Ngồi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính, có quyền đòi phụ huynh đền?

Hải Hà

(Dân trí) - Vụ việc cháu bé 1 tuổi đùa nghịch trong quán cà phê, rồi làm đổ ly nước vào máy tính của khách trong quán khiến máy tính bị hỏng nặng đang thu hút sự tranh luận của nhiều người.

Theo diễn biến sự việc được chia sẻ, chủ nhân chiếc máy tính đã mang máy đi sửa với "tổn thất" là 9 triệu đồng, nhưng bố mẹ cháu bé cho biết chỉ bồi thường khoản tiền là 150 nghìn đồng để hỗ trợ tiền sấy máy. Việc hỏng hóc khác gia đình không chịu trách nhiệm do không biết chiếc máy tính này có bị hỏng từ trước đó hay không, và cũng lấy lý do: "Sự cố xảy ra không ai mong muốn. Một đứa trẻ hơn 1 tuổi chạm vào cốc nước của em, do mình không nhanh tay đỡ được nên mới đổ vào máy. Bé nhà chị cũng không hề ý thức và cố ý nên việc gia đình gửi tiền sấy máy là đã rất có trách nhiệm rồi".

Bên cạnh nhiều tranh cãi xoay quanh cách hành xử cũng như trách nhiệm của cả 2 bên, nhiều người cũng đã khuyên chủ nhân máy tính xin dữ liệu trích xuất từ camera của quán để trình báo với công an để làm rõ trách nhiệm đền bù thuộc về ai. Cũng có ý kiến thắc mắc, pháp luật quy định thế nào trong trường hợp tài sản bị thiệt hại do trẻ em gây ra?

Ngồi cà phê bị trẻ nhỏ đổ nước vào máy tính, có quyền đòi phụ huynh đền? - 1

Việc cho trẻ nhỏ theo bố mẹ đến quán cà phê rồi đùa nghịch, làm phiền các vị khách khác cũng đang gây tranh cãi cộng đồng mạng (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).

Trẻ em gây thiệt hại tài sản, cha mẹ có phải bồi thường không?

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, Bộ luật Dân sự có quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp trẻ em gây thiệt hại, pháp luật có quy định về độ tuổi. Với người đủ 15 tuổi và người chưa đủ 15 tuổi (tính theo ngày, tháng, năm sinh) sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khác nhau.

Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Trừ trường hợp người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì không phải bồi thường; trong trường hợp này cha, mẹ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Bộ luật Dân sự cũng quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Nếu xác định lỗi hoàn toàn thuộc về cháu bé, thì sẽ được cân nhắc khi xác định mức bồi thường, trong trường hợp chứng minh được lỗi. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.