻ theo cách không đứng đắn.

Trao đổi thêm với PV Dân trí về việc phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền - Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood (Hà Nội) cho rằng: “Để phòng tránh việc trẻ bị xâm hại lạm dụng tình dục thì việc nhận diện các nguy cơ có thể xảy ra là điều rất quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay trẻ em Việt Nam rất thiếu kiến thức về việc này. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ học cách nghi ngờ thật nhiều bởi các đối tượng xâm hại tình dục có thể là hàng xóm, anh em họ, thầy giáo, nhân viên của nhà trường, thậm chí là bố dượng, mẹ kế, cha đẻ”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm cách ngăn ngừa trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục như:

- Giải thích về các bộ phận trên cơ thể cũng như cách vệ sinh đối với trẻ nhỏ. Với trẻ gần tới giai đoạn dậy thì, cha mẹ nên trang bị cho con kiến thức phòng tránh thai.

- Dạy trẻ biết cách tạo khoảng cách cơ thể với những người xung quanh, bao gồm cả người bố (đối với bé nữ) để trẻ học cách bảo vệ mình. Đồng thời giúp trẻ biết rằng, cơ thể trẻ thuộc về chính mình, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể trẻ mà khiến trẻ khó chịu.

- Tình tình huống dễ khiến trẻ bị xâm hại tình dục là khi trẻ ở một mình với người khác giới. Vì vậy, khi trẻ sang nhà bạn chơi, nếu chỉ có anh, bố hoặc chú bạn ở nhà thì trẻ phải về nhà ngay. Trường hợp bạn có ở nhà, trẻ chỉ được chơi với bạn ở phòng khách tầng 1, không lên những tầng trên hoặc vào phòng bố mẹ, anh chị của bạn.

- Không nên cho trẻ ăn mặc mát mẻ khi đến nhà người khác, khi ra đường hay thậm chí ở nhà. Cần dạy trẻ học sự tế nhị trong các cử chỉ như việc ngồi hay đi đứng sao cho phù hợp.

- Khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên học cách dạy trẻ phòng thủ và khi trẻ lớn dần lên bố mẹ lại tiếp tục dạy cách cởi mở vừa đủ để trẻ sống thân thiện mà vẫn bảo vệ được bản thân.

- Dạy trẻ biết cách tỏ ra khó tính, bản lĩnh trong việc bảo vệ bản thân mình để những kẻ có ý đồ xấu nhận thức rằng không dễ dàng gì có thể xâm hại được trẻ. Đồng thời dạy các kỹ năng cơ bản trong việc phòng tránh, tự vệ hay phản kháng để trẻ có thể chống lại các hành vi xâm hại.

- Nếu trẻ bị ảnh hưởng hoặc quá lạm dụng sự phát triển của Internet hay các trang thông tin, mạng xã hội, thay vì cấm đoán, bố mẹ hãy trải nghiệm và chơi cùng trẻ. Điều này giống như việc hai người bạn cùng xem một bức tranh, hay cùng xem một clip về vấn đề nào đó để rồi phân tích, mổ xẻ cho trẻ biết cái gì nên và không nên, cái gì ảo, cái gì thực để trẻ học được cách tự bảo vệ mình.

Nhữ Trang