Cách nhận biết và xử lý khi trẻ bị xâm hại tình dục

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, song song với việc nhận biết trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục qua những chuyển biến trong tâm lý, phụ huynh cần quan sát kỹ con em mình qua những thay đổi bên ngoài cơ thể.

Trong những năm gần đây, việc xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Sau khi trẻ bị xâm hại tình dục, đều để lại những vết sẹo trong tâm hồn và những dấu ấn trong suốt cuộc đời của các em.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%); Năm 2011, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.045 em; Năm 2012 là 1.209 em; Năm 2013 là 1.326 em; Năm 2014 là 1.544 em.

Đáng chú ý, một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những bé còn ít tuổi và đối tượng xâm hại tình dục đa phần là những người quen của nạn nhân như: Hàng xóm, anh em họ hàng, thầy giáo, nhân viên của nhà trường, thậm chí là bố dượng, mẹ kế, cha đẻ.

Nhiều câu hỏi đặt ra là liệu việc phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục có dễ dàng không? Các bậc phụ huynh có thể dựa vào những dấu hiệu nào để nhận biết được con em mình đã bị xâm hại, lạm dụng tình dục?


Trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục sẽ cảm thấy sợ hãi và thu mình lại (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục sẽ cảm thấy sợ hãi và thu mình lại (Ảnh minh hoạ: Internet)

Giải đáp thắc mắc này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền - Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood (Hà Nội) cho biết: khi trẻ bị xâm hại tình dục, phụ huynh có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu về thái độ, tình cảm, tâm lý, chẳng hạn như:

- Trẻ tự nhiên rơi vào trạng thái thu mình lại, chỉ muốn ở một mình, kém sôi nổi hơn, thậm chí là sợ hãi.

- Luôn luôn cảm thấy buồn, hoặc không bày tỏ bất kỳ một cảm xúc nào.

- Trẻ tự nhiên sợ một người nào đó, một nhà nào đó hay một khu vực nào đó.

- Cảm giác dấu lỗi, kể cả những lỗi thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.

- Có thói quen vòng vo.

- Trẻ có cảm giác đau đớn, ngứa, chảy máu hoặc bầm tím ở bộ phận sinh dục hay hậu môn.

- Cảm thấy khó khăn khi đi hoặc ngồi có thể do sự đau đớn ở bộ phận sinh dục.

- Sợ bị sờ vào người hoặc sợ những hoạt động thể chất.

- Ít tắm hoặc rửa ráy nhiều hơn thường lệ, hoặc từ chối cởi áo khoác hay áo len dài tay, kể cả vào những ngày rất nóng.

Về việc phụ huynh cần làm gì khi phát hiện con mình bị xâm hại tình dục, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cũng đưa ra những lời khuyên.

- Khi phát hiện ra con cái bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần bình tĩnh, tạo sự an tâm và tin tưởng để trẻ kể lại sự việc. Từ đó xác định nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại, đó có thể là từ phía đối tượng, từ phía con cái hay từ bố mẹ. Đặc biệt, phụ huynh không nên nóng giận, chửi bới, đánh đập sẽ khiến trẻ thêm lo sợ và thu mình lại.

- Trình báo sự việc tới việc tới các cơ quan chức năng để xử lý đối tượng. Việc này không chỉ giúp cho những đứa trẻ khác không bị xâm xâm hại mà còn giúp trẻ trấn an tinh thần và lấy lại niềm tin bởi kẻ phạm tội đã bị xử lý.

- Không nên vì danh dự của gia đình mà im lặng, cho qua mọi chuyện hay chấp nhận tiền bồi thường.

- Khi phát hiện con bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần đưa con đến trung tâm y tế khám xét tổn thương khoa sản để có hướng điều trị phù hợp. Với những trường hợp trẻ bị ám ảnh và xáo trộn tâm lý, hãy đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý nhờ tư vấn và giúp đỡ để trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm