1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đường bị lún vẫn xin thưởng 180 tỷ đồng: Thưởng - phạt thế nào?

(Dân trí) - Đường trên cao Vành đai 3 Hà Nội hoàn thành vượt tiến độ đã đem lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội, rất xứng đáng được khen thưởng. Nhưng tuyến đường này sau 10 tháng thông xe đã bị lún. Vậy việc thưởng - phạt như thế nào là hợp tình hợp lý?

Lần đầu tiên tại Việt Nam, việc thưởng nhà thầu thi công vượt tiến độ đã được đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đơn vị đưa ra đề xuất là Ban Quản lý Dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) - chủ đầu tư của Dự án xây dựng đường Vành đai 3 - Hà Nội (giai đoạn 2) đưa ra tới 9 căn cứ cho việc gửi đề xuất khen thưởng nhà thầu thi công.

Số tiền đề xuất thưởng là 179,9 tỷ đồng, trong đó nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được 102 tỷ đồng vì hoàn thành gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày; liên danh nhà thầu Samwhan - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) được đề xuất thưởng trên 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành gói thầu số 1 (Mai Dịch - Trung Hòa) trước thời hạn hợp đồng là 263 ngày để thông xe toàn tuyến vào tháng 10/2012 thay vì tháng 11/2013 như kế hoạch tiến độ của hợp đồng trước đó.
 
Đường trên cao Hà Nội bị lún sau 10 tháng thông xe. Trong khi đó chủ đầu tư

Đường trên cao Hà Nội bị lún sau 10 tháng thông xe. Trong khi đó chủ đầu tư đề xuất xin thưởng tiến độ cho nhà thầu đã hoàn thành vượt kế hoạch

Chuyện thưởng tiến độ đã có trong Luật và hợp đồng kinh tế nên không có gì phải bàn khi nhà thầu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công bằng mà nói, không thể phủ nhận việc rút ngắn tiến độ mấy trăm ngày đã mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế xã hội, tiết kiệm điều chỉnh giá, tiết kiệm chi phí tư vấn… Tổng giá trị lợi ích từ việc rút ngắn tiến độ của dự án là khoảng 1.499 tỷ đồng.

Nhưng, sự oái oăm lại nằm ở chỗ, đề xuất thưởng nói trên được đưa ra đúng thời điểm tuyến đường trên cao hiện đại nhất Thủ đô vừa bị phát hiện lún sau 10 tháng thông xe, tại phần mặt đường bê tông nhựa thuộc gói thầu số 2, do chính nhà thầu được đề xuất khen thưởng là Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui thi công. Điều này khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn: công và "tội", thưởng và phạt thế nào là hợp lý?

PMU Thăng Long khẳng định, với việc thiết kế thành phần cấp phối và quy trình thi công đã tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành thì hiện tượng lún là do ảnh hưởng của tình trạng xe quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường chứ không phải do kỹ thuật và chất lượng thi công. Hiện nay, toàn bộ dự án vẫn trong giai đoạn bảo hành, PMU Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và phía nhà thầu vẫn chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra và sẽ tiến hành sửa chữa những vị trí cục bộ bằng kinh phí của nhà thầu.

“Thưởng là chuyện nên làm, nhưng phạt cũng phải nghiêm khắc”

Việc thưởng tiến độ của dự án giao thông chưa từng có tiền lệ nên với đề xuất của PMU Thăng Long, Bộ Xây dựng đã đưa ra ý kiến. Bộ này cho rằng việc hoàn thành sớm Dự án đường trên cao Vành đai 3 Hà Nội so với tiến độ trong hợp đồng và phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích về kinh tế và xã hội là rõ rệt, vì thế việc thưởng cho nhà thầu thi công do rút ngắn tiến độ trong hợp đồng là cần thiết.

Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, mức thưởng - phạt đã được quy định trong hợp đồng, Luật Xây dựng và Nghị định của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Việc xác định các lợi ích kinh tế xã hội có phương pháp tính toán phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký giữa các bên. Bộ Xây dựng thống nhất để Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan tính toán các lợi ích do việc rút ngắn tiến độ dự án mang lại.
 
Việc thưởng - phạt phải công minh, rõ ràng
Việc thưởng - phạt phải công minh, rõ ràng

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội - cũng cho rằng trong xây dựng cơ bản chủ yếu làm theo hợp đồng kinh tế, và hợp đồng kinh tế có quy định thưởng - phạt.

“Việc thưởng tiến độ vượt kế hoạch ở đây được xác nhận từ khi nghiệm thu công trình, khi đã xác nhận chất lượng thi công của nhà thầu là tốt thì chiếu theo hợp đồng kinh tế phải có thưởng. Còn khi phát hiện ra vấn đề về mặt chất lượng thì phải căn cứ vào những quy định về phạt chất lượng và xét theo đúng hợp đồng kinh tế để xử lý, bảo hành” - ông Toản nói rõ.

Trước đề xuất thưởng của PMU Thăng Long cho nhà thầu thi công đường trên cao Vành đai 3 Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy - người có nhiều năm nghiên cứu về giao thông ở trong và ngoài nước cũng nhìn nhận, việc thưởng - phạt là chuyện bình thường nhưng phải phân minh, rõ ràng. Cũng theo ông Thủy, mức thưởng 180 tỷ đồng là quá cao.

“Không thể đánh đồng chuyện thưởng phạt ở đây, vì họ có thành tích thì phải thưởng để động viên, nhưng mức thưởng phải được cân nhắc sao cho hợp lý. Thưởng là chuyện nên làm nhưng phạt cũng phải nghiêm khắc để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và không bị dư luận xã hội phản ứng lại.

Tôi nói như vậy bởi có rất nhiều dự án tiến độ thi công rất chậm hoặc sau khi hoàn thành vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, như Quốc lộ 32 (10 năm mới xong), Đại lộ Thăng Long, Dự án cầu Nhật Tân… Những dự án này rất đáng phạt nhưng cũng chả thấy đề xuất phạt ai cả. Tôi nghĩ, thưởng và phạt phải đi đôi với nhau thì mới thuyết phục được lòng dân”.

Dự án đường vành đai 3 (giai đoạn 2) TP Hà Nội đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm dài 9km, được thông xe toàn tuyến từ ngày 21/10/2012. Từ khi dự án được đưa vào khai thác đã giải quyết triệt để việc ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, đặc biệt là tạo thông thoáng trong lưu thông tại các nút giao Nguyễn Trãi - Thanh Xuân và Trung Hoà - Trần Duy Hưng.

 
Quỳnh Anh