Chủ tiệm ăn gửi tâm thư đến shipper: "Cũng từ nghèo khó mà lên, hãy nương nhau mà sống"
(Dân trí) - Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Văn M., chủ một tiệm cơm sinh viên ở Gò Vấp, TP HCM về công việc kinh doanh thức ăn thông qua nền tảng trực tuyến và những khó khăn trong ứng xử với cánh tài xế công nghệ.
10 năm trước, tôi sở hữu tiệm kinh doanh giặt ủi cho các khách sạn, dịch vụ massage tại TP HCM. Kinh doanh phát đạt, tôi phất lên nhanh chóng, thu nhập có khi đến 70-80 triệu đồng một tháng, sống sung túc hơn nhiều người.
Vậy mà chưa đầy một năm sau, chỉ vì nông nổi nghe theo lời rủ rê cờ bạc mà tôi phải bán ôtô, bán nhà trả nợ. Ngày đem bán từng chiếc máy giặt, máy sấy, tôi đã rơi nước mắt, trách bản thân vì đâu ra tình cảnh này.
Nhiều năm sau, tôi lăn lộn đủ nghề từ chở hàng cho các tiệm tạp hóa, đến phụ việc sửa xe. Tích nhặt, tôi được số vốn nhỏ, rồi mượn thêm họ hàng để mở tiệm cơm bình dân ở Gò Vấp. Mới đầu, tôi chỉ xin người quen cho mượn sân trước nhà để đặt xe cơm. Buôn bán vỉa hè thì cực lắm, dậy sớm, rồi nắng nôi nhưng tôi may mắn có vợ con cảm thông. Vợ tôi khéo, nấu nướng đậm đà, hợp vị. Từ chỗ vài cái bàn nhựa đặt lề đường, tôi thuê được mặt bằng nhỏ gần trường đại học, mua vài chiếc bàn ghế nhôm để các em ăn uống thoải mái.
Phải cảm ơn một người bạn đã chỉ tôi cách lên app bán online. Ban đầu tôi còn nghĩ chẳng được gì, nhưng chỉ sau ba tuần chạy thử, tài xế từ đâu đổ về. Mỗi ngày phải hơn 20-30 anh áo xanh, áo đỏ đến quán tôi mua hàng. Có anh đặt đến cả 20 phần giao cho công ty. Mỗi ngày bán được, tôi với vợ khấn vái cảm tạ trời.
Lượng shipper đến quán mỗi lúc một đông. Ban đầu tôi cũng mừng, nhưng dần dà nhiều chuyện nảy sinh khiến tôi phải đau đầu xử lý. Mà phần lớn vấn đề đến từ chính những “người bạn” tài xế. Họ hối thúc chúng tôi phải làm món nhanh, trong khi đâu biết món gà giòn ngon lâu thì phải chiên mới lại một lần trước khi cho vào hộp. Nhiều tài xế thậm chí dùng những từ ngữ khó nghe khi phải chờ đợi. Tôi phải ôm thêm việc nhắc nhở đậu xe đúng chỗ, giữ trật tự để tránh làm phiền hàng xóm. Trời nắng nóng, bếp lửa hầm hập mà các anh cứ hối không ngừng. Có lúc, tôi còn phải can các shipper tranh chấp vì giành món.
Tôi thấy phải hơn 80% những tài xế công nghệ tôi gặp đều xuất thân không giàu có, dư dả. Cá biệt một số anh em, gia đình còn mắc những vấn đề tài chính, nợ nần như tôi khi xưa. Một người anh từng bảo tôi, sáng và trưa anh phụ chủ khuân hàng, nghỉ một chút buổi chiều tối chạy giao thức ăn đến tối khuya. “Kiếm được đồng nào hay đồng đó để chủ nợ không đến chửi vợ, mắng mẹ”, tôi nhớ như in từng chữ anh nói, nhớ lại chính mình khi xưa.
Rồi chính tôi tôi tự hỏi, cùng là những người chật vật mưu sinh, sao không thông cảm cho nhau. Cũng từ nghèo khó mà lên, nương nhau sống có tốt hơn không.
Đặt mình trong hoàn cảnh của các anh, tôi cũng hiểu áp lực của nghề. Khách thì hối thúc, đường thì tắc, trời thì lúc nắng lúc mưa rồi không may còn bị “bùng hàng”... ai cũng muốn giao nhanh để thêm đơn, thêm thu nhập. Bản thân từng làm lại từ hai bàn tay trắng, tôi rất quý trọng công sức của các anh. Phải nói là nếu không có cánh tài xế công nghệ, tôi chưa chắc có cuộc sống ổn định, điều kiện để nuôi dạy con cái như hiện tại.
Nhưng sự thấu hiểu, cảm thông không thể khiến mọi thứ tốt lên, mà cần hành động. Tôi không thể vì nhanh mà ẩu, vì từng món ăn gửi đến tay khách hàng phải ngon miệng, sạch sẽ. Vì vậy, tôi đã gửi góp ý đến phía ứng dụng cộng tác để nhận sự hỗ trợ. Một trong những đơn vị trong đó - GrabFood đang chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ tôi khu vực lấy hàng cho tài xế, ở đó sẽ có bóng râm, có trà nước cho các anh giải khát. Thứ hai, tôi cũng bàn với vợ để đầu tư lắp máy báo nhận đơn. Đơn đến nhanh hơn, tài xế chỉ cần đến lấy món và giao cho khách, cũng không tốn thời gian trả tiền, thối tiền cho rối cả hai bên.
Qua đây, tôi cũng hy vọng các anh có thể hiểu cho chúng tôi, những người buôn bán, kiếm ăn từ những phần ăn vài chục nghìn bạc. Mong các anh bình tĩnh hơn, bớt gắt gỏng, đến mua có trật tự. Quán tôi bán được nhiều, các anh em cũng thu nhập ổn định đi lên, ai cũng vui vẻ!