Ác mộng trẻ quậy phá nơi công cộng, khách bất lực vì câu "cháu còn nhỏ"

Khải Anh

(Dân trí) - Đang ngồi xử lý công việc, chị T. giật mình vì quả bóng từ đâu bay đến, va trúng cốc cà phê nóng khiến nước đổ tứ tung, làm chị bỏng nhẹ phần chân, còn đống tài liệu trước mắt thì ướt nhẹp.

"Ác mộng" trẻ quậy phá nơi đông người

Chị V.T.T (29 tuổi, ở Hà Nội) có thói quen đi cà phê, ăn uống bên ngoài cùng bạn bè hàng tuần để thư giãn đầu óc. Những địa điểm chị lựa chọn thường là nơi có không gian thoáng đãng, yên tĩnh và nhiều cây xanh.

Một lần, chị T. mang tài liệu ra làm việc tại một quán cà phê sân vườn ở quận Hoàng Mai vào buổi sáng. Lúc này, quán chưa đông khách, chỉ có tiếng nhạc phát ra từ loa khá thư giãn, nhẹ nhàng.

Chỉ vài phút sau, một nhóm khách 4 người kéo đến, dẫn thêm 3 đứa trẻ chừng 6,7 tuổi theo cùng. Chúng chạy nhảy lung tung, nô đùa ầm ĩ.

Vì cần xử lý nốt công việc nên chị T. "né" đám trẻ bằng cách chuyển sang một chỗ trong góc vườn. Tuy nhiên, chúng lại nghĩ thêm trò mới, đem cả bóng vào chơi, đá chuyền qua lại cho nhau.

Nhân viên quán thấy vậy liền nhắc nhở thì một người mẹ nói với các con: "Không chơi bóng ở đây nhé, mọi người mắng đấy". Lời vừa dứt, quả bóng từ xa bất ngờ bay đến, rơi trúng bàn chị T. khiến cốc cà phê đổ văng.

"Tôi uống cà phê nóng nên lúc đó giật mình vì bị bỏng nhẹ. Tuy nhiên, đống tài liệu thì ướt hết, không còn sử dụng được nên ảnh hưởng tới tiến độ công việc của bản thân", chị T. nhớ lại.

Tuy nhiên, điều chị khó chịu nhất là đám trẻ không hề tỏ ra hối lỗi, chỉ đứng trơ mắt ra nhìn. Người mẹ thấy vậy nhưng cũng chỉ cười xòa, xin đền cốc nước khác và nói: "Chúng nó còn nhỏ, cô thông cảm. Mấy đứa lại xin lỗi cô đi".

Cô gái trẻ nhấn mạnh, bản thân không ít lần bắt gặp trường hợp trẻ con nghịch ngợm nơi công cộng, không chỉ riêng quán cà phê. Có lần đang mua sắm trong siêu thị, chị phát hiện đứa bé 4-5 tuổi đứng xé nhãn mác vài món đồ gia dụng, thậm chí tháo tung cả bao bì.

Tuy nhiên, những người lớn đi cùng không hề có động thái nhắc nhở hay ngăn cản mà trơ mắt ra nhìn, làm ngơ trước sự quậy phá của con.

Chỉ đến khi đứa trẻ làm rơi nồi cơm điện vào chân, khóc ré lên thì họ mới giật mình quay lại, nhặt vội món đồ đặt lên kệ rồi nhanh chóng rời đi.

Tương tự, chị H.M.A (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng từng chứng kiến cảnh trẻ nghịch ngợm trong cửa hàng thời trang khi theo mẹ đi mua sắm.

Một lần, chị đang trong phòng thử đồ thì một bé trai chừng 5 tuổi đi tới, kéo tung tấm rèm rồi nhanh chóng bỏ chạy. May mắn, lúc đó chị đã mặc xong đồ và bước ra ngoài. Chưa dừng lại ở đó, đứa bé tiếp tục trêu chọc các vị khách ở khu vực thay đồ khác khiến một người bực bội, lớn tiếng nhắc nhở cả phụ huynh nên trông coi con em mình.

Không chỉ bực bội, thấy phiền vì trò đùa nghịch ngợm của con trẻ, chị A. còn từng bật khóc vì bị khách khác đổ oan.

"Hôm đó tôi vào cửa hàng xem quần áo, một bé trai chạy nhảy lăng quăng phía sau tôi rồi va vào chiếc bình hoa trang trí của quán và làm vỡ. Nhân viên thấy vậy đi đến, đứa bé òa khóc, phủ nhận không biết gì. Chiếc bình đó rất giá trị, quán yêu cầu bồi thường. Người mẹ thì ra sức bảo vệ con, cho rằng do tôi đi đứng không chú ý nên vô tình làm đổ bình hoa đó.

Tôi lên tiếng giải thích thì người phụ nữ nằng nặc đòi đưa con đi, không chịu trách nhiệm. Còn đứa bé tiếp tục khóc lóc thảm thương. Chỉ đến khi quán kiểm tra camera, xem lại thấy do đứa bé nghịch ngợm thì người mẹ liên tục nói cháu còn nhỏ, xin được bỏ qua", chị nhớ lại.

Chị A. cho hay, trẻ con ở độ tuổi hiếu động, thích tò mò, khám phá mọi thứ và chưa nhận thức được nhiều việc xung quanh nên các bậc phụ huynh cần chú ý sát sao tới con cái khi ở nơi đông người.

Tùy hoàn cảnh, không gian, sự nghịch ngợm của đám trẻ có thể khiến người khác thấy đáng yêu, song cũng có lúc khiến họ cảm thấy phiền toái hoặc bực bội, ức chế. Chuyện con trẻ, nếu không lưu ý có thể trở thành mâu thuẫn, xích mích giữa người lớn.

Cân nhắc khi đưa con trẻ ra ngoài

Thấu hiểu cảm giác phiền toái khi con trẻ nghịch ngợm ở chốn đông người, chị T. cũng rút kinh nghiệm cho bản thân. Là mẹ của hai đứa con 3 và 5 tuổi, chị hạn chế đưa các bé ra ngoài và chỉ tới những nơi mà chị có thể kiểm soát hành động của chúng.

Đồng thời, chị cũng luôn dạy các con về phép lịch sự nơi công cộng như: Giữ im lặng, không làm phiền người khác, không được đòi hỏi lợi ích riêng, di chuyển trật tự, không xả rác, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, ngồi ngay ngắn và nghiêm túc,…

Nếu con không tuân thủ, chị sẽ có nghiêm túc thực hiện hình phạt là từ chối cho bé đến nơi công cộng vui chơi, ăn uống cùng ba mẹ những lần sau. Dần dần, bé hình thành thói quen tốt và có cách cư xử hợp lý.

Ác mộng trẻ quậy phá nơi công cộng, khách bất lực vì câu cháu còn nhỏ - 1

Con trai chị T. thường được mẹ dạy về phép lịch sự ở nơi công cộng như không gây ồn ào, không làm phiền người khách, không nghịch ngợm đồ đạc trong quán cà phê,... (Ảnh: T.T).

Tuy nhiên, chị thừa nhận, việc dặn dò, nhắc nhở các con đôi khi không hiệu quả. Các bé có thể ham vui, mải chơi mà quên lời dặn của cha mẹ. Bởi vậy, tùy mục đích, hoàn cảnh mà chị sẽ đưa con tới không gian phù hợp với lứa tuổi để chúng thoải mái nô đùa, khám phá.

Nếu cần tìm không gian để thư giãn hoặc giải quyết công việc, chị không đưa các con đi theo. Cuối tuần, nếu các con muốn ra ngoài, người phụ nữ này sẽ cho con đi công viên, trung tâm thương mại hay ghé nhà hàng, quán cà phê có không gian vui chơi dành cho trẻ em.

"Tuy nhiên, dù ở đâu thì việc quan sát, chú ý tới các bé cũng rất cần thiết, tránh để xảy ra sự cố không đáng có cho cả các con và những người xung quanh", chị chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, chị A. cho rằng, vấn đề đưa trẻ tới nơi đông người hay trẻ có hành vi nghịch ngợm, quậy phá đi chăng nữa vẫn phụ thuộc nhiều vào thái độ và cách ứng xử, giải quyết của bậc phụ huynh.

Thay vì bao biện, bênh vực lỗi sai của con bằng câu nói "chúng còn nhỏ, biết gì đâu", cha mẹ cần nhìn nhận thẳng thắn sự việc, có cách giải quyết hợp lý để thể hiện sự cầu thị và thành ý khắc phục hậu quả xảy ra (nếu có).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm