7 năm bán đất chạy chữa hiếm muộn, mẹ òa khóc khi đón con ở tuổi 40
7 năm với 4 lần thụ tinh nhân tạo, cặp vợ chồng tuổi 40 mới được bế con trên tay. Nhắc lại những ngày tháng đó, người phụ nữ ở Điện Biên vẫn không cầm được nước mắt.
Kết hôn vào tháng 12/2011, đến tháng 2/2012, vợ chồng chị Lò Thị Nhung (SN 1979, Thị xã Mường Lay, Điện Biên) và anh Ngô Bình (SN 1984) may mắn có tin vui.
Tuy nhiên khi đi khám thai lần đầu tiên, chị Nhung đã phải nhận tin thai chết lưu ở tuần thứ 7.
‘Thời gian đó, tôi bị khủng hoảng tinh thần, không muốn ăn uống, nói chuyện hay làm việc. Người như không còn một chút sức lực nào’, chị nói.
Vợ chồng chị tiếp tục hi vọng may mắn đến lần nữa nhưng dù không dùng biện pháp tránh thai, chị vẫn không có thai.
Đến cuối năm 2015, vợ chồng chị bắt đầu quá trình kiếm con. Trải qua 4 lần IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) không có kết quả, chị xuống Hà Nội để thăm khám.
Bác sĩ kết luận chị chị bị suy buồng trứng sớm, dự trữ buồng trứng thấp, không đủ để có con tự nhiên và tư vấn vợ chồng chị nên làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).
Tuy nhiên để có thể làm IVF, chị Nhung phải ‘gom’ đủ số lượng trứng để tạo phôi.
‘Đó là một quá trình dài, trải qua 5 lần gom trứng, 4 lần chuyển phôi ròng rã tôi mới được nhìn thấy con trai’, chị nói.
Tháng 7/2016, chị thực hiện ca IVF đầu tiên với hai phôi nhưng không thành.
Đến tháng 4/2017, chị xin nghỉ việc không hưởng lương 6 tháng để tập trung toàn tâm toàn ý vào quá trình tìm kiếm con.
Chị nhớ lại: ‘Vì bản thân cũng có tuổi, chỉ số dự trữ buồng trứng thấp nên tôi phải ‘gom’ trứng 3 lần với một lần ‘gom’ theo phác đồ dài, kết quả tôi được 15 trứng, tạo được 7 phôi.
Kiểm tra niêm mạc đủ điều kiện chuyển phôi, tôi quyết định chuyển phôi lần 2 vào tháng 5/2017. Kết quả vẫn không được như mong muốn’.
Tháng 7/2017, chị lại tiếp tục chuyển tiếp hai phôi lần thứ 3 nhưng vẫn không thành công.
Chọc trứng 4 lần với 3 lần chuyển phôi thất bại, vợ chồng chị quyết định kiểm tra chuyên sâu hơn về sức khỏe của cả 2.
Lần này, chị Nhung và anh Bình vừa tiêm vừa uống thuốc, chủ yếu tập trung điều trị cho chồng.
Tháng 9, tháng 10/2017, chị Nhung tiếp tục làm thêm lần nữa với hai lần chọc trứng, tạo được 2 phôi. Do niêm mạc không đạt yêu cầu nên chị trữ lại phôi, không chuyển tươi.
Đến tháng 1/ 2018, chị xuống bệnh viện kiểm tra và tiếp tục chuyển phôi lần thứ 4.
‘Sau 5 ngày chuyển phôi không thấy biểu hiện gì khác, tôi nghĩ lại không được rồi. Đến ngày thứ 7, tôi quyết định thử máu.
Khoảng thời gian 2 tiếng chờ đợi kết quả dài như cả thế kỉ. Cuối cùng trời không phụ lòng người, vợ chồng tôi đã có tin vui. Khi nhìn thấy kết quả, tôi òa khóc như một đứa trẻ’, chị nhớ lại.
Nỗi ám ảnh với những lời hỏi thăm
Chị Nhung nói, may mắn của chị là lúc nào cũng có chồng đồng hành và động viên.
Chồng chị là người ở Thanh Hóa lên Điện Biên, quê chị, để lập nghiệp. Họ yêu nhau sau một lần anh xin được số của chị và nhắn tin làm quen. ‘Thời điểm đó, thấy chồng nhắn tin, tôi còn bảo: ‘Không rỗi hơi mà nói chuyện với người lạ’. Anh ấy vẫn kiên trì liên lạc. Nói chuyện qua điện thoại một thời gian dài, năm 2010 chúng tôi mới tìm hiểu và năm 2011 làm đám cưới’.
Bị hiếm muộn, chị phải chịu không ít áp lực. ‘Tôi sợ hãi trước những câu hỏi ‘Sao lâu thế?’, ‘Chưa có gì à?’. Có người độc mồm độc miệng bảo: ‘Gái độc không con’ nhưng là phụ nữ, có ai muốn thế đâu? Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi…’, chị nhớ lại.
Sau 3 lần chuyển phôi thất bại, đến lần thứ 4, chị đã không còn nhiều hi vọng. Nhưng lúc này, chồng chị lại động viên: ‘Cố gắng lên em’.
Trước khi có con, 2 vợ chồng chị mua được nhà, đất. Để có chi phí chạy chữa sinh con, họ đã phải bán đi một mảnh đất, chị nghỉ việc 6 tháng không lương nhưng không thành công. Sau đó, họ vẫn tiếp tục quyết tâm, đến năm 2018, mới được đón nhận niềm vui.
‘Không tính tiền ăn uống, đi lại, chi phí để sinh con lên đến nửa tỷ đồng. Tôi còn đánh đổi rất nhiều về sức khỏe của bản thân’, chị chia sẻ.
Thời gian mang bầu, họ háo hức chờ đợi. Chồng chị bận bịu công việc nhưng mỗi lần về nhà, vợ đều bảo anh phải nói chuyện với con. ‘Lúc đó, anh ấy gọi, tôi bỗng thấy con đạp trong bụng. Khoảnh khắc đó tôi còn nhớ mãi đến giờ’.
1 tuần sau khi nghỉ việc chờ sinh, chị Nhung đi khám thì được kết luận huyết áp tăng cao, mổ gấp. Cả gia đình chị vào viện trong tâm trạng lo lắng.
‘Trên bàn mổ, lúc nghe tiếng con khóc, nước mắt tôi trào ra. Lúc đó, cảm xúc không thể nói được bằng lời’.
Chồng chị ở phía ngoài đón con, nhìn thấy chàng trai nặng 3.4 kg, anh cũng đưa tay gạt nước mắt. Họ đặt tên con là Ngô Phúc Lộc như là ‘Phúc’ và ‘Lộc’ đã đến gia đình sau một chặng đường rất dài.
‘Hiện, cháu được 13 tháng, khỏe mạnh và rất quấn quýt với bố. Tôi họ Lò, nên chồng đặt tên con ở nhà là ‘Lò Ngô Rang’ để trêu vợ’.
Có con, vợ chồng chị Nhung bận rộn hơn, chưa đêm nào ngủ ngon giấc nhưng chị nói ‘đó là sự vất vả trong hạnh phúc’.
‘Năm sau, vợ chồng tôi muốn sinh thêm một bé nữa. Dù kết quả được hay không chúng tôi vẫn rất thoải mái về tâm lý vì tôi đã có tuổi rồi’, chị chia sẻ.
‘Kiên trì’ và ‘Đừng bỏ cuộc’ là điều chị muốn dành cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, đang trên hành trình tìm con, như vợ chồng chị trước đây.
Theo Vietnamnet