Ngày Cá tháng Tư: Nguồn gốc bí ẩn và những cú lừa kinh điển

Tuệ Minh

(Dân trí) - Vào ngày Cá tháng Tư, từng có nhiều câu chuyện bông đùa bi hài để giải trí khiến nhiều người tin là có thật.

Ngày Cá tháng Tư là ngày gì?

Ngày 1/4 hàng năm còn được gọi là Cá tháng Tư hay ngày nói dối. 

Có nguồn gốc từ châu Âu nhưng ngày Cá tháng Tư hiện đã được người dân nhiều nước trên thế giới đón nhận.

Vào ngày này, mọi người thường nói những chuyện bông đùa mang tính giải trí, hài hước khiến người khác tưởng thật nhằm mang đến sự vui vẻ. 

Cuộc tranh cãi về nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn diễn ra. Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng, ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ năm 1582.

Thời điểm đó, nước Pháp quyết định chuyển từ dùng lịch Julian sang lịch Gregory. Theo lịch Julian, năm mới bắt đầu từ 1/4, còn lịch Gregory năm mới bắt đầu từ ngày 1/1.

Ngày Cá tháng Tư: Nguồn gốc bí ẩn và những cú lừa kinh điển - 1

Người ta thường nói những lời bông đùa vào ngày Cá tháng Tư (Ảnh: Shutterstock).

Tuy nhiên, do điều kiện đi lại khó khăn và phương tiện di chuyển thô sơ, tin tức về việc đổi lịch không được truyền thông rộng rãi. Một số người không biết về việc này vẫn tiếp tục ăn mừng năm mới vào ngày 1/4 và bị chế giễu gọi là "kẻ ngốc tháng tư".

Bên cạnh đó, một số giả thuyết khác cho rằng, ngày Cá tháng Tư liên quan đến lễ hội Hilaria của người La Mã cổ đại. Vào cuối tháng 3, mọi người sẽ kỷ niệm sự phục sinh của thần Attis. Để ăn mừng, người dân thời xưa sẽ hóa trang, bắt chước người khác và chơi các trò trêu đùa nhau.

Ngày Cá tháng Tư đã được du nhập và trở thành một phần của văn hóa ở nhiều quốc gia phương Tây. Người Anh, người Pháp... đều có truyền thống tổ chức các trò đùa vào ngày này. Ở Pháp, người bị lừa vào ngày 1/4 là "Poisson d'Avril" (Cá tháng Tư) và có truyền thống gắn cá giấy lên lưng người khác mà họ không biết.

Những trò đùa ngày Cá tháng Tư kinh điển

Hồi thế kỷ 19, ở London (Anh) xuất hiện lời mời mọi người đến xem lễ tắm rửa sư tử trắng ở cổng Trắng của tháp London vào ngày 1/4/1860. 

Nhiều người tưởng thật, đổ xô đến xem nhưng đây chỉ là trò đùa. Tháp London không có cổng Trắng và không có sư tử.

Hồi năm 1878, vào ngày Cá tháng Tư, tờ New York Graphic đăng tải thông tin cho biết Thomas Edison đã phát minh ra cỗ máy có thể biến đất thành ngũ cốc, biến nước thành rượu.

Các tờ báo trên khắp nước Mỹ đã sao chép bài báo mà không cần kiểm chứng đồng thời dành nhiều lời khen ngợi cho Edison. Cuối cùng, tờ báo thừa nhận đó chỉ là thông tin bông đùa.

Năm 1957, truyền hình BBC của Anh phát đoạn video ghi lại cảnh một gia đình ở Thụy Sĩ đang thu hoạch mì spaghetti từ trên cây.

Ngày Cá tháng Tư: Nguồn gốc bí ẩn và những cú lừa kinh điển - 2

Hình ảnh thu hoạch sợi mì spaghetti trên cây từng gây xôn xao (Ảnh: History).

Hàng triệu người đã theo dõi và tin vào câu chuyện này. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin bông đùa trong ngày 1/4. 

Trong đoạn video, các diễn viên "thu hoạch" sợi mì spaghetti rất chân thật. Trên thực tế, mì spaghetti được làm từ lúa mì và nước, chứ không mọc trên cây.

Tại Thụy Điển, năm 1962, nhiều người "mắc lừa" khi kênh truyền hình SVT ở nước này  tuyên bố chuyên gia kỹ thuật của họ đã tìm ra cách để khán giả có thể xem truyền hình màu trên tivi đen trắng dù thời điểm đó chưa ai phát minh ra tivi màu.

Ngày Cá tháng Tư: Nguồn gốc bí ẩn và những cú lừa kinh điển - 3

Kjell Stensson phủ tất da trước màn hình và thừa nhận đó là cách để biến tivi đen trắng thành tivi màu (Ảnh: Discog).

Theo đó, nhân viên kỹ thuật Kjell Stensson của đài ngồi trước chiếc tivi trong trường quay. Ông giải thích tường tận cách để khán giả có thể xem được truyền hình có màu.

Khi mọi người chăm chú theo dõi, ông tiết lộ, không có kỹ thuật nào cao siêu, chỉ cần dán một đôi tất da làm bằng sợi nilon lên màn hình tivi. Hình ảnh trên tivi sẽ có màu sắc. Cú lừa này khiến cho khán giả ngã ngửa.