Cận cảnh đại công trường xay rác, người dân quanh năm "ăn nhựa, uống nilon"
(Dân trí) - Làng Khoai như một đại công trường ngập rác thải. Rác khắp nơi đổ về đây "tái sinh" vòng đời. Mùi khét lẹt, nồng nặc bao trùm khiến mọi giấc ngủ, bữa ăn như hòa trong nhựa và nilon phế liệu.
Hơn 20 năm qua, thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) là điểm đến lớn nhất của rác thải nhựa, nilon phế liệu trên cả nước. Cả làng có hơn 1.000 hộ thì có tới khoảng 500 hộ làm nghề tái chế nilon rác, sản xuất nhựa, tái chế nhựa.
Sự tham gia ngày càng nhiều của các hộ dân trong việc tái chế rác khiến lượng rác thải tập trung về đây ngày càng nhiều. Làng Khoai vì thế được ví như "thủ phủ của rác nilon", "làng tái chế lớn nhất Việt Nam", "bãi rác quốc tế"...
Nguồn rác nhập về từ khắp miền Bắc sau đó tái chế tạo hạt để bán tại địa phương nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất (thổi túi bóng, các đồ dùng nhựa) hoặc bán đi các nơi, sang Trung Quốc.
Các khâu rửa, đảo, nghiền, nóng chảy các loại nilon rác, nhựa... đã khiến nguồn nước, không khí bị ảnh hưởng nặng nề. Hoạt động tái chế nhựa còn gây tiếng ồn, khí thải ảnh hưởng đến các địa bàn lân cận.
Nguồn nước sinh hoạt cũng như bầu không khí đặc quánh, ô nhiễm hiện đã đến mức báo động đỏ. Cả thôn Minh Khai có hơn 4.800 nhân khẩu và 2.000 lao động địa phương. Khoảng 7.000 người đang từng ngày sống trong bầu không khí quyện đặc mùi nhựa, khét lẹt.
Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tới thị sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng Khoai. Kiểm tra một số cơ sở có tập kết phế liệu thời điểm đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định thực trạng ô nhiễm môi trường trong làng nghề rất đáng báo động.
Ông Phùng Văn Minh, Trưởng thôn Minh Khai xác nhận với PV Dân trí, nhiều cuộc đánh giá cho thấy môi trường tại địa phương bị ô nhiễm nặng. Các cấp đã về khảo sát và bàn giải pháp khắc phục nhưng chưa có hiệu quả.
"Các loại rác thải tồn đọng, các loại nhựa chết không thể tái chế cũng là một vấn đề khiến địa phương đau đầu. Các cấp lãnh đạo đang tiến hành mời đơn vị chuyên về môi trường vào cuộc xử lý", ông Minh nói.
Theo ông Minh, người dân đang dần nhận thức được sự nguy hại của rác thải và hệ lụy của hoạt động tái chế tới môi trường ở làng Khoai nên một số ít đã chuyển đổi dây chuyền, sản xuất nhựa nguyên sinh.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm khoảng 30%. Các hộ còn lại, vì chưa có điều kiện, chưa có nguồn vốn nên vẫn phải gắn với các quy trình tái chế thô sơ, bẩn thỉu.
Rác thải là nguồn sống của hàng nghìn người làng Khoai và các lao động nhập cư. Ước tính mỗi tháng số rác nhập về nơi đây lên tới hàng trăm tấn.
Chị Vũ Thị T. (một người dân sống ở làng Khoai) cho hay: "Tái chế nhựa, nilon đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi trong nhiều năm qua. Chúng tôi biết là hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu bảo bỏ nghề thì không thể. Bởi làng nghề đã có hàng chục năm nay, từ đời cha mẹ đến các con tôi đều chỉ biết trông vào nghề này để sống".
Hoạt động mua bán, tái chế rác thải nhựa, nilon phế liệu diễn ra khá sôi động tại làng Khoai. Nhờ sự phát triển của công nghệ, kẻ mua người bán còn kết nối được với các đầu nậu buôn rác ở Hà Tĩnh, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng.... Thậm chí họ mua cả rác từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc... Không từ một loại rác nhựa nào, khi đưa về đây, chúng đều được đưa qua công nghệ tái chế thô sơ để tái sinh vòng đời.
Tại một quán cơm đầu làng Khoai, hai vợ chồng quê Yên Bái chuyển về đây mở quán được ít năm cho biết, thời gian đầu họ gần như mất ngủ vì mùi nhựa khét lẹt, tiếng máy từ các nhà xưởng hoạt động suốt ngày đêm.
Quán cơm này cũng là nơi cung cấp bữa ăn cho rất nhiều xưởng tái chế trong vùng, là điểm ăn trưa của nhiều công nhân làng rác.
Khi được hỏi, một công nhân cho biết, ở trong không khí quyện đặc mùi nhựa, nhiều khi ăn cơm họ không cảm nhận được mùi vị thức ăn. "Mới đầu đến đây ai cũng bảo bản thân như đang ăn nhựa, uống nilon vậy", một công nhân tên Viễn nói.
Lãnh đạo UBND Thị trấn Như Quỳnh cho biết, hiện UBND tỉnh Hưng Yên và các cấp đã tạo ra các khu công nghiệp làng nghề, hướng tới đưa các công ty, hộ gia đình sản xuất, tái chế ra các khu sản xuất tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Ngoài ra, địa phương cũng tuyên truyền nhân dân chuyển đổi dây chuyền sản xuất, từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường.