(Dân trí) - Lớn lên ở làng cổ Thụy Khuê, lấy chồng về sống ở phố Nguyễn Thái Học, nữ diễn viên, NSƯT Chiều Xuân đã chứng kiến những biến chuyển về không gian sống Hà Nội suốt hơn 50 năm qua nên luôn mơ ước một không gian sống vừa hiện đại, vừa lưu giữ những giá trị văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Lớn lên ở làng cổ Thụy Khuê, lấy chồng về sống ở phố Nguyễn Thái Học, nữ diễn viên, NSƯT Chiều Xuân đã chứng kiến những biến chuyển về không gian sống Hà Nội suốt hơn 50 năm qua nên luôn mơ ước một không gian sống vừa hiện đại, vừa lưu giữ những giá trị văn hóa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Một chiều đầu đông nắng vàng như trải mật, NSƯT, diễn viên Chiều Xuân tới thăm khu đô thị The Manor Central Park ở phía Nam thành phố. Chị rất bất ngờ khi biết trong quang cảnh thoáng đãng, thơ mộng, nên thơ tại đây chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ hình thành một khu phố hiện đại, quy mô. Như chạm vào miền ký ức, chị bồi hồi nhớ về những kỉ niệm, những không gian sống đã đi qua hơn 50 năm cuộc đời mình.
Nhiều người thắc mắc vì sao nữ diễn viên gốc Hà Thành này lại có thể vào vai một thiếu phụ nông thôn trong phim truyền hình “Mẹ chồng tôi “ngọt” đến vậy. Chiều Xuân giải thích: “Quê nội tôi ở ngay làng Nghĩa Đô, sát đường Bưởi, ngày xưa vẫn là ngoại thành, thuộc tỉnh Hà Tây, là vùng đất nông thôn mà nhà văn Tô Hoài – một người quen của các cụ nhà tôi vẫn tả trong truyện đấy”.
Nữ diễn viên sinh năm 1967 kể, chị lớn lên cùng cha mẹ trong khu tập thể cán bộ tại dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn ươm cây của thành phố. Học từ cấp 1 đến cấp 3 đều ở các trường mang tên Chu Văn An, chị nói “bạn bè tôi hầu hết đều quanh khu Ba Đình, và lúc bé, tôi thông thạo khắp cả một vùng từ đầu đường Thanh Niên trở lại, với cả một dải ven Hồ Tây. Thời kỳ không quân Mỹ đánh phá, tôi cũng đã theo bà về sơ tán ở làng Nghĩa Đô”.
Hết cấp 3, chị thi vào trường Đại học Sân khấu điện ảnh ở tít trong khu văn công Mai Dịch, phải đạp xe từng buổi mỗi ngày. “Lúc đó, đường từ Bưởi lên đến Mai Dịch vẫn còn hoang vắng lắm, phải mãi đến khu trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mới có nhà dân”, chị nhớ lại.
Từ lúc mới là cô nữ sinh, Chiều Xuân đã nhận thấy không gian phố cổ như một chiếc áo hẹp, được hình thành cho mục đích kinh doanh từ thời kỳ phong kiến, đến lúc đó tuy vẫn còn thuận tiện cho kinh doanh nhưng đã không còn phù hợp với sự phát triển của thời đại nữa. “Tôi đã chứng kiến những gia đình bốn, năm thế hệ cùng sống trong không gian rất chật hẹp, mọi thứ đều bất tiện”, chị ví dụ.
Theo chị, phố cổ Hà Nội cho đến hôm nay vẫn là một “cái chợ” khổng lồ, mang đúng nghĩa chữ “thị” trong từ “đô thị”. Đó cũng là điều mà cha chị, đạo diễn Nguyễn Đức Đọc đã từng nói: Phố phường Hà Nội phản ánh đúng tâm lý “trọng nông ức thương” thời phong kiến.
Mới chỉ 20 tuổi, đang học năm thứ hai đại học, Chiều Xuân đã trúng phải “tình yêu sét đánh” rồi nhanh chóng lên xe hoa làm vợ nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, về sống chung với gia đình nhà chồng trong căn biệt thự mang kiến trúc kết hợp giữa phong cách Nhật và châu Âu từng được trao giải kiến trúc toàn Đông Dương ở phố Nguyễn Thái Học. Cuộc đời cô nữ sinh đã bước sang một trang hoàn toàn mới khi còn quá non trẻ.
Về sống cùng nhà với bố chồng là nhạc sĩ nổi tiếng Đỗ Nhuận, cùng với mẹ chồng là em vợ nhà văn Nguyên Hồng, Chiều Xuân đã học hỏi thêm được rất nhiều về cách sống, lối sống.
Từ sau khi mẹ chồng tôi mất, con lớn, tôi mới có thời gian chăm sóc chồng nhiều hơn.
Các món quà vặt vỉa hè Hà Nội cũng đặc biệt ngon, mà dù đi khắp thế giới, chúng tôi lúc nào cũng thèm trở về để thưởng thức.
Căn biệt thự này, từ sau ngày giải phóng thủ đô đã được phân cho gia đình rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cùng sinh sống. Ngoài gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận, còn có gia đình các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, Văn Thanh Hương… một khu nhà mà giới trí thức thủ đô gọi là “khu tập thể của những cổ thụ làng văn nghệ”.
Sống ở đây, Chiều Xuân cùng gia đình chứng kiến sự chuyển mình của bộ mặt phố xá trong thời kinh tế thị trường. Khắp con phố Nguyễn Thái Học của chị, gần như nhà nào cũng mở hay cho thuê cửa hàng. Căn biệt thự gia đình chị ở, phía dưới cũng đã được vây kín bằng các cửa hàng. Hàng hóa, đồ ăn ngày một thuận tiện, bước chân ra khỏi cửa là có, nhưng cũng vì thế mà cuộc sống xô bồ hơn, hối hả và tất bật hơn.
Mặc dù vậy, bước chân trên những bậc cầu thang quen thuộc lên đến căn phòng tầng 2 nơi hai vợ chồng chị sinh sống suốt hơn 30 năm qua, chị vẫn cảm thấy bình yên và ấm áp. Vợ chồng chị đã mua lại căn phòng sát vách của gia đình nhà văn Vũ Tú Nam, khi nhà văn chuyển nhà. Trước đó, cặp vợ chồng trẻ ở trong căn phòng ngủ được ngăn với phòng khách chỉ bằng ba chiếc tủ. Ở trong căn nhà này, hai cô con gái của Chiều Xuân đã lần lượt ra đời. Đến nay, cô con gái lớn của chị đã lấy chồng, sinh con, và đang sinh sống ở Ngọc Thụy, Gia Lâm.
Sau khi lấy chồng, dù bị nhà trường phê bình, Chiều Xuân vẫn tiếp tục theo học đến hết chương trình đại học. Sau khi ra trường, bắt đầu đóng phim và nổi danh, Chiều Xuân cũng chứng kiến quá trình đô thị hóa chóng mặt của Hà Nội những năm đầu thập niên 1990. “Nhà cửa mọc lên như đúng là như nấm sau mưa, tất cả ngõ ngách trong phố cũng như ngoại thành đều bê tông hóa ào ạt, làng Thụy Khuê của tôi ngày xưa ngoảnh đi ngoảnh lại đã thành phố”.
Tuy nhiên, nữ diễn viên của phim “Người yêu đi lấy chồng” cảm thấy không vui khi nhìn từ trên cao xuống, Hà Nội chỉ toàn là “bê tông chồng tầng, mái chóp”, quy hoạch lộn xộn, nhà cửa không quy củ. Đặc biệt, chị buồn hơn khi thấy lối sống của con người Hà Nội cũng ngày một gấp gáp, thực dụng hơn, tất cả phục vụ cho cuộc sống hối hả. Không gian sống của phố cổ đã quá chật hẹp, rất nhiều gia đình bắt đầu chuyển dần ra ngoài tìm một không gian sống phù hợp hơn, thoải mái hơn.
Chính vợ chồng Chiều Xuân nhiều năm qua đã tìm cho mình một mảnh đất rộng gần 1.000 m2 ở ngoại thành, để cứ có thời gian rảnh rỗi là kéo nhau về, say sưa trồng cây, hái quả rồi tận hưởng niềm vui khi sử dụng những thực phẩm sạch do chính tay mình làm ra.
“Gần đây có nhiều khu đô thị mới được mở ra, nhà xây chất lượng, hạ tầng đồng bộ, nếp sinh hoạt văn minh nên rất nhiều người lựa chọn. Nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được xây dựng mới hay quay trở lại, nhưng cũng nhiều nét văn hóa đã bị mai một, như tình làng nghĩa xóm, cách quan tâm đến người xung quanh…”, chị nhận xét và thổ lộ, đến thăm các khu đó, chị vẫn thích ở nhà cũ hơn.
Theo chị, việc Hà Nội đầu tư các khu đô thị mới là hết sức cần thiết, đáp ứng sự bùng nổ dân số đô thị khi quỹ đất đã cạn. “Có nhiều chủ đầu tư có ý thức trong việc xây dựng các khu đô thị mang đến một Hà Nội văn minh, hiện đại hơn, tuy nhiên cũng có những khu đô thị chưa chú ý đến kết nối hạ tầng gây tắc đường, quá tải, chưa chú trọng công tác chữa cháy, hay thiếu trường học, sân vui chơi, các công trình phục vụ người dân...”, chị phân tích.
Nữ diễn viên hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ hài lòng khi biết khu đô thị The Manor Central Park do tập đoàn Bitexco đầu tư không những tránh được những điều chị lo ngại trên, mà còn được quy hoạch khoa học, có kiến trúc hiện đại mang tầm quốc tế để hội nhập cùng dòng chảy toàn cầu mà và còn kết hợp được tinh thần giao thương, cảm hứng văn hóa của Hà Nội 36 phố phường.
Theo chị, khu đô thị đáng mơ ước với người dân Hà Nội hiện nay phải là nơi cư dân được tận hưởng những không gian sống mang đẳng cấp quốc tế, nhưng vẫn lưu giữ được những nét không gian phố của Hà Nội xưa, với những giá trị văn hóa đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến được bảo tồn và lưu giữ đến mai sau.
Đặc biệt, đây là không gian sống phù hợp nhất với lứa tuổi con gái lớn của chị, Đỗ Hồng Mi, sinh năm 1987.
“Lứa của Mi có đủ điều kiện về kinh tế, nên có nhu cầu về một không gian phố mới, thừa kế cái hồn của Hà Nội xưa nhưng phải mang một hình hài khác hẳn, mang lại mọi giá trị trọn vẹn cho cư dân của nó, mà vẫn đủ tinh tế để chở trên mình “không gian phố” của Hà Nội ngàn năm”, NSƯT Chiều Xuân đánh giá.
Hà Nội, thành phố nghìn năm tuổi đang đổi thay từng ngày bên bờ sông Hồng cuồn cuộn chảy. Những khu phố cổ, phố cũ trầm mặc, rêu phong vẫn sẽ duyên dáng thu hút du khách muôn nơi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trong khi thành phố đang vươn mình mở rộng ra ở khắp tất cả các hướng, hiện đại hơn, quy mô hơn.
Với không gian quy hoạch mở, thông minh, hướng tới mục tiêu kết nối cộng đồng, chắc chắn khu đô thị The Manor Central Park sẽ trở thành điểm đến mới về thương mại và văn hóa của thủ đô, góp phần giữ gìn giữ được những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc của thủ đô Hà Nội xưa giữa dòng chảy toàn cầu.