Văn minh biển hiệu quảng cáo - Chuyện cũng không hề nhỏ
(Dân trí) - Sau nhiều năm mới có dịp trở lại, chúng tôi cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hiện đại đã thay đổi gần như toàn bộ “gương mặt” tuyến đường chạy dọc theo bãi biển của khu du lịch Bãi Cháy. Mừng và cũng lo cho Hạ Long bởi hình dáng "phố Trung Quốc" quá rõ…
Cảm giác nuối tiếc trong chúng tôi càng gia tăng, đúng như trong phản hồi Thanh Tân Đăng dung_bachdanghl@yahoo.com.vn nêu những câu hỏi day dứt:
“Đây mới là mặt đường thôi, nhà báo Quốc Đô à. Bạn xuống khu Chợ Đêm của bãi tắm mà chụp hình, còn rất nhiều biển quảng cáo chữ Trung Quốc, Hàn Quốc nữa. Không biết kinh doanh được bao nhiêu mà đem cả bãi tắm đẹp thế làm CHỢ ĐÊM, lại bán toàn đồ Trung Quốc???”
Vấn đề không phải mới và cũng đã được dư luận đề cập tới nhiều lần, song vẫn còn đó cảnh tượng những “phố Trung Quốc” tương tự như ở Hạ Long:
“Cứ gì ở Quảng Ninh, ở Lạng Sơn còn có hẳn khách sạn TQ, người TQ làm bảo vệ luôn. Ở Lào Cai cũng vậy… Giờ chuyện đó với dân bản địa là bình thường rồi, bây giờ các ngành chức năng mới ngó đến có muộn quá hay không?” - Mạnh: duymanh.visun@gmail.com
“Các bạn về Hải Phòng, tới phố Văn Cao mà xem, cứ tưởng lạc vào phố Tàu ở đâu đó” - Lê Thắng: archle76@yahoo.com
“Tôi đã từng đi qua huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, thấy ở đây cũng có những phố TQ như vậy. Khu mua bán của TQ, nhà máy, công trình xây dựng của TQ” - Trần Hoài Tâm: hoaitam08t3@gmail.com
“Yêu cầu các nhà quản lý xử nghiêm minh theo nghị định 75/2010/NĐ- CP về vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, quảng cáo. Mà không chỉ ở thành phố Hạ Long đâu, ở khu công nghiệp Vũng Áng của Hà Tĩnh cũng có nhiều biển quảng cáo như vậy. Rất không nên, đặc biệt là khi tình hình Biển Đông đang phức tạp như hiện nay…” - Nguyễn Đức Vĩnh: ducvinhqt87@gmail.com
“Có gì ngạc nhiên chứ! Cũng giống như chúng ta đi sang Lào, Campuchia, Thái Lan … đều có cảnh như vậy. Có cái sai là họ để tiếng Việt bé hơn tiếng ngoại quốc thôi. Luật đã qui định và cho phép rồi mà” - Huy Hoàng: huyhoang2003@gmail.com
Bình thường và không bình thường
Tới một số nước khác, chúng tôi cũng thấy cảnh những “phố TQ”, khu kinh doanh gần như toàn hàng và người TQ tương tự. Có lẽ cũng từ góc độ đó, một số ý kiến lý giải cho điều đã trở nên khá bình thường trong mắt không ít người VN này:
“Không nên quá khắt khe. Khu du lịch Bãi Cháy, Hạ Long mấy năm trở lại đây khách du lịch chiếm 80% là người TQ và Hàn Quốc, nên quảng cáo bằng tiếng của họ cũng không có gì lạ. Tại sao tiếng Anh dùng quảng cáo được mà tiếng Trung lại không? Tôi được biết những phố người Việt ở bên nước ngoài cũng quảng cáo toàn bằng tiếng Việt đó thôi” - Mạnh: tinh_yeu_duong_pho_86@yahoo.com
“Hạ Long có nhiều khách du lịch TQ, treo bảng hiệu tiếng TQ là chuyện bình thường. Hơn nữa vẫn có bảng hiệu tiếng Việt bên trên đó thôi” – Nghia: Nguyendinhnghia_tt2_bk52@yahoo.com
“Mình nghĩ ở chỗ khác thì hơi lạ, chứ Hạ Long thì đa số dù không giỏi cũng biết những chữ tiếng Anh đơn giản này. Còn người biết tiếng Trung thì hầu như không đếm xuể, vì từ tiểu học đã được học tiếng Trung hoặc tiếng Anh rồi. Để giao tiếp thì Quảng Ninh có nhiều người lắm. Chuyện này người ở nơi khác đến có thể thấy lạ, nhưng người ở đây thì thấy bình thường, tôi cũng thấy bình thường. Khu vực Bãi Cháy vào mùa thu -đông trở đi đến trước 30/4 năm sau ngoài khách Hàn, khách Trung ra hiếm thấy khách VN. Chỉ 3 tháng hè là có khách Việt. Mà du khách nước ngoài họ có hiểu chữ Việt đâu?” - Ngọc Bich: sunflower_9339@yahoo.com
“…Đây là khu du lịch, người kinh doanh xác định đối tượng và đưa ra những phương án hợp lý. Cũng giống như tại các vùng cửa khẩu lân cận bên TQ, cũng có 1 số các cửa hàng có ghi thêm cả tiếng Việt. Ở Thái Lan cũng vậy….” - Nguyễn Hà: ha.nguyentrong@yahoo.com
Nhìn từ góc độ rộng và xa hơn, nhiều phản hồi của bạn đọc vạch rõ những điều không bình thường từ chính những chuyện được coi là “bình thường ở huyện” vẫn tồn tại lâu nay bởi chính cái sự xuê xoa, dễ dàng cho qua… mà quên mất phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật:
“Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và thêm một lần được một tổ chức tư nhân công nhận là kỳ quan thế giới. Vậy mà ông Giám đốc Sở, chính quyền địa phương lại không nắm được Luật Quảng cáo thì không thể chấp nhận được…” – Tran Ngoc Hung: hungcalisto123@gmail.com
“Người dân kinh doanh cũng cần có lợi nhuận. Nhưng để hiểu về luật thì hầu như dân mình còn quá mù mờ. Mà đây lại là luật Quảng cáo thì họ lại càng không biết. Trách nhiệm là ở người quản lí. Bao nhiêu người ăn lương ngân sách, hàng ngày qua lại khu vực này, hay chính họ cũng không nắm được luật? Dân mình vốn có tính tự hào dân tộc rất cao, khi họ hiểu ra thì tôi tin sẽ chẳng có gì khó khăn nữa cả” - Ngo Van Huan: huanbibang@gmail.com
“Thật đáng buồn cho một thành phố du lịch như Hạ Long. Hạ Long của VN, tại sao chính người dân của mình lại đánh mất lòng tự tôn của dân tộc chỉ vì lợi nhuận? Cơ quan quản lý nhà nước nên vào cuộc và xử lý ngay để cảnh tỉnh cho người dân về lòng yêu nước” - Võ Văn Quý: voquypvnc09@gmail.com
“Ý thức và tinh thần dân tộc của một số người chưa cao, cộng lại cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong quản lý. Hãy đề cao lòng tự tôn dân tộc. Chữ nước ngoài chỉ nên ghi nhỏ là được rồi. Mình có thể bán đắt hàng, nhưng chính du khách nước ngoài sẽ đánh giá tinh thần dân tộc của ta chưa cao” - Kien: kiendinhd@gmail.com
“Nên dùng song ngữ, chữ tiếng Việt to hơn và ở phía trên” - Tien Dat: chutiendat2011@gmail.com
Khánh Tùng