Đừng quên chuyện ngụ ngôn “Sói và gà”
(Dân trí) - Ngay sau khi bài "Phố Trung Quốc" giữa lòng Hạ Long và Xử lý “phố Trung Quốc” ở Hạ Long: Phụ thuộc vào... thời tiết (!) đăng trên báo Dân trí điện tử, hàng loạt comment của bạn đọc trong và ngoài nước gửi về, bày tỏ bức xúc.
Một cửa hàng có biển hiệu chữ Trung Quốc ở Hạ Long (Quảng Ninh)
Bạn đọc lên tiếng đây là một thực trạng đáng buồn:
“Tuần vừa rồi chúng tôi có đi du lịch qua khu Hạ Long và Hải Dương với cả đoàn từ miền Trung. Tự hào vì danh lam thắng cảnh, đặc sản Việt Nam đẹp và ngon. Nhưng thật sự thất vọng và lo lắng khi thấy nơi này dùng toàn ngôn ngữ Trung Quốc, thậm chí bảng giá sản phẩm cũng bằng đồng nhân dân tệ... Vì sao vậy? Nguyễn Ngọc Vũ archnguyenngocvu.masc@gmail.com
Và thực trạng này không chỉ có ở Hạ Long, mà còn có ở nhiều địa phương khác:
“Tôi thấy ở tỉnh Bình Dương còn có pano to tướng:"Nhà đất China"???Tôi không hiểu trên đất Việt mà sao lại có đất Trung Quốc. Thật vô lý quá.”- Transon
“Cái này nó diễn ra từ Nam ra Bắc, từ miền núi đến đồng bằng. Có lẽ tỉnh nào cũng có. Chắc các vị quản lý "bận rộn" quá nên không kiểm soát hết? Bạn đã vào Kỳ Anh - Hà Tĩnh chưa? Ngay ở quốc lộ 1A đầy rẫy các quán cơm, cửa hàng Trung Quốc rồi, chưa nói xuống sâu vào khu công nghiệp Vũng Áng. Thật buồn thay! ” - nguyen hong lephongspk@gmail.com
... Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều nơi. Một số nơi khác như Bình Dương... cũng đã và đang xảy ra tương tự. Nếu các cơ quan có trách nhiệm không giải quyết triệt để thì chưa biết điều gì sẽ còn xảy ra tiếp? Minh hoangminh1080m@yahoo.com
“… vì khách hàng chủ yếu ở đây chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc nên các thương nhân có cố tình làm vậy cũng có thể chiếu cố chăng. ..” - Phúc Vĩnh lamnguyen@gmail.com
Nhưng nhiều bạn đọc không đồng tình về sự “chiếu cố” này, cho rằng:
“Vì đồng tiền mà Hạ Long để có tình cảnh vậy sao? ... “ nguynhonghai nguyenhonghai_1960@yahoo.com.vn
“Vì lợi nhuận mà coi nhẹ danh dự quốc gia ư...” - Phạm Ngọc Vũ Ngocvucity@yahoo.com
“… Để tới tình trạng biển quảng cáo tiếng nước ngoài dày đặc như ở Hạ Long thì thật đáng buồn. Xin mọi người đừng quên đi gốc gác. Người Việt xưa mất 1.000 năm sống trong cảnh Bắc thuộc mà không bị đồng hóa, nhưng đến thế hệ con cháu chúng ta nếu vì lợi trước mắt mà không có tinh thần dân tộc thì thật đáng trách và xấu hổ!!!”- Đặng Thanh Tùng thanhtung.mik.264@gmai.com
So sánh với nơi khác trong nước làm tốt:
“... Ở quê tôi muốn làm một bảng hiệu mà có chữ nước ngoài thì phải đảm bảo yêu cầu như sau: 1.Chữ tiếng Việt phải to hơn chữ nước ngoài (gần gấp đôi). 2. Chữ tiếng Việt phải ở phía trên. Chứ làm gì có chuyện chữ tiếng nước ngoài tràn lan kiểu này, nhìn vào không khác gì đang ở TQ.” – viettai ngviettai@gmail.com
“Tháng 11/2009, tôi đi dự Colloque International về Recherche-action tại Quảng Châu (TQ). Nhìn các biển hiệu của các cửa hàng, cơ quan trên phố của họ rất trật tự: Mọi bảng hiệu đều viết bằng chữ Trung Quốc cỡ lớn. Nếu có chữ nước ngoài (thỉnh thoảng thôi, và chủ yếu là tiếng Anh) thì phải viết bên dưới, với cỡ chữ nhỏ, bằng 1/3 chữ Trung Quốc. Việt Nam ta thì cho viết chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt! Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như thế ư ?” - Trần Thanh Ái tranthanh_ai@yahoo.com
“... Ở bên Nhật, tôi thấy các biển quảng cáo tuyệt đối không có chữ nước ngoài. Họ giữ gìn bản ngữ như vậy cơ mà...” - Nguyễn Khánh Toàn khanhtoanagribank@gmail.com
Vậy tại sao ở Việt Nam lại có thực trạng này? Căn cứ vào Luật Quảng cáo ban hành đã quy định :”Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt … Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt…”, đông đảo bạn đọc quy chiếu nguyên nhân chính của thực trạng trên là do quản lý kém:
“Điều này nói lên sự non kém về sự quản lý, cũng như kém về biện pháp phát huy thế mạnh du lịch của ta. Cần cải tiến gấp.”- Nguyễn Đức Cường duccuong.namdinh@gmail.com
“Dân ta phải theo luật ta. Bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào sống trên đất nước ta đều phải chấp hành mọi quy định và pháp luật của Nhà nước, không thể vì lợi ích cá nhân mà làm mất đi lòng tự tôn dân tộc! Yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để Hạ Long không còn cảnh tượng này nữa...” – Hùng quochung8359@gmail.com
Và nhiều bạn đọc không đồng tình khi nghe phát biểu của quan chức quản lý du lịch của tỉnh Quảng Ninh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Dân trí, đăng tải trong bài Xử lý “phố Trung Quốc” ở Hạ Long: Phụ thuộc vào... thời tiết (!):
“Việc thay thế biển hiệu của các hộ kinh doanh tới khi nào mới giải quyết được thì không thể trả lời được vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố…. thời tiết”, ông Hùng nói. Không biết phải nói gì với câu trả lời của ông Hùng.”-Thu Hà hathuthuy@gmail.com
“Không thể tin được một người quản lý của tỉnh lại có thể phát biểu như vậy. Nếu bất cứ việc gì đều lấy lý do nguyên nhân việc này là do xuất phát từ thực tế, vậy hỏi cán bộ của chúng ta hiện nay yếu kém vậy sao? Tinh thần tự tôn dân tộc của chúng ta ở đâu? Yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh vì đất nước, con người VN” - Huu Nguyen huunguyen117@yahoo.com.vn
"Ông Hùng lý giải việc này xuất phát từ nhu cầu thực tế, lượng du khách là người Trung Quốc tới đây rất đông nên các hộ kinh doanh làm biển hiệu như vậy để thu hút du khách tới mua hàng." Nói như ông Hùng này thì chắc ở Phố cổ Hội An các biển hiệu viết toàn tiếng Anh hết cả. Nên cho ông này về Hội An xem ….” viettai ngviettai@gmail.com
“Tình trạng này còn kéo dài khoảng 5 năm sau thì không chỉ Hạ Long mà Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng sẽ xuất hiện. Đơn giản là Luật pháp Việt Nam lỏng lẻo, khiến tiểu thương China dễ dàng độc chiếm. Không chỉ là việc tên biển hiệu, sau này là chuỗi cửa hàng đồ TQ...”-Viet Nam Ơi! tiengtrungdhhn@gmail.com
“Một số người dân chúng ta chỉ biết đến lợi nhuận trước mắt mà đánh mất đi giá trị bản sắc dân tộc mà chính tổ tiên của những người bán hàng này đã xây dựng lên, phải chăng họ ghi thế cho oai. Rõ ràng chúng ta đang bị mất đi bản sắc riêng của dân tộc một cách nghiêm trọng. Họ là thế hệ hiện tại còn tương lai, con cháu họ cứ như thế này thì hỏi tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước sẽ còn đâu.” Đinh Văn Phi philong78.nasico@gmail.com
Để khắc phục thực trạng quảng cáo đáng buồn này, bạn đọc đề xuất:
“Phạt thật nặng những biển hiệu không đúng quy định, kỷ luật cán bộ phường, cán bộ quận quản lý biển bảng có liên quan không làm tròn trách nhiệm.” Trương Anh Đức info@sangoducphat.com
“Theo tôi hãy phạt từ cái gốc, nếu cơ sở in biển quảng cáo mà không ghi rõ nơi cơ sở in thì phạt ngay từ cơ sở in. Quy định in biển quảng cáo phải được nắm rõ khi thành lập công ty in ấn. Người dân nào không biết quy định thì khi đi thuê in phải được tư vấn và trái pháp luật thì không được làm. Cố tình làm thì phạt ngay từ gốc, phải có địa chỉ cơ sở in ở mặt sau hay vị trí nào mặt trước. Đừng để dân mất tiền làm biển quảng cáo rồi lại tháo dỡ, Những biển quảng cáo phản cảm cũng nên cấm in.” - thoa ms.thoa.nbt@gamil.com
Cuối cùng, đọc comment của bạn đọc Hải Yến changnd@yahoo.com.vn, : “Cứ để tình trang này lâu dần sẽ biến tướng nhiều vấn đề không lường được. Nay là việc dân ta treo biển hiệu TQ với lý do bán hàng dễ hơn. Mai là dân của TQ ở đó, lấn dần dân ta... Liệu lúc đó trở tay sao kịp? Đề nghị chính quyền các cấp xử lý nghiêm, ngăn chặn ngay tình trạng kể trên.”, chúng ta không khỏi giật mình nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn: Một con chó sói đứng ở ngoài chuồng gà, nghĩ mưu để ăn thịt đàn gà đang ở trong chuồng, bèn bảo gà: “Trời lạnh quá, làm ơn cho tôi thò một chân vào chuồng để ấm”. Đàn gà thương tình cho chó sói thò một chân vào. Một lúc sau, chó sói lại bảo: “Vẫn lạnh quá, làm ơn cho tôi thò thêm một chân nữa vào.” Đàn gà lại cho sói thò chân thứ hai vào. Một lúc sau, sói lại bảo: “Còn lạnh lắm. cho tôi thò thêm chân nữa vào.” Gà lại cho chó sói thò thêm chân thứ ba vào. Lúc sau, chó năn nỉ: Trời ơi, sao vẫn lạnh thế. Làm ơn đi, cho tôi thò nốt chân cuối cùng vào.” Gà thương tình mở luôn cửa chuồng cho sói vào. Vào được chuồng rồi, sói liền ăn thịt cả đàn gà dại dột và cả tin.
Nguyễn Đoàn (tổng hợp)