Vênh “khủng” về Lương, vênh "khủng" về Thưởng

(Dân trí) - Thưởng/ phạt phải công minh - chuyện ắt phải thế. Xem chị Nguyệt ở bệnh viện Hoài Đức đã được thưởng… đúng luật những 320 ngàn đồng cho thành tích chống tham nhũng đó, chính xác tới cả 20 ngàn đồng luôn. So với đề xuất thưởng 179,9 tỷ đồng có khập khiễng không nhỉ?

Độ vênh “khủng” giữa hai con số TIỀN THƯỞNG
Đường trên cao Hà Nội bị lún sau 10 tháng thông xe. Trong khi đó chủ đầu tư đề xuất xin thưởng tiến độ cho nhà thầu đã hoàn thành vượt kế hoạch (ảnh: Quỳnh Anh)

 

Thưởng và  Phạt

 

So với con số khiêm tốn 320 ngàn đồng thưởng cho người có công góp phần chống tham nhũng như chị Nguyệt và một số đồng nghiệp, tâm trạng của nhiều bạn đọc càng rối bời thêm khi hay tin về số lương “khủng” tiền tỉ (dù mới ở mức 1 con số) mỗi năm của mấy sếp…tài trí hơn người vừa bị lộ tại TPHCM. Và nay lại bị bồi tiếp một cú ngã bổ chửng trước con số thưởng tiền tỉ (lên tới 3 con số) mà Ban Quản lý Dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) - chủ đầu tư của dự án xây dựng đường Vành đai 3 - Hà Nội (giai đoạn 2) vừa đề xuất lên Bộ GTVT.

 

Có CÔNG cần được thưởng để khích lệ, hẳn là vậy rồi. Và cơ sở cho cái CÔNG đó có lẽ cũng phần nào được xác nhận qua phản hồi của một số bạn đọc là người trong cuộc hoặc  hiểu hơn về chuyên môn. Để rồi qua đó càng thấy rõ cần nhấn mạnh cả 2 vế trong vấn đề THƯỞNG/ PHẠT sao cho công bằng giữa CÔNG và TỘI mới là điều dư luận nhấn mạnh rằng phải được chú trọng hơn:

 

“Tôi là người trực tiếp thi công gói thầu nói trên (liên danh Samwhan-Cienco4).  Đây là gói thầu mà gần như 99% là do kỹ sư, công nhân VN (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4-Cienco4) thi công. Để đạt được thành quả trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực còn phải kể đến nổi cực khổ, cố gắng của công nhân, kỹ sư ở đây khi phải thường xuyên làm việc 3 ca, dưới áp lực cao...” - Việt Phương: Vietphuong214@gmail.com

 

“Phần lớn comment ở đây có lẽ là của những người không làm trong ngành XD cơ bản. Các bạn không hiểu rõ những khó khăn phức tạp của nhà thầu khi thi công, những tổn thất về kinh tế, con người khó có thể bù đắp nổi. Còn ở đây nhà thầu đã làm lợi cho Quốc gia gần 1500 tỷ đồng, vậy thì tiếc gì thưởng cho họ 1 khoản để thể hiện sự cảm ơn? Chúng ta nghèo nhưng không có nghĩa là keo kiệt với các nhà thầu có cố gắng và có thực lực thi công. Còn phạt khi nhà thầu không bảo hành được, phạt khi xảy ra sự cố gây thiệt hại cho chủ đầu tư. ĐỪNG THẤY KHOẢN THƯỞNG LÀ CON SỐ KHIẾN BẠN GIẬT MÌNH, MÀ PHỦ NHẬN CÔNG LAO CỦA NHÀ THẦU!” - Mạc Khánh Lâm:  mackhanhlam@gmail.com

 

“Thưởng vượt tiến độ là xứng đáng vì làm lợi cho nền kinh tế và vì nó là điểm sáng lẻ loi trong bức tranh khá u tối của ngành GTVT với hàng ngàn công trình chậm tiến độ. Nhưng nếu xét việc phạt chậm tiến độ vì làm thiệt hại cho nền kinh tế thì có khi lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, sao chẳng thấy ai bị phạt nhỉ?” - Viet Thanh:  vietdangthanh@gmail.com

 

“Đồng ý là cần phải thưởng để khích lệ tinh thần, nhưng dựa vào những chi tiết đơn giản như vậy mà đề xuất mức thưởng cao ngất ngưởng đến gần 180 tỉ là không nên. Hơn nữa công trình chưa phải hoàn hảo khi chỉ đưa vào sử dụng hơn 10 tháng đã lún, đó là còn chưa nói tiến độ vượt chỉ tiêu gần một năm, theo tôi nghĩ, là vô cùng có vấn đề về chuyên môn cũng như tính chuyên nghiệp” - Thai: quocthaithuong@gmail.com

 

“Thưởng thì đúng rồi, nhưng chắc chắn phải có phạt. Đừng đổ cho lưu lượng xe quá tải. Xem ở nước ngoài lượng ô tô còn nhiều hơn ở VN rất nhiều, nhưng công trình giao thông của họ luôn tốt gấp nhiều lần ở VN. Với lượng xe ở VN như thế chẳng có gì là quá tải cả” - Nguyễn Nam:  bestchoice1801@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Bên trọng, bên khinh

 

Đành rằng là phân công lao động xã hội, đành rằng không thể có công bằng tuyệt đối ở mọi lúc, mọi nơi…Nhưng mấy ai có thể không chạnh lòng khi so sánh giữa con số lương “chỉ đủ sống” của nhiều công nhân lao động ở mấy doanh nghiệp của những ông sếp lãnh lương tiền tỉ mỗi năm, cũng như không chạnh lòng khi thấy độ vênh quá lớn giữa 2 con số tiền thưởng này nữa???

 

“Hãy thưởng giống như Sở Y tế Hà Nội thưởng cho chị Nguyệt ấy. Cũng nhờ chị ấy phát hiện ra tiêu cực mà tiết kiệm cho bảo hiểm không biết bao nhiêu tiền nếu cứ để tình trạng này diễn ra chục năm nữa. Chị cũng cứu được không biết bao nhiêu sinh mạng mà chỉ được thưởng 320.000 đồng theo đúng qui định. Vậy hãy lấy qui định tiền thưởng ra áp dụng đi!” – Nguoi Viet:  nguoiviet@hotmail.com

 

“Kính thưa các vị! Đấu thầu làm đường nếu làm tốt thì lãi nhiều, làm chưa tốt thì lãi ít. Sao lại có thưởng mà thưởng toàn chục tỷ, trăm tỷ vậy? Khủng khiếp quá! Thưởng vậy bằng thuế nông nghiệp của 1 huyện, thậm chí nhiều huyện trong một năm chứ ít đâu. Đề nghị Quốc hội có ý kiến về việc này và kiểm tra lại việc thưởng từ trước tới nay của các Bộ, kẻo đất nước nghèo đi vì tiền thưởng đó. Như chị Nguyệt Hoài Đức công lao chống tiêu cực nhưng vậy mà thưởng có 320.000đ!!! Sao khập khiễng quá vậy?” -  Nguyễn Hữu Phước:  phuocv@yahoo.com.vn

 

“Thưởng phạt phân minh là đúng! Tôi nhớ lại câu chuyện về một vị tướng của nước Pháp dẫn đầu đội quân tiến về giải phóng nước Pháp thời Napoleong trên 1 con tàu biển. Do chằng buộc pháo dưới hầm tàu không tốt, đứt dây chằng nên khi gặp sóng lớn, pháo bị xô, dịch chuyển đâm thủng mạn tàu gây nguy cơ chìm tàu. Viên chỉ huy pháo binh dũng cảm và mưu trí bịt được lỗ thủng và cứu được tàu. Viên tướng lập tức tháo mề đay trên ngực mình trao cho viên chỉ huy pháo binh để khen thưởng công cứu tàu, nhưng ngay sau đó ra lệnh xử bắn cũng viên chỉ huy pháo binh đó vì tội thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ chằng buộc pháo gây hậu quả suýt nữa làm cuộc hành quân thất bại.

Có lẽ Bộ GTVT cũng nên làm theo cách này...” - Vũ Ngọc: vungoc2012@gmail.com

 

“… Theo tôi, việc làm ẩu là chắc có, việc tải trọng xe quá tải cũng là có vì CSGT, TTGT vẫn cho ‘đóng luật’ là xe chạy được mà. Đáng lẽ trong quá trình bảo hành đường thì nhà thầu phải kiểm tra xe quá tải không cho đi, thế mới công bằng. Nhưng vì ở VN  vấn đề xe quá tải…. rất khó nói, dân nhiều người nói cũng không ai nghe nên mới vậy... Thưởng/ phạt nghiêm minh là điều chắc chắn có trong hợp đồng, song nhà thầu nên bảo quản tốt việc kiểm tra giám sát đường, đừng dại để họ phá tải trọng phương tiện giao thông rồi mình phải chịu oan là khổ! Phía Nhật Bản họ sẽ cười cho VN vì để tình trạng quá nhiều xe khủng!” - Cao Thanh Hải:  Hoabinh999@gmail.com

 

Lại thêm một trường hợp nữa độ vênh “khủng” giữa những con số khiến dân ta vốn nghèo không thể không giật mình, chạnh lòng băn khoăn và day dứt!

 

Khánh Tùng